Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Nút thắt khó gỡ trong xử lý tài sản

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một trong số ít dự án luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại ba kỳ họp, dài hơn một kỳ so với quy trình xây dựng pháp luật thông thường. Điểm vẫn gây tranh luận hiện nay là làm sao giữ được sự cân bằng trên ranh giới mong manh giữa một bên là quyền tài sản, quyền bảo vệ bí mật đời tư được Hiến định và một bên là yêu cầu công khai minh bạch về thu nhập và tài sản.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11-4-2018 tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11-4-2018 tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Hai phương án đều chưa trọn vẹn

Có một thực tế rất đáng bàn là đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật, nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) bổ sung quy định xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm theo hai phương án.

Theo phương án chọn, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN.

Ở phương án hai, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm. Trong cả hai phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Thế nhưng, điều rất đáng nói là cả hai phương án nêu trên dường như đều chưa có được sự đồng thuận cao, vì đều có những điểm bất ổn. Bởi lẽ việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Rạch ròi xóa “khoảng mờ”

Về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”, nhất là trong một xã hội có tập quán để lại tài sản thừa kế cho con cháu theo kiểu trao tay, không có giấy tờ, hợp đồng công chứng gì. Ngoài thu nhập từ lương thì nhiều cán bộ, công chức còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức và có thể các giao dịch dù lên hàng tỷ đồng vẫn có khi được thực hiện bằng tiền mặt mà không qua ngân hàng… Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện… Trong bối cảnh đó, đánh thuế cao đối với khối tài sản, thu nhập “không thể giải trình một cách hợp lý” là giải pháp được nhiều ý kiến đồng tình, song vẫn còn một số vướng mắc kỹ thuật.

Khác với phương án chọn của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định tán thành đánh thuế, nhưng thực hiện theo biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cũng vì “khoảng mờ” khó phân định rạch ròi trong việc xác định thế nào là “giải trình hợp lý”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm: “Cứ theo nguyên tắc, đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, có tăng tài sản là đánh thuế, kể cả được thừa kế hương hỏa. Tài sản tăng đột biến mà không khai thì phạt hành chính. Tách bạch tiền phạt với khoản đóng thuế, phạt rồi thì phần thu nhập tăng thêm còn lại cũng đánh thuế tiếp”.

Hiện cũng có loại ý kiến đáng lưu ý khác như, về bản chất đây là thuế tài sản, chứ không phải thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, cũng phải tính đến những cách “rửa tiền” rất tinh vi qua chứng khoán, địa tô…, do đó, nếu không hoàn thiện các quy định để ứng phó với những hình thức này, PCTN cũng không hiệu quả.

Không làm khó “kê khai” và “xác minh”

Theo một báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV ngày 6-11-2017 cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, đạt 99,8% so với số người phải kê khai. Tuy nhiên, chỉ mới xác minh, phát hiện, xử lý năm trường hợp vi phạm về kê khai tài sản thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Nút thắt khó gỡ trong xử lý tài sản ảnh 1

Cần có cơ chế để việc kê khai tài sản của cán bộ công chức không mang tính hình thức.

Để tháo gỡ nút thắt trong kê khai, rõ ràng cần thay đổi nhận thức xã hội cũng như cách thức xác minh, kiểm tra để cán bộ có thể mạnh dạn kê khai trung thực tài sản của mình mà không ngại bị phiền hà hoặc bị đánh giá thiên lệch.

Đơn cử như nội dung về xác minh tài sản, thu nhập. Nếu đây trở thành một khâu bắt buộc trong quy trình bổ nhiệm cán bộ thì sẽ kéo dài thời gian bổ nhiệm (vì tổng thời gian xác minh có thể lên đến 80 ngày, chưa tính đến thời gian khiếu nại, giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết khiếu kiện tại Tòa án).

Mặt khác, quy định này khiến cho trong cùng một thời điểm có thể số lượng bản kê khai rất lớn, vượt quá khả năng của cơ quan kiểm soát dẫn đến việc xác minh qua loa, hình thức... Vì thế, khoanh lại đối tượng cần xác minh cho phù hợp với khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng, cách thức và thời gian xác minh phải được tính toán sao cho hiệu quả nhất. Điều quan trọng, quá trình xác minh cần phải được “nhắc lại” định kỳ, chứ không chỉ làm một lần là xong! Không đánh đố thực thi và cũng cần được thiết kế theo hướng phòng hơn chống, đó là cách thức mang tính răn đe, ngăn ngừa để cán bộ có muốn tham nhũng cũng không được. Như vậy, sẽ không còn tình trạng cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề.

Những cuộc thảo luận về biện pháp xử lý tài sản tham nhũng tại nghị trường, hay trong khuôn khổ các hội thảo, lấy ý kiến từ cộng đồng là bước quan trọng để vấn đề khó khăn được nhìn nhận toàn diện và triệt để hơn. Một dự thảo Luật được xem xét kỹ càng đến thế cần phải ngăn chặn được tận gốc nguy cơ “đánh trống bỏ dùi” trong phòng, chống tham nhũng.

Nếu không gỡ được nút thắt về minh bạch tài sản và xử lý số tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý thì công cuộc phòng, chống tham nhũng khó đạt được những bước tiến vững chắc và số tài sản Nhà nước bị chiếm giữ sẽ không thể thu hồi một cách hợp lý, hợp tình.

Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội ngày 6-11-2017 cho biết, năm 2017 có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016. Tiến hành 6.845 cuộc thanh tra hành chính, thu hồi 46.268 tỷ đồng, 5.008 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 2.057 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng. Về tội danh tham nhũng tăng 57% số vụ, có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, chung thân, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Các vụ án, vụ việc này gây thiệt hại hơn 1.521 tỷ đồng, 77.057 m2 đất, đã thu hồi 329 triệu đồng, 314.000 USD và 3.700 m2 đất, kê biên nhiều tài sản khác.