Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2020)

Noong Nhai, nỗi đau còn buốt nhói…

Trong lòng chảo Mường Thanh - Điện Biên Phủ, lúa vụ chiêm sắp vào kỳ thu hoạch. Một mầu vàng ấm no trải dài theo hai dòng kênh tả, hữu của đại thủy nông Nậm Rốm, góp phần tô đẹp cho các bản làng, trong đó có bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) - nơi vẫn còn ghi dấu nỗi đau buốt nhói, 66 năm rồi.

Di tích lịch sử quốc gia “Hận thù Noong Nhai”, tại địa bàn bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Di tích lịch sử quốc gia “Hận thù Noong Nhai”, tại địa bàn bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Như hẹn, ông Lò Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương - chờ chúng tôi tại nhiệm sở UBND xã. Khi chúng tôi hỏi về trại tập trung Noong Nhai hồi giặc Pháp tái chiếm Điện Biên Phủ, ông Lò Văn Chung cho biết, ngày đó ông chưa ra đời, nhưng là lịch sử của làng bản mình, dân tộc mình nên ông nhớ như thuộc lòng qua lời kể của cha mẹ, ông bà và các bậc cao niên trong bản, trong xã.

Noong Nhai, nỗi đau còn buốt nhói… ảnh 1

Ông Lò Văn Inh (thứ hai, trái sang) đang kể cho con cháu nghe về những ngày sống trong Trại tập trung Noong Nhai năm 1954.

...Vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 20-11-1953, từ hướng đông nam, mấy chục chiếc Đakôta hợp thành một thê đội đặc biệt, bất ngờ đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên. Vậy là, cuộc sống hòa bình mà Đảng và Chính phủ mang lại, nhân dân Điện Biên mới được hưởng có 11 tháng 10 ngày kể từ khi chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi (10-12-1952). Vài tuần sau khi tái chiếm thung lũng Mường Thanh, thực dân Pháp gom toàn bộ dân lòng chảo vào bốn trại tập trung, trong đó có trại tập trung Noong Nhai, cách trung tâm Mường Thanh gần 5 km về phía tây nam. Trại tập trung Noong Nhai gồm hơn 3.000 dân, phần lớn là bà con dân tộc Thái, đến từ các xã: Sam Mứn, Thanh An, Noong Hẹt và Thanh Xương. Dưới sự quản lý của đồn Hồng Cúm, thực dân Pháp đã dung túng để bọn tạo lộng, mật thám thả sức cướp bóc và hành hạ nhân dân trong khu tập trung. Hằng ngày, trai tráng khỏe mạnh bị Pháp dồn đi lính làm bia đỡ đạn thay cho chúng; số đàn ông luống tuổi bị bắt đi xây dựng đồn bốt; trong trại chỉ còn lại những người già yếu, phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc trong những túp lều cỏ tranh lụp xụp và bẩn thỉu.

Dưới sự giám sát chặt chẽ và hà khắc của lính Pháp và đám tay sai tại bản, bình quân mỗi tháng hai lần các gia đình được cử người về bản cũ lấy lương thực, thực phẩm vào trại. Hàng tháng trời, cuộc sống của nhân dân trong trại tập trung không khác gì nơi địa ngục trần gian: phụ nữ bị hãm hiếp, đàn ông bị bắt đi lính, đi phu, đói khát và bệnh tật hoành hành dữ dội mà chẳng có bất cứ một thứ thuốc chữa nào. Thực hiện chính sách “đốt sạch, phá sạch”, Đờ Cát liên tiếp cho ra các nhật lệnh: “Tất cả những nhà bằng tre gỗ của dân chúng tản cư đều phải phá dỡ, vật liệu cho công binh thu về làm hầm trú ẩn”.

Ngày 13-3-1954, quân ta đánh trận mở màn vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Càng về sau những cuộc giao tranh càng ác liệt, quân Pháp lần lượt buộc phải rút chạy khỏi nhiều cứ điểm quan trọng. Cho đến cuối tháng 4-1954, phạm vi trận địa mà chúng còn tạm thời kiểm soát chỉ rộng chừng vài km2. Trong cơn tuyệt vọng, thực dân Pháp đã phạm một tội ác ghê tởm nhất, hèn hạ nhất là sát hại dân thường - điều mà Công ước quốc tế đã nghiêm cấm - ném bom vào trại tập trung Noong Nhai!

Ông Lò Văn Inh - một nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát 1954 - ngậm ngùi kể: Sáng hôm ấy, bà con Noong Nhai tập trung rất đông để đưa tang một người trong trại bị chết vì bệnh thương hàn. Trên trời, tiếng máy bay “bà già” ro ro trong sương mù, bọn “thám không” bay trước để xác định tọa độ oanh kích. Sau mấy vòng lượn trên bầu trời Noong Nhai, những chiếc “bà già” khuất vào trong sương. Đó là điều vẫn thường xảy ra hằng ngày, nên chẳng ai để ý lắm. Quá trưa, từng tốp những chiếc khu trục (B54) bất ngờ xuất hiện. Chiếc sau nối chiếc trước, nhằm mục tiêu trại tập trung Noong Nhai cắt bom. Từ dưới đất những cột lửa ngùn ngụt bốc lên không trung, khói đen cuồn cuộn phủ tối một vùng trời. Sau loạt bom sát thương, chúng ném tiếp 12 quả bom napalm. Những tiếng nổ chát chúa, rung chuyển cả một góc phía nam lòng chảo Mường Thanh. Dân chúng kêu khóc hoảng loạn, chạy tứ tán khắp nơi. Những người bị thương không chạy kịp, bị bom thiêu cháy. Mấy đơn vị bộ đội đóng gần đấy, một mặt bắn trả máy bay giặc, một mặt xông vào lửa đạn cứu dân. Những người bị thương được bộ đội nhanh chóng đưa ra ven suối sơ cứu tạm thời. Kết thúc cuộc thảm sát dã man, nhiều gia đình không còn một người nào sống sót như gia đình ông Lường Văn É (bản Huổi Cánh, xã Thanh An), chết cả năm người; gia đình ông Lò Văn Inh (bản Hồng Cúm, xã Thanh An), chết cả sáu người; gia đình ông Lường Văn Cu (bản Huổi Cánh, xã Thanh An), chết cả bảy người; gia đình ông Lường Văn Puốn (bản Huổi Cánh, xã Thanh An), có 22 người, chết 21 người; gia đình ông Lù Văn Yêu (bản Hồng Cúm, xã Thanh An), có 19 người, chết 14 người... Tổng cộng có 444 người dân vô tội chết, hàng trăm người bị thương, nhiều người bị tàn phế suốt đời.

Lúc đó là 14 giờ ngày 25-4-1954 - một ngày đau thương và căm thù trong lịch sử vùng đất Noong Nhai. Chỉ 13 ngày sau đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Theo tiếng Thái, Noong Nhai nghĩa là Ao vỡ, cái tên đất nghe buồn như một tiếng thở dài. Nhưng “ao vỡ” còn có thể đắp liền lại được, chứ nỗi đau Noong Nhai thì buốt nhói tới tận bây giờ. Bằng chứng là nhiều người bị thương, mất chân tay hoặc bị cháy từng phần cơ thể, giờ đang sống rất vất vả. Hiện nay bản Noong Nhai gồm 86 hộ (348 khẩu), nằm cạnh quốc lộ 279, trên đường 279 từ thành phố Điện Biên Phủ lên cửa khẩu Tây Trang. Trong câu chuyện, ông Lò Văn Chung cho biết: Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương giãn dân của Chính phủ, bản Noong Nhai được chia tách thành hai bản là Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2. Từ chỗ gần 100% số hộ thuộc diện nghèo, đến nay cả bản Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 không còn hộ nào nghèo; thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân không dưới 800 kg/người/năm. Nhiều người dân bản Noong Nhai nói riêng và xã Thanh Xương nói chung, đã trở thành những điển hình về gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, như gia đình các ông: Lò Văn Inh, Lường Văn Hiêng, Lường Văn Khíu và Lò Văn Bun... Được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, người dân Noong Nhai đang từng bước đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới phồn vinh.

Nhân kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mời bạn hãy ghé thăm Khu tưởng niệm Noong Nhai để thắp một nén hương cho ấm hơn vong linh những người đã khuất, lắng nghe niềm xúc cảm thổn thức trong tim, về một Noong Nhai trong quá khứ đau thương...