Nỗi lo nâng chuẩn trình độ giáo viên

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7, đặt ra yêu cầu cao hơn trong nâng hạng, nâng chuẩn giáo viên (GV). Cụ thể GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; GV tiểu học và trung học cơ sở (THCS) có bằng cử nhân ngành đào tạo GV trở lên (trước đây hai cấp mầm non và tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm)…

Từ ngày 1-7, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS bắt buộc phải nâng chuẩn trình độ sư phạm.
Từ ngày 1-7, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS bắt buộc phải nâng chuẩn trình độ sư phạm.

Với lộ trình thực hiện trong 10 năm, sẽ có hơn 200 nghìn GV trong cả nước  thuộc diện nâng chuẩn. Vẫn còn không ít nỗi lo, băn khoăn đang hiện hữu.

Tạo điều kiện và áp lực nâng chuẩn

Ðể đồng bộ với Luật, ngày 30-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 71/2020/NÐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV mầm non, tiểu học và THCS. Theo đó, lộ trình được chia làm hai giai đoạn (từ ngày 1-7-2020 đến 31-12-2025 và từ ngày 1-1-2026 đến 31-12-2030). Chia sẻ ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, ông Ðặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cho hay, việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo GV theo kế hoạch hằng năm của địa phương. Ðể hỗ trợ, bộ đang xây dựng kế hoạch 5 năm theo lộ trình 2020-2025 và 2026-2030 gửi UBND cấp tỉnh làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện.

Cũng theo lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, GV được cử đi học nâng trình độ chuẩn được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng như quy định đối với sinh viên sư phạm); đặc biệt được tính thời gian đào tạo nâng chuẩn vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp khác (nếu có). Ngược lại, GV được cử đi học cũng phải ràng buộc trách nhiệm rất cao. Theo đó, GV sẽ chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia nâng chuẩn; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp hai lần thời gian đào tạo. Nếu GV không hoàn thành chương trình đào tạo dẫn đến kéo dài thời gian thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh. “Bên cạnh đó, nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo, thì GV không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp. GV đã hoàn thành và được cấp bằng nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết phải đền bù chi phí đào tạo”, ông Bình cho biết.

 “Mắc kẹt” giữa các chương trình tập huấn

Trước hết phải khẳng định, quy định nâng chuẩn trình độ sư phạm để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 là chủ trương lớn và cần thiết để đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ngày càng cao của các cấp học. Tuy nhiên, quá trình thực thi cần tính đến vấn đề làm sao ngăn chặn được tiêu cực phát sinh.

Cô Nguyễn Bích Nhàn, GV Trường tiểu học và THCS Thung Rếch (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) có bằng trung cấp sư phạm, đã công tác trong ngành giáo dục được 22 năm và chỉ còn ít năm nữa là có thể xin nghỉ hưu sớm. Năm 2009, do hoàn cảnh gia đình khó khăn cô đành bỏ dở việc học nâng cao trình độ lên cao đẳng. “Quy định nâng chuẩn trình độ sư phạm đợt này tuy được hỗ trợ kinh phí, nhưng còn những khoản đóng góp khác cũng có thể lên tới vài chục triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ với GV vùng khó khăn”, cô Nhàn lo lắng. Chung nỗi lo về kinh phí đào tạo, nhưng cô L.T.T.H, GV cấp tiểu học ở tỉnh Thái Nguyên cho rằng, nếu cần cũng phải cố vay mượn để được đi học nâng chuẩn. Rõ ràng, với từng chủ thể khác nhau, việc đón nhận những quy định đào tạo bắt buộc nói trên cũng có sự khác biệt.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện nâng chuẩn trình độ sư phạm các cấp học thời gian tới, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thực hiện nâng chuẩn cần tính toán kỹ bởi với những GV chỉ có bằng trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm nhưng đã đi dạy lâu năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có khả năng học hỏi thì việc nâng chuẩn lần này thực tế không có nhiều ích lợi. TS Hương cũng cảnh báo, hiện nay GV có quá nhiều các chương trình tập huấn, nâng chuẩn, nâng hạng chồng chéo nhau, khiến họ không còn thời gian để xoay xở. “20 năm tôi làm ở trường sư phạm cũng là ngần ấy thời gian tham gia tập huấn GV, rất nhiều GV vất vả, nhiều người phải xa nhà, hoàn cảnh khó khăn. Họ nói rất thích học, nhưng trong lớp tập huấn nhiều GV vừa phải ngồi nghe giảng vừa phải chấm bài, sửa lỗi cho học sinh, vào sổ điểm… Thật không còn thời gian nào nữa...”, TS Hương dẫn chứng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục cũng lo ngại, thực tế cho thấy, việc tập huấn hay nâng hạng hiện nay đều do giảng viên trường đại học sư phạm phụ trách, nhiều nội dung “bồi dưỡng” khá giống nhau. Nếu việc bắt buộc phải đi học nâng hạng là cần thiết thì cần có giải pháp hợp lý hơn. Chẳng hạn, những GV đã hoàn thành học phần nào đó ở các khóa tập huấn khác thì có thể được miễn để tiết kiệm thời gian và chi phí, không nhất thiết học đi học lại tất cả các học phần.

Về điểm này, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Ðặng Văn Bình nêu giải pháp, thời điểm nâng chuẩn sẽ căn cứ vào điều kiện của từng GV, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc xét số năm còn trong độ tuổi công tác để bố trí đi học trước hoặc sau. Việc này, các địa phương cần rà soát, sắp xếp trên tinh thần ưu tiên đối tượng còn ít năm công tác; ưu tiên những trường có thể bố trí được GV, bảo đảm nhiệm vụ giảng dạy.

Như vậy, câu chuyện thực thi Luật, quy định gắn mật thiết với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, cùng với việc bảo đảm lộ trình, kế hoạch thực hiện, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực và các vấn đề phát sinh, bảo đảm công bằng quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn trình độ. Có như vậy mới mong Luật Giáo dục năm 2019 sớm được thực thi có hiệu quả trong bối cảnh thực tiễn sinh động đặt ra nhiều yêu cầu cần phải được giải quyết.