Những dấu ấn đối ngoại khẳng định vị thế Việt Nam

Với tư duy, tầm nhìn chiến lược cùng tác phong tự tin, quyết đoán, sự chân thành, cởi mở, nhưng kiên định, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã góp phần quan trọng khẳng định vị thế và làm nổi bật hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Những dấu ấn đối ngoại khẳng định vị thế Việt Nam

Sức thuyết phục của Chủ tịch nước

Ðối với những phóng viên chuyên trách tháp tùng Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, một kỷ niệm thật khó quên chính là những ngày diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 (tháng 11-2017) tại TP Ðà Nẵng. Lịch làm việc của Chủ tịch nước dày đặc với những chuyến bay ra, bay vào liên tục như con thoi giữa Hà Nội - Ðà Nẵng. Lúc đó, sức khỏe Chủ tịch nước đã không được tốt và mọi người đều cảm thấy lo cho ông. Ngoài vai trò của nước chủ nhà, Chủ tịch APEC lần thứ 25, điều hành các hội nghị, các phiên làm việc chính thức, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang còn có hàng chục cuộc gặp, tiếp xúc song phương các vị nguyên thủ, lãnh đạo các nền kinh tế. Với một chương trình nghị sự dày đặc, nếu việc điều hành của nước chủ nhà không khoa học, linh hoạt sẽ rất dễ “cháy” chương trình. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, ngay cả trong những ngày cao điểm nhất. Ðặc biệt, một số vấn đề chưa giải quyết được ở cấp dưới, đến hội nghị cấp cao đều đã được giải quyết và thông qua. Các nước đặc biệt đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc dàn xếp ổn thỏa các khác biệt giữa các nước để đưa Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Thái Bình Dương rất rộng lớn nhưng khoảng cách địa lý đó không ngăn được ý chí và quyết tâm hợp tác của chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn khu vực”- Câu khẳng định đầy quyết tâm của Chủ tịch nước Trần Ðại Quang trong tiệc chiêu đãi và biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 đã khiến cả hội trường vỗ tay không ngớt.

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang là nguyên thủ nước ngoài có cuộc gặp cuối cùng với lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Cu-ba từ ngày 15 đến 17-11-2016. Một cuộc gặp ấm áp và kéo dài hơn dự định. Lãnh tụ Phi-đen đã không kìm được xúc động khi Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhắc lại những kỷ niệm hết sức sâu sắc của đồng chí đối với Việt Nam, nhất là lần đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô giương cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại cao điểm 241 vừa được giải phóng ở Quảng Trị tháng 9-1973, cũng như câu nói nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo và nhân dân Cu-ba. Ngay khi biết tin Chủ tịch nước từ trần, Hội đồng Nhà nước Cu-ba đã quyết định tổ chức Quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Ðại Quang.

Nói về Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, nhiều nhà lãnh đạo các nước hẳn sẽ nhớ về những dấu ấn ngoại giao tốt đẹp. Bởi ông đã khiến các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong không khí hết sức cởi mở, thực chất. Nhiều lần, Chủ tịch nước đã nhạy bén, khéo léo trong xử lý những tình huống khó, các vấn đề nhạy cảm về đối ngoại, nhất là trong quan hệ giữa các nước lớn mà trước đó ngoại giao hai bên còn chưa biết đề cập như thế nào.

Những bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược của Chủ tịch nước Trần Ðại Quang tại các diễn đàn quốc tế đã thuyết phục được những học giả, nhà nghiên cứu thế giới. Trong bài nói chuyện với cộng đồng học giả Ấn Ðộ nhân chuyến thăm tới nước này vào tháng 3-2018, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã thể hiện là nhà lãnh đạo có tầm nhìn toàn cầu với việc đề ra ý tưởng về một khu vực Ấn Ðộ - châu Á - Thái Bình Dương, đề cao vai trò của ASEAN và Ấn Ðộ trong các cấu trúc khu vực đang định hình.

Hay như khi đăng đàn tại Diễn đàn Singapore Lecture 38, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Xin-ga-po (tháng 8-2016), Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ mới, điều đó có thể là thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thế nhưng, đây không phải là cuộc chơi được mất mà là cơ hội chia sẻ, hợp tác, phát triển… Giới nghiên cứu, học giả Xin-ga-po đã hết sức đồng cảm trước những vấn đề mà người đứng đầu Nhà nước Việt Nam trăn trở, chia sẻ.

Cũng về chủ đề tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi tham dự diễn đàn APEC Pê-ru 2016, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh, cuộc cách mạng này cùng với cam kết toàn cầu triển khai mạnh mẽ Chương trình nghị sự về phát triển bền vững và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đang tạo động lực mới để tăng trưởng chất lượng. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và công bằng. Ðại diện hàng nghìn tập đoàn, công ty lớn và lãnh đạo các nền kinh tế trên thế giới sau khi rời APEC Pê-ru 2016 đã chuyển hóa nhận định trên vào những hành động cụ thể của doanh nghiệp và rộng hơn là ở quy mô quốc gia…

Tấm lòng với những người con đất Việt

Trong các chuyến thăm và làm việc tới các nước, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang thường dành nhiều thời gian gặp gỡ, nói chuyện với bà con Việt kiều. Những cuộc gặp gỡ bao giờ cũng chan chứa, ấm áp tình cảm quê hương. Chủ tịch nước thường nói rất giản dị, Ðảng, Nhà nước ta tăng cường quan hệ với các nước, một phần cũng là để làm cho cộng đồng người Việt Nam tại các nước có cuộc sống thuận lợi, tốt đẹp hơn. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài cần có ý thức giữ gìn hình ảnh đất nước và trở thành cầu nối để tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước.

Kết thúc mỗi chuyến đi, bao giờ Chủ tịch nước Trần Ðại Quang cũng đi từ đầu đến cuối chuyên cơ, bắt tay cảm ơn từng người vì đã hợp tác, làm nên thành công của chuyến công tác. Sự động viên một cách chân thành, kịp thời của người đứng đầu Nhà nước khiến mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy quên hết mệt mỏi. Nhưng thật không ngờ, chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ê-ti-ô-pi-a và Cộng hòa A-rập Ai Cập (tháng 8-2018) đã trở thành chuyến công tác cuối cùng chúng tôi được đi cùng Chủ tịch nước Trần Ðại Quang.

Trong gần hai năm rưỡi trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng như: Chủ trì khoảng 20 lễ đón chính thức Nhà vua, nguyên thủ các nước thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, trong đó có Nhà vua Nhật Bản A-ki-hi-tô và Hoàng hậu; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Ð.Trăm; Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ… Nổi bật nhất là hoạt động chủ trì các cuộc họp và sự kiện song phương, đa phương trong năm APEC Việt Nam 2017 - ghi dấu ấn của một Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế. Cùng đó là gần 20 chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự các hội nghị đa phương ở nước ngoài...