An toàn giao thông:

Những cơ chế cần được bổ sung

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam ngày 30-7 đang làm dư luận bàng hoàng. Thông tin về việc xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) khác cũng xuất hiện khá thường xuyên, dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Rõ ràng, không có những nỗ lực ấy, chắc chắn tình hình TNGT còn tệ hơn rất nhiều. Nhưng điều đó cũng cho thấy còn rất nhiều việc cần phải làm để cải thiện tình hình, mang lại sự bình an cho xã hội.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Quảng Nam, ngày 30-7. Ảnh: Đắc Thành
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Quảng Nam, ngày 30-7. Ảnh: Đắc Thành

“Toàn dân” và “Đồng bộ”

Hơn 15 năm trước, Đảng và Chính phủ đã đề ra quan điểm chỉ đạo trong công tác bảo đảm TTATGT là “Toàn dân” và “Đồng bộ”. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm thế giới về nguyên tắc “Bên liên quan” và “3-E”. Quan điểm “Toàn dân” được thể hiện qua nguyên tắc “Bên liên quan” yêu cầu rằng trong bất kỳ một giải pháp an toàn giao thông nào cũng cần có sự tham gia của tất cả những người có liên quan. Quan điểm “Đồng bộ” được thể hiện trong nguyên tắc 3-E. Theo đó, giải pháp bảo đảm TTATGT chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu phối hợp các biện pháp về hạ tầng kỹ thuật, về giáo dục - tuyên truyền và về cưỡng chế (Engineering, Education and Emergency - Nhiều giải pháp còn thêm “cấp cứu sau TNGT” và thành nguyên tắc 4-E) một cách đầy đủ, đồng bộ cả về không gian và về thời gian.

Tính đúng đắn của hai quan điểm chỉ đạo trên đã được thực tế xác nhận. Các nghiên cứu tổng kết từ những dự án ATGT chỉ rõ khi nào bảo đảm đúng quan điểm/nguyên tắc đã nêu, thì giải pháp đó thành công. Hiệu quả đạt được không chỉ dừng ở mức tổng đơn giản hiệu quả của từng biện pháp mà được tăng lên nhiều lần. Ngược lại, việc thực hiện không đồng bộ làm giảm hiệu quả của giải pháp, thậm chí không thành công. Có thể nêu vài thí dụ điển hình. Những người lái xe cá thể, nhỏ lẻ như người gây TNGT ở Quảng Nam vẫn đứng ngoài công tác bảo đảm TTATGT, như là họ không phải là một trong các “bên liên quan”. Rồi không ít dự án ATGT tuy có đủ các cấu phần, nhưng khi thực hiện thì không đồng bộ: cải tạo hạ tầng tại chỗ này, lại tổ chức tuyên truyền giáo dục ở chỗ khác, thời điểm khác, rồi tổ chức cưỡng chế cũng lại ở chỗ khác, thời gian khác nữa.

Như vậy, lúc này cần nhắc lại quan điểm “Toàn dân” và “Đồng bộ” một cách thấu suốt trong quá trình hoạch định và thực hiện giải pháp bảo đảm TTATGT.

Cơ chế đối với vốn trong nước

Hoạch định xong, vấn đề thứ hai sẽ là vốn. Gần như toàn bộ vốn cho các dự án bảo đảm TTATGT là vốn ngân sách và vốn vay nước ngoài. Rõ ràng, hai nguồn vốn này là không đủ đáp ứng yêu cầu của thực tế. Hiện nay, không ít các doanh nghiệp lớn sẵn sàng bỏ vốn cho các dự án giao thông. Nhiều dự án xây dựng giao thông có thể dựa vào nguồn vốn trong nước dưới các dạng hợp đồng BOT, BT… Điều mấu chốt là các dự án này có nguồn để trả: thu phí (giá) hoặc quyền sử dụng đất. Nhưng với các dự án không có nguồn thu như dự án TTATGT hay tổ chức giao thông, tuy hiệu quả xã hội rất lớn, lại không có cơ chế cho vốn trong nước. Nghịch lý là ở chỗ, nếu vay tiền nước ngoài, như nước ta đã từng vay cho hai dự án ATGT lớn, chúng ta chưa có cơ chế để trả. Đây là một bất cập, mà nếu gỡ được, sẽ mở đường rộng cho hàng loạt dự án, trong đó có dự án bảo đảm TTATGT.

Lái xe phải tỉnh táo: các phép thử đơn giản

Trong khi chờ đợi, TNGT vẫn xảy ra. Vậy chúng ta phải làm gì. Có nhiều giải pháp có thể thực hiện được ngay và không tốn kém lắm. Đó là việc áp dụng các kinh nghiệm, các thành tựu khoa học từ nước ngoài, như nghiên cứu áp dụng các phép thử về “độ tỉnh táo”.

Cũng như các quốc gia khác, quy định ở nước ta không chỉ cấm lái xe với nồng độ cồn cao mà còn cấm điều khiển phương tiện cả khi có ảnh hưởng của chất gây nghiện khác như ma túy. Về bản chất, quy định pháp luật này là nhằm bảo đảm người sử dụng phương tiện có đủ tỉnh táo để có thể tránh gây ra các rủi ro về TNGT. Do thế, cách tiếp cận qua độ tỉnh táo rõ ràng là trực tiếp hơn. Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc trên thế giới chứng tỏ rằng có ba bài Kiểm tra độ Tỉnh táo. Nếu ai vượt qua được các bài kiểm tra này, thì người ấy được xem là đủ tỉnh táo để lái xe. Ngược lại, nếu không vượt qua, luật pháp nhiều nước coi người ấy là không đủ tỉnh táo dù do ảnh hưởng của nồng độ cồn, của ma túy hay tác nhân khác và việc người này điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm. Điều hay là những bài kiểm tra này có thể thực hiện với những điều kiện rất đơn giản, không cần thiết bị phức tạp, có thể tổ chức dễ dàng hầu như mọi nơi mà hiệu quả lại cao. Đó là các bài kiểm tra: Đi thẳng 9 bước và quay lại (Walk-And-Turn - WAT); Đứng một chân (One-Leg Stand - OLS); Rung giật ngang của nhãn cầu (Horizontal Gaze Nystagmus - HGN).

Điều hay nữa là ba bài kiểm tra này vừa dùng cho các lực lượng chức năng kiểm soát lái xe, vừa có thể để bất cứ cá nhân người lái xe nào, hoặc bất cứ đơn vị vận tải hành khách nào cũng có thể tự dùng để kiểm tra. Từ những điều nêu trên, ta thấy các bài kiểm tra độ tỉnh táo, nếu được áp dụng ở Việt Nam rõ ràng sẽ góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống vi phạm nồng độ cồn/ma túy, chống ngủ gật khi lái xe lên một bước mới.

Từ nhiều năm trước đã có đề xuất về việc nghiên cứu cụ thể hơn về điều kiện và khả năng áp dụng thực tế những bài kiểm tra độ tỉnh táo ở Việt Nam, nhưng đáng tiếc, đến nay chưa có tiến triển gì.

Bảo đảm TTATGT là một trong những trụ cột chính của một hệ thống giao thông bền vững. Trong những năm qua, những nỗ lực bảo đảm TTATGT của chúng ta đã có nhiều kết quả, nhưng bản chất TNGT là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, những bài học về quan điểm “Toàn dân” và “Đồng bộ” cần được quán triệt thường xuyên. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế mới, những nghiên cứu áp dụng thành tựu khoa học và kinh nghiệm thế giới vì một xã hội bình an hơn cho mọi người dân.