Nguồn lực cho bước phát triển mới của đất nước

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ với thế giới. Để có thể chủ động nắm bắt thời cơ và tự tin hội nhập, cần thúc đẩy việc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để “đánh thức”, khai thông các nguồn lực phục vụ một cách hiệu quả nhất cho mục đích đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số góp phần xây dựng nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả.Ảnh: Phong Anh
Việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số góp phần xây dựng nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả.Ảnh: Phong Anh

Cải cách hành chính, tiền đề cho việc khai thông nguồn lực

Cải cách hành chính luôn gắn liền với sự cải tổ, đổi mới, từng bước góp phần hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, cải cách hành chính là vấn đề cơ bản, quan trọng để khơi thông các nguồn lực của đất nước, giúp quá trình phát triển được nhanh chóng, ổn định, hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, cải cách hành chính có mối quan hệ tiền đề, biện chứng với việc khai thông nguồn lực cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Xin được nói cụ thể hơn về các nguồn lực của đất nước. Đó là nguồn lực không trực tiếp nhằm mục tiêu kinh tế nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, thí dụ như vị trí địa lý, đặc điểm văn hóa xã hội, thể chế chính trị, cơ cấu dân tộc, cơ cấu tôn giáo… Hoặc là các nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ, vốn và thị trường, các thành phần kinh tế… Các nguồn lực gián tiếp và trực tiếp kể trên khi được khai thác, áp dụng để chuyển hóa thành giá trị sẽ tạo ra nguồn lực tài chính, phục vụ một cách hiệu quả nhất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Nghị quyết số 39 - NQ/TW, ngày 15-1-2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, có đánh giá rằng: “Việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý; hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước…”.

Nguồn lực cho bước phát triển mới của đất nước ảnh 1

Cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển.Ảnh: Hải Nam

Rõ ràng, việc cải cách hành chính nói riêng, việc hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước nói chung trong quá trình quản lý, điều hành có liên quan mật thiết, biện chứng với việc khai thông các nguồn lực của đất nước. Bộ máy hành chính nhà nước được vận hành trơn tru, không có những vướng mắc, trục trặc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc “đánh thức”, khai thông các nguồn lực, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng, đột phá, vững bền.

Một số giải pháp “đánh thức”, khai thông các nguồn lực

Trong phạm vi bài viết này, xin được đưa ra một số giải pháp có liên quan đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, “đánh thức”, khai thông các nguồn lực để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới việc xây dựng bộ máy chính phủ tinh giản, gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng phục vụ tốt hơn các nhu cầu và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như xã hội… Trong đó, cần thiết phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả, tập trung vào sáu nội dung cơ bản, đó là: cải cách thể chế hành chính nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; và hiện đại hóa hành chính.

Xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử, chính quyền số tại các địa phương trong cả nước. Việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, góp phần xây dựng nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó tác động tích cực đến việc khai thông các nguồn lực vốn còn chưa được “đánh thức”, hoặc còn gặp những trở lực, vướng mắc từ chính nền hành chính còn cồng kềnh, lạc hậu, chưa cải cách quyết liệt, thật sự vì người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước. Đồng thời, từng bước hoàn thiện, vận hành hiệu quả các trung tâm hành chính công trên cả nước nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công dân và xã hội đối với Nhà nước; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính…

Cùng với đó, cần chú trọng tuyên truyền kịp thời, rộng rãi đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, đạt hiệu quả cao nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15-1-2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Bám chắc, sát, thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể, về nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực theo từng giai đoạn xác định cụ thể để có quan điểm, chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hình thức khác nhau, cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan vấn đề thu hút, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ có trình độ cao, để họ toàn tâm, toàn ý đóng góp cho sự phát triển đất nước…

Cần chủ động khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho các lĩnh vực khác nhau, nhất là xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gợi ý giải pháp cho vấn đề này là cần ngày càng tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư nguồn lực xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đạt những kết quả tích cực, khác biệt… Bên cạnh đó cần rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là thuế, tín dụng, đất đai… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng gây khó dễ, hạch sách, phiền hà, tiêu cực trong các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính cụ thể…

Quan tâm hơn nữa, đối xử bình đẳng với kinh tế tư nhân. Ngày 3-6-2019, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/T.Ư về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Rõ ràng, kinh tế tư nhân đã được đối xử bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, ngày càng trở thành động lực của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Và thực tế đã chứng minh, khi được đối xử bình đẳng, được coi trọng, được “cởi trói”, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển thần tốc, khai thông nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo những đột phá trong phát triển đúng theo đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước…

Khai thông nguồn lực đất đai cho phát triển. Sau nhiều năm tiến hành triển khai, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những bất cập, không đồng bộ với các luật khác, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất theo pháp luật về đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất… Đơn cử như trong việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, “dồn điền, đổi thửa” cũng còn những khó khăn, vướng mắc, chưa thể đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp, chưa góp phần mạnh mẽ để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, giá trị cao…