Bàn tròn:

“Ngày mai” của tuần báo...

Ở thời đỉnh cao, có những tờ tuần báo mỗi kỳ phát hành được công chúng hào hứng đón đợi, thậm chí còn xếp hàng mua. Với lượng độc giả riêng có, tuần báo vẫn đàng hoàng cạnh tranh với báo hằng ngày, báo cách nhật, các tạp chí và thậm chí báo điện tử. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, vị thế báo tuần có những thay đổi trong “tương quan lực lượng” nội bộ báo in, và rộng hơn, với các loại hình báo chí hiện đại khác. Vậy, “ngày mai” của tuần báo sẽ thế nào ?

“Ngày mai” của tuần báo...

Báo tuần - muốn tồn tại phải đổi mới

• Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo:

Chỉ có thể cùng cạnh tranh để tồn tại

“Ngày mai” của tuần báo... ảnh 1

Trên thế giới đã từng xuất hiện những tuần báo khổng lồ, mỗi kỳ in dăm ba triệu bản, có thể in hàng trăm địa điểm trên mọi châu lục - vừa có cái chung, vừa có bản sắc riêng như Tuần báo Newsweek hoặc Time… là những “gã” báo tuần khổng lồ - đã từng là những đế chế truyền thông tồn tại nhiều trăm năm, khuynh đảo thiên hạ.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng số hóa, khiến các kênh truyền thông phát triển không ngừng, ngày càng cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống; nhưng tất cả đều không thể “tiêu diệt” lẫn nhau mà chỉ có thể cùng cạnh tranh để tồn tại, liên kết và phát triển theo cách của riêng mình, trong đó có báo tuần.

• Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Thay đổi để thích nghi!

“Ngày mai” của tuần báo... ảnh 2


Báo chí, sau khi có sự xuất hiện của in-tơ-nét và công nghệ thông tin như một cơn bão khổng lồ càn quét mọi lĩnh vực của phạm trù nghe, đọc, xem, nghĩ, viết, in ấn, trình chiếu, lưu trữ... thì rơi vào tình trạng không thể nói trước được điều gì. Chắc chắn rằng khoảng 5 - 10 năm trước, chẳng ai nghĩ một chiếc điện thoại thông minh có thể làm tất cả công việc của một tờ báo, từ sản xuất thông tin hình ảnh đến công bố một sản phẩm báo chí đến tận tay từng người một cách nhanh nhất mà không tòa soạn nào làm nổi.

Trong tình thế ấy nhiều người tưởng báo in hết đất sống. Thế nhưng, rồi ai cũng thấy báo in chỉ hoạt động cầm chừng rồi lại tìm được cách để tồn tại. Tôi nghĩ ở đâu chứ với Việt Nam, báo in sẽ còn tồn tại dài dài và sẽ thay đổi để thích nghi chứ không biến mất. Và tôi cũng nghĩ khi in-tơ-nét chưa phủ kín vùng sâu vùng xa, khi đa số người dân vẫn chưa được phổ cập công nghệ thông tin, khi mà công nghệ in và công nghệ giấy còn... thì báo in vẫn còn. Còn ai nói báo in giờ chỉ để... gói xôi, thì tôi cũng tin là khi nào còn xôi thì còn báo in, trong đó có báo tuần.

• Nhà báo Đinh Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam:

Câu hỏi của kỷ nguyên số

Trên thế giới, báo tuần cũng rất phổ biến. Hầu hết các tờ báo hằng tuần theo một định dạng tương tự như báo ngày, bao gồm tin tức, thể thao, quảng cáo, v.v. Tuy nhiên, trọng tâm chính vẫn là những bài dài đặc biệt mang tính vấn đề nào đó trong cuộc sống. Ở một số nước số lượng phát hành báo tuần (Chủ nhật) cao hơn so với báo ngày. Thí dụ, báo tuần của các tờ báo lớn ở Anh, Ô-xtrây-li-a trung bình cao hơn 20 - 50% so với các ấn phẩm hằng ngày.

“Ngày mai” của tuần báo... ảnh 3


Hiện nay khi lượng phát hành báo in giảm, lớp trẻ tiếp nhận thông tin trên in-tơ-nét và qua các mạng xã hội thì liệu báo in nói chung và báo tuần nói riêng có thể tồn tại? Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ khi chúng ta bước sang kỷ nguyên số, tuy nhiên câu trả lời luôn luôn là “có” và “không”.

Sự giảm sút của báo in là vấn đề chúng ta đã chứng kiến và không cần bàn cãi. Nhưng thực tế cho thấy ở những nước dân trí báo chí cao thì người đọc vẫn mua báo in và đọc cả báo điện tử. Hoặc họ đọc báo điện tử hằng ngày và mua báo cuối tuần bởi số báo tuần này sẽ có những câu chuyện hay, những vấn đề thú vị mà báo ngày không có.

Báo tuần sẽ phù hợp với độc giả ngày mai

• Nhà báo Phạm Quốc Toàn: Quy luật đào thải của thị trường

Không nằm ngoài quy luật cạnh tranh và tự “lột xác” đó, Nhân Dân cuối tuần là tuần báo rất có bản sắc, có cách đi riêng cả nội dung và hình thức, có thể coi là một “mẫu mực” của phương thức làm TUẦN BÁO, với một bộ máy riêng, đội ngũ chuyên nghiệp. Trong cạnh tranh, Nhân Dân cuối tuần không giảm số lượng, nội dung sinh động, bám sát hơi thở cuộc sống.

Có thể kể đến những tờ báo tuần khác như Tuần tin tức, một ấn phẩm trực thuộc Hãng thông tấn quốc gia - TTXVN, trải qua năm tháng phát triển, một vài lần thay đổi tên gọi, để rồi cuối cùng trở về với cái tên như nó vốn có, cũng đã có những bước phát triển và cạnh tranh quyết liệt, để hôm nay vẫn là một trong những TUẦN BÁO được sự tin cậy của bạn đọc. Nhà báo và Công luận, cơ quan của Hội Nhà báo Việt Nam, được ví như tờ TUẦN BÁO của báo giới, trải qua hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành - vẫn kiên trì tôn chỉ mục đích “Tuần báo của người làm báo”, “Tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam” đã tự hạch toán tài chính, nói cách khác là “mình tự nuôi mình”, trải qua năm tháng cạnh tranh trên thương trường, có thời điểm rất khó khăn, nay vẫn đứng vững, nhiều khởi sắc và đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Tất nhiên, trong cuộc cạnh tranh này, đã có những tuần báo tự khai tử do sụt giảm quảng cáo và phát hành. Nguyên nhân sâu xa vẫn là “chậm đổi mới”, “không có chiến lược phát triển dài hơi”. Đó là điều hết sức bình thường, là quy luật tất yếu của một nền báo chí thị trường, chuyên nghiệp và hiện đại…

• Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tương lai của báo in là… báo tuần


Báo chí trên thế giới dù khác nhau về điều gì đi nữa, cũng phải đặt ba tiêu chí Trung thực, Chính xác, Nhanh nhạy lên hàng đầu. Báo điện tử rõ ràng đã hạ đo ván báo in trong sự Nhanh, nhưng bị báo in quật lại những đòn hồi mã về độ chính xác và trung thực.

Những người làm báo in bản lĩnh không dại gì chạy đua tốc độ cự ly ngắn với báo mạng mà dùng sự trung thực, chính xác của thông tin tạo niềm tin đối với bạn đọc để chiếm lại thị phần trong thị trường nghe nhìn. Nhật báo cần nhiều tin thời sự nóng hổi phải cạnh tranh từng giây phút về thời gian công bố tin bài nên khó khăn khi cứ phải chạy đua tốc độ để chiếm độc giả.

Báo tuần, báo tháng, của tạp chí chuyên ngành do tự chủ hơn về tốc độ nên thời gian lại là thế mạnh. Khi không cần chạy đua tốc độ thì sẽ cần độ chín, độ sâu, sự chắc chắn và sự kết nối liên tục của các vệt, các chuỗi thông tin. Chúng ta đều biết thông tin nhiều khi không xuất hiện đơn lẻ mà theo sự tiếp nối. Tin về một cơn bão phải liên tục trước, trong và sau khi có bão, chỉ báo ngày làm nhiệm vụ đưa tin mới nhất, còn báo tuần vẫn còn nhiều thời gian để đề cập các vấn đề liên quan một cách sâu sắc, hoàn thiện hơn. Tác nghiệp của phóng viên phải phù hợp với chu kỳ ra báo của báo ngày, tuần báo, hay bán nguyệt san, nguyệt san. Như vậy, tương lai của báo in có thể mô hình báo tuần là phù hợp hơn cả, từ các yếu tố khách quan (tốc độ diễn biến của các sự kiện không nóng) đến yếu tố chủ quan (bài chuyên sâu gắn với những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra như một chuỗi thông tin)...

• Nhà báo Đinh Thúy Hằng: Phải có cách làm mới để tiếp cận công chúng hiện đại

Ở Việt Nam ta, văn hóa đọc nói chung đang giảm sút nghiêm trọng, nhất là khi điện thoại thông minh trở thành một vật dùng gắn bó với con người bởi các tính năng tích hợp của nó, từ xem giờ, báo thức, đến lịch làm việc, đo nhịp tim, chuyển khoản trả tiền các phiếu thu đến tra cứu, xem truyền hình, đọc báo... Đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên, tất cả với họ chỉ là chiếc điện thoại. Vì thế, để thu hút, hấp dẫn bạn trẻ - nhóm công chúng báo chí quan trọng của đất nước trong tương lai thì trước hết những người làm báo cần có cách làm mới và cách tiếp cận công chúng hiện đại.

Để đứng vững trên mặt trận thông tin

• Nhà báo Phạm Quốc Toàn: Phải vượt qua chính mình

Cuộc cạnh tranh báo chí truyền thông của báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử đang ngày càng khốc liệt. Báo in không có nhiều lợi thế kỹ thuật so với ba loại hình báo chí kia, đã phải tự mình cải cách, đổi mới, vượt qua chính mình để cạnh tranh và tồn tại. BÁO TUẦN kém lợi thế “cập nhật thông tin” so với BÁO NGÀY - Nhật báo, để tồn tại tất yếu phải “tự đổi mới mình”, nếu không muốn “tự kết liễu” số phận (!).

• Nhà báo Đinh Thúy Hằng: Điều quan trọng vẫn là nội dung

Theo tôi, nếu xét riêng câu chuyện của báo tuần, nó cũng sẽ giống như sách, cho dù công nghệ hiện đại với sách điện tử, nhiều người vẫn sẽ trung thành với những cuốn sách giấy bởi thói quen, tiện ích và niềm thích thú được cầm tờ báo hay cuốn sách để đọc lúc thảnh thơi cuối tuần. Công nghệ chỉ là phương tiện chuyển tải thông tin. Điều quan trọng vẫn là nội dung sáng tạo do các nhà báo sản xuất.

• Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Làm “xe tăng bánh xích đột phá” thay vì “xe đua”

Sẽ có người cho rằng việc báo tuần muốn tồn tại được phải tách phần nào khỏi vấn đề thời sự nóng. Sẽ phải bớt lực lượng phóng viên săn tin hiện trường. Sẽ cần có nhiều phóng viên chuyên ngành sâu sắc và khả năng phân tích khái quát tổng hợp cao hơn cho phù hợp với báo tuần. Điều lo ngại ấy rất đúng và chính cách đặt vấn đề ấy cũng đã gợi ý hướng đi cho báo tuần, báo tháng.

Báo tuần là “cỗ xe tăng bánh xích đột phá” vấn đề chứ không phải cỗ “xe đua” công thức F1 chạy đua tốc độ săn tin thời sự. Và người đọc cũng rất thông minh rạch ròi. Vào thời buổi mà sự chạy theo nhanh nhạy thuần túy đã tạo ra nhiều khiếm khuyết thì sự trung thực chính xác sẽ cần có mặt để soán ngôi.

Cũng nên nói một chút về quy hoạch và tính tôn chỉ mục đích, rằng thị trường báo chí chỉ rạch ròi khi chính những người làm báo rạch ròi về loại hình cũng như tính chất nội dung từng loại hình báo chí để đứng vững trên trận địa thông tin của mình.