Ngăn chặn từ xa tranh chấp đầu tư quốc tế

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đưa ra những tiêu chuẩn ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài mang tính bảo vệ rất cao, việc bảo đảm một cơ chế hiệu quả và công bằng để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước Việt Nam là một yếu tố hết sức quan trọng để khẳng định uy tín với nhà đầu tư. Không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, cơ chế này còn là một trong những biện pháp then chốt để phòng, chống tham nhũng.

Để phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế hiệu quả, cần ngăn chặn từ xa bằng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Để phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế hiệu quả, cần ngăn chặn từ xa bằng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Các vụ khởi kiện có thể tăng lên?

CPTPP được đánh giá là một hiệp định đưa ra cơ chế bảo vệ rất cao đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Chương 10 của Hiệp định CPTPP (về thương mại dịch vụ qua biên giới) đề cập bốn nội dung: đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, mở cửa thị trường và hiện diện địa phương. Theo đó, nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Cơ quan quản lý nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên CPTPP ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ của thành viên CPTPP khác hoặc của một bất kỳ nước nào khác. Nước sở tại không được duy trì năm loại hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (bao gồm: hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế tổng giao dịch hoặc tài sản; hạn chế tổng số hoạt động dịch vụ; hạn chế về số lượng lao động và hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp). Nước sở tại cũng không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải thành lập văn phòng đại diện hoặc hình thức hiện diện nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ.

Nói cách khác, nếu nhà nước nơi doanh nghiệp đang hoạt động vi phạm vào một trong những quy định trên thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có quyền khởi kiện.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định, thời gian tới, những tranh chấp quốc tế sẽ nảy sinh và gia tăng về mặt số lượng cũng như độ phức tạp và tính đa dạng. Các tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực như trình tự, thủ tục thuê đất, giao nhận và sử dụng đất đối với những dự án đầu tư của nước ngoài có yêu cầu sử dụng đất; tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại nước sở tại; tranh chấp liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi về thủ tục mua sắm đấu thầu, về thủ tục cấp phép đầu tư... mà chính phủ nước sở tại dành cho các nhà đầu tư nước ngoài theo các cam kết quốc tế…

Trong khi đó, một khi xảy ra tranh chấp, dù thắng hay thua, ít nhiều Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại. Một thí dụ điển hình là cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie hoàn toàn bị bác bỏ; song mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Những chi phí này thường không nhỏ, cộng với thời gian theo đuổi vụ kiện có khi kéo dài tới hàng năm trời, song vẫn không dừng lại ở đó. Một khi xảy ra tranh chấp trong đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có ấn tượng tiêu cực về môi trường pháp lý không minh bạch và việc thực thi cam kết quốc tế kém hiệu quả. Những hệ lụy này khó lượng hóa, nhưng đôi khi còn lớn hơn chi phí trực tiếp rất nhiều.

Khi Nhà nước sòng phẳng với nhà đầu tư

Không loại trừ những nhà đầu tư không thiện chí, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, cũng không loại trừ những cán bộ, công chức nhà nước cố ý làm trái hay vô trách nhiệm; nhưng khách quan mà nói, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện, còn tồn tại những nội dung bất hợp lý, không ít điểm trùng lặp, mâu thuẫn và thậm chí hiểu thế nào cũng được.

Thử soi vào các dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), một trong những hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) từng trở thành “điểm nóng” dư luận trong năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chờ đợi một đạo luật tốt về PPP được ban hành, giải pháp căn cơ để hạn chế xảy ra tranh chấp là xây dựng một hợp đồng dự án tốt, đầu tư thời gian và nguồn lực ngay từ giai đoạn chuẩn bị để tránh những điểm mơ hồ; tránh tình trạng ký kết vội vàng...

Còn khi đã hòa giải và thương lượng không thành công, trong số các phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP, thì cơ chế giải quyết qua trọng tài được coi là có nhiều ưu điểm. Trọng tài có nhiều điểm tương đồng với cơ chế tòa án, nhưng lại có ưu điểm là quy trình giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém hơn về nhiều mặt so với tranh tụng chính thức tại tòa. Đối với các tài trợ dự án lớn, có yếu tố nước ngoài và bên cho vay nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp cho các hợp đồng PPP thường đòi hỏi áp dụng luật pháp của nước thứ ba.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khuyến nghị, để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần ngăn chặn từ xa các tranh chấp đầu tư quốc tế bằng cách cân nhắc chính sách, pháp luật; ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư; nghiêm túc tổ chức thực hiện. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố con người, việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, dành nguồn lực thỏa đáng cho phòng ngừa và giải quyết tranh chấp.

Mặc dù mở ra không ít cơ hội, nhưng Hiệp định CPTPP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) đã trao quyền mang tính bảo vệ rất cao cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là khi thực hiện phương châm Nhà nước kiến tạo - xây dựng môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.