Nâng cao mức độ hài lòng với dịch vụ hành chính công

Chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc. Bên cạnh những nội dung thường niên, đây là kỳ họp có ý nghĩa nhìn nhận, tổng kết lại cả một nhiệm kỳ công tác. Các báo cáo được Chính phủ gửi đến kỳ họp cho thấy, so với nhiệm kỳ trước, tiến trình cải cách hành chính nói chung và mức độ “điện tử hóa” Chính phủ nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực, mặc dù vẫn còn không ít việc phải làm.

Giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân và doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGUYỆT HÀ
Giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân và doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGUYỆT HÀ

Chính phủ điện tử

Theo Bộ Nội vụ, tính từ ngày 12-3-2019 đến ngày 19-6-2020, có tổng số 520.426 văn bản điện tử gửi và 1.531.277 văn bản điện tử nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. “Lát cắt” khá dày dặn này có được là nhờ 94/94 bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trục. Hơn thế, Trục liên thông văn bản quốc gia đã triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và hầu như tất cả các tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với người dân, doanh nghiệp (DN), Cổng Dịch vụ công quốc gia (khai trương ngày 9-12-2019) đã tích hợp được 596 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hiện đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công của 17 bộ, cơ quan. Đáng lưu ý, ngày 24-6-2019, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (Hệ thống e-cabinet) đã chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý… Ngày 9-12-2019, Chính phủ đã chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp thông tin và hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Các bộ, ngành Trung ương đang triển khai cung cấp 1.736 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 và 4; con số này ở các địa phương là 49.412 DVC…

Cùng với việc chuẩn bị cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất cho tiến trình “điện tử hóa” Chính phủ, công tác cải cách TTHC thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét qua từng năm. Đơn cử, đến hết năm 2019, tổng số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm lên tới 3.654/6.191 điều kiện của hầu hết các bộ, ngành. Gần 6.800 trong gần 10.000 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ cùng với khoảng một phần tư số TTHC liên quan kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, ở Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 67/141 quốc gia, tăng 10 bậc so năm 2018.

Trong chín tháng năm 2020, số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được cắt giảm thêm là 239 ĐKKD, nâng tổng số ĐKKD được cắt giảm từ 2018 đến nay là gần 4.000 trong tổng số gần 6.200 ĐKKD các loại (đạt 116%, vượt 16% so yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Cũng cần phải ghi nhận, tinh thần sáng tạo, “vì nhân dân phục vụ” đã đơm hoa kết trái ở các bộ, ngành, địa phương, trở thành những giải pháp cụ thể, thiết thực. Với Bộ Tài chính, đó là Thông tư số 49/2020/TT-BTC quy định giảm 20% mức phí khi thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, cập nhật 825 bộ câu hỏi/trả lời về TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Thành phố Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ DN nhỏ nhằm tiếp nhận và chuyển các nhu cầu cần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tại TP Hồ Chí Minh, quận Thủ Đức đã triển khai “Thủ Đức trực tuyến” nhằm hỗ trợ người dân thực hiện TTHC; qua đó, người dân, DN có thể lấy số thứ tự thực hiện TTHC; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại; cung cấp, phản ánh các thông tin về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Đường còn dài

Giống như sự vận động và phát triển không ngừng của cuộc sống, quản lý hành chính cũng cần không ngừng cải thiện và đổi mới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu rộng, toàn diện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư ở nước ta và các nước trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Như Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những khó khăn, khách quan như nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp, phát sinh đột xuất, yêu cầu gấp gáp về thời gian, thiếu các dữ liệu thông tin cần thiết để chỉ đạo điều hành, hoạch định chính sách…, thì cũng còn không ít trường hợp kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; người đứng đầu cơ quan, đơn vị không sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; đạo đức, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém trong hoạt động công vụ. Điều rất đáng suy nghĩ, vẫn còn tới 10 đơn vị có chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng công chức, viên chức giảm so năm 2017, trong đó có những bộ nắm “yết hầu” về kinh tế và tài chính. Nhiều địa phương còn vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm tại Trung tâm Hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phần mềm chuyên ngành, như các lĩnh vực: đất đai, công an, thuế...

Chắc chắn, trong thời gian tới, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền đúng thời hạn; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra vẫn phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tiếp đến là tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, cần triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, để nâng “chất” cán bộ, không thể lơ là công tác thanh, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực thi công vụ, cùng với đó là hoàn thiện các quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin trong công tác thi tuyển và thi nâng ngạch công chức, bảo đảm công khai, minh bạch.

Mục tiêu đề ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là hơn 80% số người dân, DN hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.