Mùa xuân nơi núi rừng Pác Bó

Hang Pác Bó - cái hang nhỏ trong núi đá nơi đầu nguồn Cốc Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã đi vào lịch sử Cách mạng Việt Nam từ ngày 28-1-1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ) - ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đường Hồ Chí Minh Km 0.
Đường Hồ Chí Minh Km 0.

Bác đi vòng quả đất

Bác về mở cửa hang

Mở muôn ngàn con mắt

Đón cờ đỏ sao vàng

Câu thơ của nhà thơ Nông Quốc Chấn giản dị đến tận cùng mà cũng thăm thẳm đến tận cùng. Bác Hồ về nước không chỉ đem nguồn sáng cách mạng đến cho người dân mà còn đem ánh sáng văn hóa đến để “Mở muôn ngàn con mắt/ Đón cờ đỏ sao vàng”. Ngọn núi Đào, Bác đặt tên là núi Các Mác - ghi công ơn của Các Mác - người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng một xã hội không có người bóc lột người. Xã hội không còn giai cấp.

Học thuyết của Người ngày càng trở nên đúng đắn và hữu ích. Học thuyết của Các Mác cao và vững như núi Thái Sơn. Con suối Giàng - Suối nhà trời, Bác đặt tên là suối Lê-nin để nhớ công ơn của Lê-nin - Người thầy cách mạng vô sản thế giới. Lê-nin là người kế tục sự nghiệp của Các Mác, bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác, biến chủ nghĩa xã hội thành hiện thực. Con suối này chảy ra từ núi Mác cũng như học thuyết Lê-nin bắt nguồn từ học thuyết Mác để hợp thành học thuyết Mác - Lê-nin chính là tư tưởng, hướng đi tới của xã hội loài người.

Chủ nghĩa xã hội mãi vững bền tuôn chảy như dòng suối Lê-nin trong xanh không bao giờ dứt. Ấy là nói rõ ngọn ngành, còn với người dân khi ấy những tên tuổi như Các Mác, Lê-nin, khái niệm về chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn còn là điều gì đó quá xa vời. Bác Hồ đã giảng giải “Mác - Lê-nin là gì? Là sống với nhau có nghĩa, có tình”. Thật không có gì dễ hiểu hơn và đúng hơn! Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những đêm ngủ trong hang Pác Bó với Bác Hồ đã luôn khắc ghi lời dạy của Người: “Chú Văn, làm cách mạng là phải chịu khổ, chịu hy sinh, chúng ta không được ngã lòng. Làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết...”. Đó chính là tư tưởng, là phong cách Hồ Chí Minh - điều mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân ta đang học tập và làm theo.

Nhà thơ Tố Hữu trong Trường ca Theo chân Bác đã viết:

Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi

Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu

Ai hay ngọn lửa trong hang núi

Mà sáng muôn đời, vạn kiếp sau.

Từ Pác Bó - Suối nguồn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, tình yêu nước, yêu dân tộc được khơi dậy và nhân lên. Con đường Cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác từ Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp tại lán Khuổi Nặm đến khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944 - Thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), tới Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)… Mỗi mốc son, mỗi bước đi lên của Cách mạng đều mang hình ảnh, tầm ảnh hưởng của Pác Bó lịch sử - Pác Bó thơ. Khu di tích lịch sử Pác Bó nay đã trở thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Du khách đến Pác Bó không chỉ để ngắm nhìn ngọn núi Mác cao sừng sững, con suối Lê-nin trong xanh, nước chảy hiền hòa, không dứt, một vùng “Non xa xa… Nước xa xa…”.

Đến bên cột mốc 108 để nhớ về ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ: “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về im lặng con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu). Leo từng bậc, từng bậc lên hang Pác Bó để tận mắt nhìn “Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép/ Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ” (Chế Lan Viên). Lên lán Khuổi Nặm nhớ về những ngày sôi động Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng: “Ngày hội lớn, Trung ương quanh Bác/ Lán tre vừa lợp ấm tình thương/ Lịch sử hôm nay đầu ngọn thác/ Gọi toàn dân cứu nước lên đường” (Tố Hữu).

Lên thăm Pác Bó - nơi đầu nguồn cách mạng ngày hôm nay, mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn, hình hài sông suối đều gợi nhớ tới Người. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”- chúng ta càng thấm thía, nhớ ơn, làm theo lời dạy của Bác Hồ trong phong trào rộng khắp - Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và ta bỗng ngộ ra tư tưởng vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội - Tư tưởng kiên định với hướng đi đã chọn, tư tưởng vì dân, đạo đức cách mạng “Dĩ công vi thượng”, “sống với nhau cho có nghĩa có tình”, phong cách giản dị, thanh tao “Nào phải thênh thang mới gọi là”, phong cách gần dân, hiểu dân…, với trí tuệ phi thường, nhìn xa, trông rộng của một vĩ nhân, bậc “Đại trí, Đại nhân, Đại dũng” - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn vàn kính yêu.

Tỉnh Cao Bằng, nơi vinh dự có Pác Bó lịch sử - Pác Bó thơ trong những năm qua đã ra sức xây dựng, tôn tạo khu di tích Pác Bó trở thành nơi lưu giữ, ghi dấu ấn của một thời cách mạng hào hùng vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trên ngọn đồi cao, soi bóng xuống dòng suối Lê- nin - ngày ngày đón du khách lên tưởng niệm. Cột mốc số không con đường Hồ Chí Minh dựng nơi đầu nguồn ghi dấu “Con đường Hồ Chí Minh xuất phát từ đây/ Đang tỏa ra Nam Bắc Đông Tây” (Tế Hanh). Đường lên lán Khuổi Nặm nơi họp Hội nghị Trung ương tám và nơi in báo Việt Nam độc lập, nơi Bác Hồ có thời gian ở lâu nhất đã được mở rộng để đón du khách.

Chiếc thang tre Bác Hồ dùng khi xưa trên lán thứ ba sát biên giới được lưu giữ trang trọng tại nhà trưng bày và hoa Bjóoc Cà - loài hoa gắn với kỷ niệm của Bác Hồ ngày đặt bước chân đầu tiên lên Đất Mẹ và kỷ niệm về quê hương những năm Người bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân được trồng bên sườn đồi, bên những con đường xưa Bác đã đi làm tôn lên vẻ đẹp dân dã mà đằm thắm của một vùng non xanh, nước biếc “Mùa Bjóoc Cà ơi, Mùa Bjóoc Cà ơi/ Trắng hoa núi khắp sườn cao biên giới/ Thơm lá, thơm hoa, thơm rừng, thơm suối/ Thơm ngát hồn ta, Xuân lắng đợi người” (Xuân Diệu).

Mùa Xuân đã tới. Núi rừng Pác Bó trầm mặc và kiêu hãnh lắng đợi du khách muôn phương.