Một lãnh đạo yêu người, trọng chữ

Dù trên cương vị công tác nào, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang luôn là người dành tình cảm trân trọng và chân thành đối với các văn nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng công an.

Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Công an Trần Ðại Quang và các nhà văn vào tháng 4-2014.
Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Công an Trần Ðại Quang và các nhà văn vào tháng 4-2014.

Khi nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Ðại Quang rất tâm huyết chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam cùng tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Công an mang tên “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Ðây là cuộc vận động sáng tác văn học lớn cứ 5 năm tổ chức một lần, là mối lương duyên giữa Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong hành trình sáng tạo những hình tượng văn học đẹp về người chiến sĩ Công an và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có lẽ ở ta hiếm thấy có bộ, ngành nào mà lãnh đạo bền bỉ với văn chương như thế. Bởi đã gần 20 năm nay, Bộ Công an luôn mời gọi các nhà văn Việt Nam sáng tác về lực lượng Công an.

Còn nhớ vào tháng 4 năm 2014, khi Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức trại sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ ba tại thành phố Ðà Lạt, Lâm Ðồng, Ðại tướng Trần Ðại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã nói với Ban Tổ chức là sẽ đến thăm trại sáng tác. Ông muốn dành ra một không gian, thời gian riêng biệt để “giao lưu, trò chuyện với 50 nhà văn tham dự trại cho thoải mái”.

Trong không khí giao lưu ấm cúng, Ðại tướng Trần Ðại Quang xúc động tâm sự, ông rất khâm phục sự vất vả, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND để bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự của đất nước. Ðặc biệt là những năm gần đây, anh em cán bộ, chiến sĩ trẻ rất nhiệt huyết, dũng cảm, mưu trí, dấn thân xứng đáng với thế hệ cha anh. Có những anh em chiến sĩ trẻ, còn ít tuổi lắm nhưng chiến đấu dũng cảm, hy sinh trong cuộc đấu tranh với bọn tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Ðây quả thật là những tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ và ông mong muốn văn học nghệ thuật sẽ xây dựng những nhân vật trung tâm từ những câu chuyện, những con người chiến sĩ công an nhân dân trong đời sống như thế.

Ông nói rất chân thành, các nhà văn, các văn nghệ sĩ nói chung hãy dành tình cảm, thâm nhập thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an, nhất là ở cơ sở và các đơn vị trực tiếp chiến đấu, bằng tâm huyết và tài năng sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật để đồng hành với lực lượng Công an xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi chính những trang văn hay có sức động viên, khích lệ anh em Công an máu lửa hơn trên trận tuyến mới…

Quả thật, sau cuộc gặp gỡ giao lưu giữa Ðại tướng, Bộ trưởng Trần Ðại Quang với lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, cuộc vận động sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức đã gặt hái được nhiều thành công, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời. Kết quả cuộc vận động sáng tác sẽ về đích với nhiều tin vui. Vì thế, đồng chí Trung tướng Bùi Bá Ðịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND chỉ đạo Nhà xuất bản CAND đề xuất đồng chí Bộ trưởng tổ chức lễ trao giải bằng một buổi truyền hình trực tiếp. Lúc đó tôi là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND nên đã mạnh dạn đề xuất được phối hợp với Ðài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Những trang sách vàng CAND” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2015).

Cuộc trao giải thì không nhiều chuyện để bàn, nhưng có một đề xuất của chúng tôi được đồng chí Ðại tướng Trần Ðại Quang rất hoan nghênh là lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam xét và cùng tặng giải thưởng tôn vinh các nhà văn Việt Nam đã có những tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài Công an suốt 70 năm qua. Ðồng chí Bộ trưởng tâm đắc lắm, còn dặn riêng tôi, nhớ đừng có để sót ai, vì viết được một tác phẩm khó khăn, vất vả lắm, câu chữ là sáng tạo riêng, không ai giống ai. Tôn vinh cũng là một hình thức tri ân các văn nghệ sĩ, nên làm thường xuyên vì mỗi thời kỳ lại xuất hiện những tài năng mới.

Chúng tôi hết sức vui mừng và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi biết chủ trương của Bộ Công an đã nhìn nhận đây là sáng kiến rất hay nên hội sẽ ủng hộ bằng tất cả tấm lòng. Ông cử các nhà văn Việt Nam có uy tín tham gia Hội đồng xét chọn những nhà văn nào xứng danh, về đêm truyền hình trực tiếp, nhà thơ Hữu Thỉnh hứa sẽ đích thân ông mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và trao giải cho các nhà văn.

Năm 2015 đó, Hội đồng xét chọn của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã họp chọn rất công minh, khách quan, công bằng. 18 nhà văn toàn quốc được tôn vinh như nhà văn Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Hữu Mai, Mai Thanh Hải, Nguyễn Trần Thiết, Lê Tri Kỷ, Ðặng Thanh, Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Triệu Huấn, Lương Sỹ Cầm, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Xuân Ðức, Nguyên Hùng, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước, Trần Diễn, Phùng Thiên Tân… Chúng tôi thấy Ðại tướng cười vui khi cầm bút ký vào tấm bảng vàng danh dự “Nhà văn Việt Nam vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Và đêm 19-6-2015 ấy, Nhà xuất bản CAND đã phối hợp với Ðài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công lễ tôn vinh và trao giải thưởng cho các nhà văn và tác giả. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðại tướng Trần Ðại Quang đã lên sân khấu trao giải và tôn vinh các nhà văn. Ðó là một kỷ niệm văn chương vô cùng đáng nhớ không chỉ của ông, một Ðại tướng, Bộ trưởng mà còn của chúng tôi, những chiến sĩ nhà văn trên mặt trận văn hóa văn nghệ này.

Sau này, khi được giao biên tập và xuất bản một số cuốn sách của Ðại tướng Trần Ðại Quang, tôi càng khâm phục khi thấy ông ngồi đọc sửa từng lỗi nhỏ trong bản thảo. Chữ của ông viết đẹp, mềm mại, rõ ràng; có những câu từ, ông chỉnh đi chỉnh lại đến mấy lần… cho thấy sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ khi động đến con chữ.

Nhớ lại, trước Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi đến chúc Tết Chủ tịch nước Trần Ðại Quang. Ông ân cần thăm hỏi sức khỏe từng người. Khi biết tôi vừa đảm nhận nhiệm vụ mới tại Viện Lịch sử Công an, Chủ tịch nước trìu mến nói: “Công việc nghiên cứu lịch sử rất phù hợp với một người thận trọng, am hiểu văn chương như Hồng Thái. Em cần phát huy thế mạnh của mình. Làm lịch sử phải trung thực và đánh giá đúng bản chất sự kiện. Người làm sử cần ghi chép đúng, cẩn thận, bởi sự kiện xảy ra hôm nay, ngày mai đã là lịch sử rồi”. Lời của ông thật ấm áp, gần gũi. Trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông đã luôn thể hiện một tấm lòng yêu thương con người, trọng chữ nghĩa như thế!