Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Minh bạch từ chính sách, chỉ tiêu đến xử lý vi phạm

Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tuần qua, trong khuôn khổ phiên họp thứ 33 của Ủy ban) nêu ra những cái tên khá cụ thể có sai phạm, thiếu nghiêm túc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề cập đến khả năng ban hành một nghị quyết phê bình nghiêm khắc những tổ chức, địa phương đó.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: hoàng QUỲNH
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: hoàng QUỲNH

“Thuốc” chưa đủ liều

Công bằng nhìn nhận, năm 2018, nhiều chính sách mới về tài chính, thuế, ngân sách nhà nước (NSNN) được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn, nhờ đó, cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt hơn 27% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Không thể không ghi nhận quyết tâm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí hành chính, nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, nói riêng.

Tuy nhiên, đúng như Báo cáo của Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, vẫn có tới 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2018. Và tính đến ngày 8-4-2019, vẫn còn ba địa phương là Bạc Liêu; Bình Phước; Quảng Ninh chưa gửi báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp. Việc xây dựng báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu số liệu; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa triển khai thực hiện Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả THTKCLP trong chi thường xuyên.

Còn nhớ đúng một năm trước, tại phiên họp thường kỳ tháng 4-2018, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, có đến 14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp. Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các nơi chưa thực hiện đúng quy định về ban hành chương trình THTKCLP năm 2017, thực hiện chưa nghiêm chế độ báo cáo công tác này. Tình trạng này năm nay tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn. Dường như “thuốc” khiển trách, phê bình là chưa đủ liều!

Minh bạch từ chính sách, chỉ tiêu đến xử lý vi phạm ảnh 1

Tính đến ngày 8-4-2019, Bình Phước là một trong ba địa phương chưa gửi báo cáo THTKCLP để Bộ Tài chính tổng hợp. Ảnh: DƯƠNG CHÍ TƯỞNG

Bệnh cũ chưa dứt

Đáng lưu ý, vẫn còn nhiều văn bản ban hành trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất cập nhưng chậm được cắt giảm. Việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính có lĩnh vực hiệu quả thấp, đặc biệt là nhóm thủ tục môi trường và xây dựng. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tuy có nhiều cải thiện, nhưng tỉnh có chỉ số PAPI cao nhất mới chỉ được 47,05 điểm, còn khá xa so với điểm tối đa (80 điểm).

Nợ đọng thuế tăng so năm 2017. Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến ngày 31-1-2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, đặc biệt vốn ngoài nước chỉ đạt khoảng 50%, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn chậm, giao vốn nhiều lần ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Ở chiều ngược lại, một số dự án quan trọng quốc gia đã được bố trí vốn thì lại triển khai chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư công. Có những dự án giao thông quan trọng chậm đưa vào khai thác, sử dụng; hoặc chất lượng chưa bảo đảm (như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội).

Việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên cũng được Chính phủ nhận định là “còn lãng phí, còn tình trạng khai thác cát, đá, sỏi trái pháp luật”. Còn 552/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 77,42%) chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; 55 tỉnh, thành phố chưa liên thông thủ tục giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế, trong khi đây là yếu tố quan trọng để quản lý nguồn thu từ đất đai…

Đó là những con số thật đáng suy nghĩ.

Tiết kiệm từ gốc

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cũng như rất nhiều lĩnh vực khác, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đang nắm trong tay “chìa khóa tổng” của một nhà nước pháp quyền. Đó là luật pháp. Ngay từ quá trình ban hành các đạo luật, tinh thần THTKCLP đã phải được chú trọng. Nhưng có quy định tốt mới chỉ là điều kiện cần, là tiền đề cho THTKCLP. Để có được kết quả cụ thể, các ngành, các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân cần tăng cường hoạt động giám sát việc thi hành Luật THTKCLP, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản công.

Ở mỗi cơ quan chấp hành, chương trình THTKCLP phải bảo đảm đầy đủ nội dung, xác định rõ lĩnh vực trọng tâm, với những chỉ tiêu cụ thể đong đếm được để có căn cứ thực hiện và tổng kết, đánh giá…

Và tất nhiên, khi đã có kế hoạch thì phải có sơ kết, tổng kết. Nói như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, bên cạnh giải pháp công khai, minh bạch chế độ chính sách; thì việc xử lý những sai phạm cũng phải minh bạch, công khai và đủ nghiêm khắc trên cơ sở nêu rõ ưu điểm, tồn tại hạn chế, có đầy đủ số liệu, dẫn chứng.