Liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai

LTS - Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đã thành công tốt đẹp. Bàn về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ mới, trao đổi ý kiến với Nhân Dân Cuối tuần, một số đồng chí cán bộ lão thành, nhân sĩ, trí thức đã nhấn mạnh việc cần tạo cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Ðảng và của dân tộc.

- "Củi tươi cũng phải cháy trong lò lửa chống tham nhũng" giúp tạo niềm tin của nhân dân vào Ðảng trong nhiệm kỳ Ðại hội XII. Tuy nhiên, thực tế này cũng cho thấy những bất cập trong công tác cán bộ. Ðiều đó được tiếp tục làm rõ trong các tham luận báo cáo tại Ðại hội XIII của Ðảng vừa diễn ra. Làm sao để có thể đáp ứng cùng lúc hai đòi hỏi: Trọng dụng nhân tài, bảo vệ cán bộ và kiểm soát quyền lực, thưa đồng chí?

- Ðồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

Liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai -0
“Chớ thấy hễ đồng chí này hay đồng chí kia bị kiểm tra là cho rằng “có vấn đề”, thành kiến trước cả khi có kết luận của cơ quan chức năng”.

Ðó là một vấn đề cấp thiết, luôn cấp thiết. Ngay trong khẩu hiệu, phương châm của Ðại hội XIII: "Ðoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", có hai thành tố mà tôi rất tâm đắc là "Kỷ cương - Sáng tạo". Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, hẳn từng có không ít cán bộ có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, nhưng lại chịu áp lực chỉ trích của số đông, thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị bởi khi đó còn thiếu cơ chế bảo vệ, như bài học "khoán mười" chẳng hạn. Rồi không ít ý tưởng đổi mới sáng tạo đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Vì thế, trong thời gian tới, cơ chế nhằm khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn khách quan.

- TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Rõ ràng, chúng ta chưa thật sự hoàn thiện, xây dựng được cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhất là khi giải quyết những vấn đề lớn, khó, phức tạp. Không ít cán bộ có tư duy mới, có động cơ đúng đắn, dám đột phá nhưng không được khuyến khích, bảo vệ, thậm chí còn bị cô lập, vô hiệu hóa. Như tôi thấy, nhiều đại biểu dự Ðại hội XIII của Ðảng cũng rất trăn trở, tâm huyết khi thảo luận nội dung này.

- TS Phạm Huỳnh Công, nguyên Vụ trưởng, Trưởng ban tham mưu Cải cách hành chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tôi nghĩ là về mặt văn bản, những quy chế, quy định đều đã có đề cập nội dung này, song quá trình thực hiện chưa thật sự linh động, uyển chuyển và đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ và phát huy sức sáng tạo của cán bộ là hết sức cần thiết. Yêu cầu đặt ra là cần thể chế hóa, hiện thực hóa, đồng bộ hóa những quy chế, quy định, có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ sao cho không thui chột những sáng kiến, không làm nhụt ý chí của những cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo.

- Như vậy, muốn hoàn thiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám hành động vì lợi ích chung, cần tập trung trước hết vào vấn đề gì?

- TS Nguyễn Viết Chức: Tôi xin dẫn chứng một vài con số từ những kết quả khảo sát thời gian gần đây: Số văn bằng phát minh, sáng chế của Việt Nam năm 2019 còn thấp so thế giới, chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta chỉ xếp thứ 42/129 quốc gia, nền kinh tế, còn chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) cũng chỉ xếp thứ 67/141 quốc gia, nền kinh tế. Trong khi đó, người Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế. Như vậy, về tố chất, tiền đề cho những sáng tạo, đột phá thì chúng ta đâu có thiếu. Cái thiếu, là bởi chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy tối đa sức sáng tạo, tiềm năng và khả năng cống hiến cho đất nước, đặc biệt là với những tài năng.

- Ðồng chí Vũ Quốc Hùng: Về ý này, tôi muốn nói thêm từ kinh nghiệm công tác trong ngành kiểm tra của Ðảng. Làm sao mỗi đồng chí cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, mỗi chúng ta và dư luận xã hội đều dần cảm thấy công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, cũng như cơ chế bảo vệ hay khích lệ, khen thưởng và kỷ luật là một sinh hoạt bình thường của Ðảng và Nhà nước. Chớ thấy hễ đồng chí này hay đồng chí kia bị kiểm tra là cho rằng "có vấn đề", thành kiến trước cả khi có kết luận của cơ quan chức năng.

- TS Phạm Huỳnh Công: Ðổi mới, sáng tạo là vấn đề sống còn trên con đường đi lên, phát triển đất nước của Ðảng ta. Trách nhiệm trước tiên ở đây phải thuộc về cấp ủy, tổ chức Ðảng, người đứng đầu cần phân biệt đúng và trúng cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh; phân biệt được ý tưởng sáng tạo với những suy nghĩ viển vông, thiếu thực tế, vì mục đích tư lợi… Từ đó, vận dụng, phát huy cái đúng, cái trúng, phòng ngừa, ngăn chặn ngay những quan điểm, cùng việc làm sai trái, lệch lạc, tạo điều kiện, cổ vũ, nhân rộng để những sáng kiến, ý tưởng hay của cán bộ được thực thi, lan tỏa.

- Có ranh giới rất mỏng giữa phải - trái, đúng - sai, nhất là với những ý tưởng mới, đột phá. Ðiều này tùy thuộc rất lớn vào "mắt xanh" và bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thưa đồng chí?

- Ðồng chí Vũ Quốc Hùng: Ðúng vậy! Trước hết, người giữ trọng trách, người chịu trách nhiệm sử dụng người tài, quản lý cán bộ cũng cần có tư duy đổi mới, từ đó dựa trên các tiêu chí, điều kiện, quy trình cụ thể, rõ ràng, khoa học để sáng suốt phân biệt giữa hành vi đột phá, quyết đoán vì lợi ích chung (song vướng cơ chế) với những sai lầm, khuyết điểm tương tự nhưng vì lợi ích cá nhân.

- TS Nguyễn Viết Chức: Chỗ này sẽ rất giàu tính biện chứng. Nếu không khích lệ được cái mới, tạo điều kiện cho tư duy đột phá, dĩ nhiên sẽ tạo môi trường cho cái bảo thủ, trì trệ, lạc hậu lấn lướt, cản trở sự phát triển. Cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ cần được thực thi đồng bộ, không chỉ chú trọng ở cấp cao, người làm công tác tổ chức. Lãnh đạo giỏi là phải "để mắt" tới cả những cán bộ nhỏ, cấp địa phương. Cần tạo cơ chế đáp ứng được yêu cầu tự thân muốn cống hiến, muốn đóng góp, muốn khẳng định mình của mỗi cán bộ, đảng viên tâm huyết.

Liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai -0
“Chúng ta chưa thật sự hoàn thiện, xây dựng được cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhất là khi giải quyết những vấn đề lớn, khó, phức tạp”.  

- TS Phạm Huỳnh Công: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới, sáng tạo bắt đầu ngay từ khâu bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực, chuyên môn, môi trường công tác… Những năm trước đây thường có câu: "Cấp ủy đa năng", tức là đã là cấp ủy thì việc gì cũng có thể làm được. Do vậy, việc bố trí, sắp xếp cán bộ đôi khi chưa phù hợp với vị trí, trái ngành nghề, gây hạn chế thậm chí làm "thui chột" tư duy đổi mới, sáng tạo của họ.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới chính là bảo vệ họ trước nguy cơ thất bại, trước những tình huống bất lợi; thông qua đó, khuyến khích, tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi những quy định, chính sách, cơ chế mới, do tâm lý nể nang, sợ va chạm, nên nhiều cán bộ ngại góp ý, phê bình người khác, nhất là đối với người lãnh đạo, quản lý. Hệ lụy của việc ngại góp ý, phê bình đối với người lãnh đạo, quản lý dẫn đến cơ quan đó mất dân chủ, dung túng cho cái sai, tiêu cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Khuyến khích cán bộ phát huy năng lực sáng tạo cũng cần đi đôi với việc kỷ luật thật nghiêm minh những cán bộ cản trở sáng tạo, cản trở cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới.

- Nhiều ý kiến tâm đắc với cơ chế bảo vệ cán bộ "sáu dám": dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách - một điểm nhấn rất quan trọng trong các văn kiện. Cùng với kết quả chung của Ðại hội và kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đây hẳn là dấu ấn tích cực mới?

- Ðồng chí Vũ Quốc Hùng: Nhất định thế. Theo tinh thần của văn kiện, nếu như cán bộ làm đúng, cán bộ có bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng. Một bài học được rút ra đó là trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc, cần phát huy dân chủ, xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ,…

- TS Nguyễn Viết Chức: Có thể nói, tất cả những điểm mới từ thành công Ðại hội XIII của Ðảng lần này về công tác cán bộ là "liều thuốc" rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ "tâm lý sợ sai" trong thực hiện nhiệm vụ được giao, dám đổi mới và đột phá. Vấn đề là sẽ thực thi như thế nào!

- TS Phạm Huỳnh Công: Trước đây chúng ta thường nghe "3 dám": dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Ðảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. "Dám nói" ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Ðặc biệt, là dám đương đầu, dám đột phá.

Liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai -0
“Khuyến khích cán bộ phát huy năng lực sáng tạo cũng cần đi đôi với việc kỷ luật thật nghiêm minh những cán bộ cản trở sáng tạo, cản trở cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới”.  

Ðây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như Báo cáo Chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Ðó cũng là tất yếu khách quan, bởi pháp luật bao giờ cũng đúc kết ra từ thực tiễn, và đi sau thực tiễn. Trên thực tế "6 dám" mà văn kiện Ðại hội Ðảng đã nêu là một tiền đề cho một hành lang pháp lý tiếp theo điều chỉnh lĩnh vực này. Quan trọng nhất với cán bộ, đảng viên là, "dám vì mục tiêu của Ðảng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước", mà hành động vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Việc làm không vì vụ lợi, không đi ngược với lợi ích của Ðảng, Nhà nước, của nhân dân… chính là "cơ chế" vững chắc nhất bảo vệ cho cán bộ phát huy đổi mới, sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn các đồng chí!