Kỷ niệm không quên về Tổng Bí thư Đỗ Mười

Những ngày chuẩn bị lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, không biết từ đâu đã lan truyền thông tin về sức khỏe của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nhưng rồi đọc tin “Trợ lý vẫn cập nhật tin tức cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười”, tôi lại thấy vui vui: Bác đã vượt qua được một chặng đường dài “lớp người xưa nay hiếm”. Vì thế, tin buồn Tổng Bí thư Đỗ Mười ra đi, đối với tôi vẫn là đột ngột. Nặng nỗi buồn đau này, trong tôi, bao nhiêu kỷ niệm như ùa về sống lại.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2-1992. Ảnh: XUÂN LÂM (TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2-1992. Ảnh: XUÂN LÂM (TTXVN)

Ngày ấy, năm 1967, tôi vừa tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp. Trong khi chờ phân công công tác, chúng tôi tranh thủ tổ chức lễ thành hôn. Đúng những ngày Hà Nội vào cao điểm phòng không. Đi tìm mua hoa cho cô dâu, mấy lần còi ủ phải xuống hầm vì “máy bay Mỹ đến gần”.

Thời ấy, mẹ tôi nấu ăn cho Công đoàn Thương nghiệp Việt Nam, ở phố Phạm Đình Hổ, gần nhà bác Đỗ Mười. Chẳng có khách sạn, nhà hàng, hội trường, cũng chẳng có đường rộng để dựng rạp kết hoa. Mẹ tôi mượn tạm hành lang cơ quan giờ nghỉ, làm vài ba mâm cơm mời khách và bạn bè thân. Không có thiếp mời, di động gọi báo, bà con ruột thịt hai bên cũng rất ít. Mãi đến khi chuẩn bị vào bàn ăn, mẹ tôi mới kéo hai đứa ra một góc hành lang: “Mẹ không dám thông báo với ai, và cũng chẳng dám mời bác Đỗ Mười. Nhưng không hiểu vì sao Bác biết. Chiều nay, Bác sang tận nhà bếp gặp mẹ chúc mừng các con. Bác dặn làm gọn nhẹ. Hà Nội báo động thường xuyên. Vài chục người thôi, đèn điện đừng sáng quá. Căn bản là hạnh phúc của hai đứa. Bác còn gửi quà cưới cho các con đây”. Dù ít người, đám cưới của chúng tôi cũng rất vui. Không có phong bì trao tay, nhẫn cưới cho chàng rể, cô dâu, cũng chẳng có chậu nhôm, phích nước. Quà cưới duy nhất của chúng tôi hôm ấy là đôi bút máy Hồng Hà bác Đỗ Mười gửi tặng. Đó là món quà mở đầu khi chúng tôi lập thân, lập nghiệp.

Cùng với những câu chuyện lan truyền, khi còn làm lãnh đạo Bộ Nội thương, để bảo đảm tiêu chuẩn thịt cho mọi người, đồng chí Đỗ Mười nhiều lần cũng phải xắn quần vào chuồng bắt lợn thu mua và món quà đầy tình nghĩa Bác cho ngày cưới cứ theo tôi mãi, đóng đinh trong tâm khảm hình ảnh người cán bộ lãnh đạo cấp cao sát sâu thực tiễn, gần gũi nhân dân, thấm đậm tình người,...

Cuộc đời, có những cơ duyên kỳ lạ, nếu không nói là số may. Khi chuyển công tác về Báo Nhân Dân, ở Ban Xây dựng Đảng, tôi lại có nhiều dịp được gần Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ở thời ấy mới chỉ có cơ chế Tổng Bí thư đi công tác, Báo Nhân Dân và một số cơ quan báo, đài được cử phóng viên đi theo phản ánh. Hôm đầu ra mắt, anh Huy Đông - Thư ký riêng từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - giới thiệu tôi với bác Đỗ Mười. Tổng Bí thư vỗ vai: “Cậu là con cô Đề ở Công đoàn Thương nghiệp chứ gì”. Tôi vô cùng xúc động. Mười mấy năm trời, Bác vẫn nhớ con của một người nấu ăn. Lại ghi đậm trong lòng tôi, thêm một lần cảm phục.

Ai cũng nghĩ, làm phóng viên báo chí đi theo lãnh đạo cấp cao, được đi đây đi đó, sung sướng lắm. Quả thật có vinh dự và có vẻ sang, nhưng cũng cực khổ vô chừng. Những chuyến đi công tác địa phương, đến các ngành, có khi nhiều ngày, gọi là được chiêu đãi, mà phóng viên không phải ai cũng kịp ăn. Bao nhiêu áp lực, bao nhiêu đòi hỏi, lo lắng đè nặng suốt cả hành trình. Anh, chị em truyền hình, nhiếp ảnh nặng nề hơn tôi vì còn lỉnh kỉnh máy móc theo mình. Tôi chỉ gọn lỏn chiếc bút máy và cuốn sổ tay.

Không chỉ ngồi nghe báo cáo trong phòng kín có quạt mát, máy điều hòa, tác phong Đỗ Mười là xông xáo, lắng nghe, tranh luận để tìm điều đúng, lẽ sai từ thực tiễn, từ tiếng nói của người dân. Vất vả là thế, nhưng chúng tôi rất vui vì sự cảm thông, động viên, quan tâm của Bác. Hôm ăn tối ở Bãi Cháy, thấy chúng tôi lúng túng bóc tôm, đồng chí còn bày cách và nhắc phải rửa tay bằng nước chè có chanh. “Đây là cách làm hết mùi tôm, cua. Dân miền nam, họ sáng tạo và thực tế lắm”.

Tôi nhớ như in chuyến đi công tác tại tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh. Tổng Bí thư nghe báo cáo của các đơn vị trong tỉnh, chất vấn các ngành theo dõi địa phương, nhưng bao giờ cũng dành thời gian nghe cơ sở, nghe trực tiếp người sản xuất. Ở Lạng Sơn, Tổng Bí thư lên cả đồi nương, vào tận thôn, bản. Về Quảng Ninh, Tổng Bí thư lên các tầng than, thăm nhà trẻ, vào tận nhà công nhân để hiểu cuộc sống của những người đẫm mình trong than bụi ngày đêm dưới hầm lò. Tổng Bí thư đặt chân đến đâu, chúng tôi phải bám theo đến đấy, thậm chí còn phải chạy trước.

Khác với nhiếp ảnh, truyền hình, ghi hình ảnh, lời nói, phóng viên viết phải bám chắc, hiểu sâu tư tưởng, ý tứ, lời nói của Tổng Bí thư, cả văn phong, cách diễn đạt, những từ ngữ quen dùng,... Phóng viên viết, nhưng ý, lời là của Tổng Bí thư. Tuyệt nhiên không được bịa đặt, diễn giải theo cách hiểu của mình. Cái khó của phóng viên viết đi với Tổng Bí thư là thế. Để tránh những sai lầm nguy hiểm, người ngoài có thể lợi dụng lời lãnh đạo để làm sai, sau khi viết những bài quan trọng tôi đều chuyển nhờ anh Huy Đông báo cáo, “xin ý kiến Cụ”. Luyện mãi mới thành quen, đạt đến độ tin, có khi “không cần xin ý kiến”.

Để nắm được ý tứ Tổng Bí thư, trong các chuyến đi công tác, khi tiếp xúc với mọi người, tôi có thói quen len đến gần, thậm chí đứng sát sau lưng, cố nghe, cố hiểu tầm tư duy chỉ đạo của người đứng đầu Đảng. Ghi chép và suy ngẫm là chủ yếu, chứ không phải gỡ máy ghi âm.

Vì cái tính “len đến gần” ấy mà tôi cũng nhiều phen phải chịu đòn. Đồng chí Đỗ Mười có thói quen khi trao đổi, mạn đàm thường bóp vai, đấm lưng người đứng gần hoặc ngồi cạnh. Cũng khá đau, nhưng cùng cười vui vẻ. Đó là những lúc Tổng Bí thư sảng khoái, hăng say, muốn chia sẻ với mọi người. Anh em làm việc gần gũi, giúp Tổng Bí thư thuộc lòng thói quen ấy mà thấy đầm ấm, thân thương. Nhưng có một lần tôi phải hứng chịu cái đấm vai đau điếng. Không phải từ sảng khoái, sẻ chia, mà từ sự tức giận thật lòng.

Hôm ấy, có cuộc họp do Văn phòng Trung ương Đảng triệu tập, Tổng Bí thư chủ trì. Không hiểu vì sao tôi lại được cử đi họp thay. Vừa vào đến cửa, Tổng Bí thư cũng vừa đến. Tôi cố gắng né đi sau, nhưng đồng chí phát hiện, giữ tay tôi lại và tiếp theo là một cú đấm như trời giáng vào vai: “Cuộc hội thảo ở Thái Bình vừa rồi cậu có tham dự không?”.“Dạ, thưa có ạ”. “Nhưng cậu có biết ở đấy người ta phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Đến giờ phút này mà có người còn hỏi Đảng của ai. Học hành bao nhiêu sách vở mà thế à?”. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của Tổng Bí thư, tôi vội đáp: “Không phải thế Bác ạ. Trong hội thảo, ý kiến của các nhà khoa học không ai hiểu sai”. Nét mặt đồng chí có vẻ dịu đi, nhưng vào cuộc họp, tôi ngồi bàn đầu vẫn bị những cú vỗ vai đau điếng, và lại được nghe bài giảng không thừa đầy tâm huyết, đầy sự trải nghiệm của người lãnh đạo cao nhất về vai trò của Đảng và Đảng cầm quyền,...

Tôn trọng ý kiến của tập thể, dựa vào trí tuệ của các nhà khoa học, nhưng mỗi khi đưa ra một chủ trương, một chính sách gì mới, cũng như các Tổng Bí thư tiền nhiệm, đồng chí Đỗ Mười bao giờ cũng coi trọng vai trò trực tiếp của cá nhân mình.

Trong tình hình mới, kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đặt ra vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân là cực kỳ khó. Giữa năm 1997, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách khối tư tưởng thành lập Tổ công tác gồm mười cơ quan (Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, Ban Kinh tế T.Ư, Văn phòng T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh) phối hợp nghiên cứu. Ban Tổ chức T.Ư đã tiến hành khảo sát, đánh giá tổng quát về đảng viên làm kinh tế tư nhân ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng để đi đến kết luận, đồng chí Đỗ Mười phải trực tiếp cùng Tổ công tác đi khảo sát, lắng nghe từ các cơ sở, các cuộc hội thảo lớn ở TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội.

Nghiên cứu thực tiễn thì rất rộng, nhưng vấn đề mấu chốt của đảng viên làm kinh tế tư nhân là có bóc lột hay không bóc lột, có cho đảng viên làm chủ doanh nghiệp hay không. Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, dù quyết tâm đổi mới tư duy, chúng tôi đều biết Tổng Bí thư trăn trở rất nhiều. Những nguyên lý của Đảng Cộng sản, những kiến thức nằm lòng, có được ở thế hệ anh đã phải đổi bằng những năm tháng tù đày, vào sinh ra tử, lăn lộn với dân tả ngạn sông Hồng, chống Pháp, chống Mỹ,... Phải hiểu sâu hơn về thế hệ các anh, để thấy quý giá và biết ơn biết bao những gì là thành quả đổi mới mà thế hệ Tổng Bí thư đã làm cho đất nước.

Ngồi viết những dòng kỷ niệm này về Tổng Bí thư Đỗ Mười trong tâm trạng đau buồn và thương tiếc một lãnh tụ, một người tài năng đã suốt đời vì dân, vì nước. Trước mắt tôi là những bài viết phỏng vấn, tường thuật, phản ánh, bản tin, ảnh chụp về hoạt động của Tổng Bí thư gần trọn hai nhiệm kỳ. Dù nước mắt có làm nhòe đi, vẫn nổi lên hai bài phỏng vấn đầy ý nghĩa đăng báo Tết Xuân Quý Dậu, 1993, “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” và Xuân Bính Tý, 1996, “Đảng hết lòng vì dân để được dân hết lòng tin Đảng”. Tôi tin rằng, các thế hệ ngày nay, tất cả chúng ta cũng đồng lòng suy nghĩ và làm theo tâm nguyện ấy.