Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Kiên định giữ nhịp độ tăng trưởng

Âm hưởng của phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường kỳ họp Quốc hội đang diễn ra về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch năm 2020 là sự phấn khởi, lạc quan, nhưng thận trọng. Và cũng không ít trăn trở khi đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới cũng như những biến động của kinh tế trong nước.

Phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: DUY LINH
Phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: DUY LINH

Chuyển biến tích cực, toàn diện

Thống nhất nhận định năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều ghi nhận những thành công nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019. Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một thành quả quan trọng khác được các vị ĐB đánh giá cao là tình hình an ninh chính trị đất nước được ổn định. Trung tướng Trần Việt Khoa (ĐB Hà Nội) nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông có rất nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực biển có tuyến hàng hải quan trọng vào bậc nhất trên thế giới, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao để chúng ta đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của đất nước. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng... thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta không thể chối cãi theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Chủ động ứng phó mọi tình huống

Bày tỏ đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đạt được thời gian qua, song Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ĐB Thái Bình) nhấn mạnh: “Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là “rất gian nan” trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu”. ĐB đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này. Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng một phần ba của mức tăng hơn 20% của những năm trước nữa là chỉ dấu cần được xem xét kỹ.

Có cùng quan điểm thận trọng, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu: “Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn hiện nay thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối, GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. “Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Và thật ra cùng thời kỳ phát triển, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân là từ 8 đến 10%/năm”, ĐB Hàm trăn trở.

Từ những phân tích đó, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; Khởi nghiệp sáng tạo. ĐB Hàm cũng đề nghị tập trung nguồn vốn, thiết kế chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro, vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% số các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại; nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn.

Chấn chỉnh khâu thực thi pháp luật

Là một trong những ĐB thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống, ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên) nhận định, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Ông nói: “Nhiều trường hợp văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau, chưa nói bị lợi dụng và lách luật”.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chỉ ra: “Điều đáng lo ngại là, tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm vì vậy trong thực hiện có lợi cho cá nhân, giữ an toàn và đùn đẩy trách nhiệm. Những tồn tại này tuy không mới nhưng đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn”. Để khắc phục, Chính phủ cần tăng cường quản lý. Những vụ vi phạm như tại Công ty địa ốc Alibaba, vụ cháy nhà kho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, vụ nước sinh hoạt bị nhiễm dầu bẩn... cần được làm rõ, quy trách nhiệm để xử lý.

Dành hai ngày rưỡi làm việc để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách của đất nước, những phiên họp này của Quốc hội đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều vấn đề quốc kế dân sinh “nóng bỏng”, nhằm tìm ra giải pháp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Đây cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020, nên càng có ý nghĩa quan trọng đối với chặng đường trước mắt.

Kiên định giữ nhịp độ tăng trưởng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường. Ảnh: ĐĂNG ANH