Thí điểm hợp nhất ba văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh:

Không đơn thuần là phép cộng

“Đường dù gần không đi thì không đến, việc dù dễ không làm thì không xong”, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng từng ví von như thế về việc tỉnh này thí điểm xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Cũng có thể nói như thế về việc thí điểm hợp nhất ba văn phòng cấp tỉnh: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND, bắt đầu từ ngày 1-1-2019, theo Nghị quyết 580/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một buổi tiếp dân tại trụ sở UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Ảnh: THÙY DƯƠNG
Một buổi tiếp dân tại trụ sở UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Ảnh: THÙY DƯƠNG

Bộ máy gọn nhẹ hơn

Với tinh thần thận trọng, việc thí điểm hợp nhất được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, TP Ðà Nẵng và các tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Ðồng, Quảng Ninh, Thái Bình, Tây Ninh, Tiền Giang. Quốc hội khuyến khích các tỉnh, thành phố còn lại tiếp tục tham gia thực hiện.

Trong bối cảnh chi tiêu để nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn (chi thường xuyên dao động khoảng 70% ngân sách), sức ép nợ công ngày càng lớn thì việc sáp nhập "3 trong 1" sẽ giúp giảm đi 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương; tương ứng với đó giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó tương đương cán bộ lãnh đạo sở; nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó phòng. Với ba cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 chánh văn phòng, ít nhất 378 phó chánh văn phòng. Nếu thành lập văn phòng chung, cả nước sẽ giảm được 126 chánh văn phòng và ít nhất 126 phó chánh văn phòng. Số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý cấp phòng lớn (khoảng 2.000 trưởng, phó phòng văn phòng HÐND và văn phòng UBND) cũng sẽ giảm mạnh.

Hiện tại, chỉ có văn phòng đoàn ÐBQH không thành lập phòng, còn văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh đều thành lập phòng với tổng số 856 phòng. Cơ sở vật chất dùng chung cũng sẽ góp phần tiết giảm đáng kể chi phí. Ðối với văn phòng đoàn ÐBQH, việc tham mưu, phục vụ ÐBQH thường tập trung cao vào thời điểm trước và sau các kỳ họp Quốc hội, còn bình thường thì công việc ít hơn nhiều; với mô hình văn phòng chung, lãnh đạo văn phòng có thể bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa nhân lực cho công việc chung của hai tổ chức cùng là cơ quan dân cử, cùng có chức năng giám sát.

Mấu chốt vẫn là chất lượng cán bộ

Trên thực tế việc hợp nhất văn phòng đoàn ÐBQH với văn phòng HÐND cũng chưa hẳn chỉ có thuận lợi. Chẳng thế mà trước đây cơ quan này đã nhiều lần tách - nhập: văn phòng đoàn ÐBQH tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương từng được tách ra khỏi văn phòng HÐND, UBND và đoàn ÐBQH vào năm 2005. Ðến tháng 10-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hợp nhất văn phòng đoàn ÐBQH và văn phòng HÐND để thành lập văn phòng đoàn ÐBQH và HÐND tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương. Tháng 12-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có nghị quyết tách riêng văn phòng đoàn ÐBQH trực thuộc Văn phòng Quốc hội.

Không đơn thuần là phép cộng ảnh 1

Một buổi tiếp công dân tại UBND quận Hải Châu. Ảnh: TRỌNG HUY

Chính vì thế, cần phải tính toán lại tổ chức, bộ máy, biên chế của văn phòng chung để đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Nghĩa là phải "chưng cất", chứ không chỉ làm phép cộng cơ học: đầu mối giảm, nhưng số lượng nhân sự vẫn… y nguyên.

Tuy nhiên, dường như điều "gợn" nhất ở đây, nói như ông Lê Minh Ðức, Phó Trưởng ban Pháp chế HÐND thành phố Hồ Chí Minh - một người trong cuộc - lại là việc hợp nhất giữa văn phòng UBND với văn phòng HÐND. Bởi lẽ văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh (cơ quan thực thi, hành pháp), trong khi văn phòng đoàn ÐBQH lại giúp thực hiện việc giám sát.

Ông Ðức phân tích: "Văn phòng chung sau hợp nhất sẽ vừa tham mưu cho cơ quan thực thi chính sách pháp luật tại địa phương, vừa tham mưu cho cơ quan giám sát việc thực thi chính sách pháp luật tại địa phương đó. Ðiều này chẳng khác nào vừa tham mưu cho "anh" đá bóng, vừa tham mưu cho "anh" thổi còi. Ngoài ra, mỗi đơn vị có chức năng khác nhau, đối tượng phục vụ khác nhau thì khi hợp nhất lại, liệu có thể làm tốt các chức năng này hay không?".

Quả thực, chỉ có thể hạn chế được tình trạng này khi và chỉ khi tổ chức, sắp xếp bộ máy thật chặt chẽ, đồng thời quy định rõ (và, tất nhiên, thực hiện nghiêm về chức năng, nhiệm vụ; bố trí đúng người, đúng việc, đúng chức năng, nhiệm vụ)... Cũng sẽ cần nghiên cứu để thay đổi quy trình công việc, trong đó phân định rạch ròi chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình HÐND cùng cấp xem xét, quyết định các nội dung và chức năng tham mưu cho HÐND cấp tỉnh xem xét, giám sát các vấn đề đối với UBND cùng cấp để tránh sự mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động. Chánh Văn phòng chung cần được trao đầy đủ thẩm quyền để điều hòa, chỉ đạo việc phối hợp các đơn vị trực thuộc để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc chung, tránh chồng chéo, đùn đẩy nhiệm vụ hay tặc lưỡi, nể nang khi gặp các vấn đề khó...

Bên cạnh đó, cũng giống như rất nhiều trường hợp sáp nhập khác, "tách ra thì ai cũng phấn khởi nhưng nhập vào là tâm tư", vì sẽ có chuyện cấp trưởng xuống làm cấp phó, cấp phó trở thành chuyên viên... Do đó, công tác tư tưởng phải đi trước một bước, đồng thời với việc giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích chính đáng của những cán bộ thuộc diện tinh giản khi hợp nhất.

Ðây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH tỉnh Lâm Ðồng. Ông Thuyền vắn tắt: "Ðiều quan trọng, cốt lõi nhất vẫn là chất lượng của cán bộ. Trường hợp những người giữ vai trò tham mưu có đầy đủ năng lực, bản lĩnh thì nên nhập. Tuy nhiên, phải kết hợp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp, nâng cao chất lượng hoạt động, tránh chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ".

Ðể kết thúc bài viết này, xin lại mượn hình tượng mà nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã dùng. Bà nói, đi trước giống như "người dò đá qua sông, có thể bị vấp ngã và uống nước, nhưng vẫn phải làm". Thiết tưởng, các tỉnh, thành phố được lựa chọn làm thí điểm chính là những người đi trước. Việc họ có thể bị vấp ngã và uống nước chính là bài học kinh nghiệm quý giá, giúp cho những người đi sau qua sông nhanh hơn và an toàn hơn.