Khơi dòng đầu tư tư nhân vào hạ tầng

Khi nền kinh tế đang khó chồng khó như hiện nay, cơ chế nào “khơi” được dòng vốn tư nhân để triển khai các dự án cần kíp? Hy vọng được đặt vào dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Song dường như vẫn còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi dự Luật này được trình Quốc hội phê duyệt, tạo ra “tấm lưới đỡ” đủ tin cậy cho nhà đầu tư bỏ vốn phát triển hạ tầng thay cho Chính phủ.

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: HOÀNG QUỲNH

Không bao sân tất cả

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban đã cho ý kiến về các vấn đề còn gây tranh luận của dự án Luật Ðầu tư theo phương thức PPP. Thực tế vướng mắc của một số dự án BOT giao thông vừa qua cho thấy, việc hoàn thiện dự luật này có ý nghĩa quan trọng, không phải chỉ về kinh tế, mà cả về mặt xã hội nữa.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật, so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Ðầu tư theo hình thức PPP lần này đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau. Trong đó, về các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, cơ quan soạn thảo lập luận, muốn kêu gọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, chứ không thể “đẩy” toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường. Vì thế, Chính phủ đề xuất với Quốc hội hai cơ chế là bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Cụ thể là đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng như nêu trên, nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án (làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân), Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, DN dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Ðúng, nhưng cần chặt chẽ hơn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - một chuyên gia tài chính - thẳng thắn nhận định: “Ðối tượng mong đợi Luật PPP là khu vực tư nhân. Nhưng nếu tôi là DN, đọc luật thế này, tôi chưa bỏ tiền ra đâu”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thận trọng tham vấn kỹ đối tượng hướng đến của dự án Luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và DN dự án PPP.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Luật Ðầu tư PPP cần quy định Nhà nước cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn vận hành (nếu lựa chọn hình thức BOT chẳng hạn), cơ chế cần thiết nhất là nhà đầu tư được bảo đảm lộ trình thu phí và tránh được những xung đột xã hội gay gắt như đã từng xảy ra ở một số nơi. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng đã hơn một lần bày tỏ tại các Diễn đàn doanh nghiệp thường niên về mong muốn được bảo vệ quyền và lợi ích khi thực hiện hợp đồng PPP trong các trường hợp hợp đồng chấm dứt sớm/ trước thời hạn do thay đổi chính sách.

Ðơn cử, ngoài các trường hợp đã quy định (nhà đầu tư, DN dự án PPP lâm vào tình trạng mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng, hoặc vì lợi ích quốc gia, mục tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia…), các đối tượng này có quyền chấm dứt hợp đồng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng. Các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng căn cứ ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Ðại diện DN cho rằng, dự thảo Luật vẫn nên tiếp tục mở rộng ra các trường hợp khác theo quy định của pháp luật dân sự. Chẳng hạn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên ký hợp đồng, các nhà đầu tư và các pháp nhân của dự án bị ảnh hưởng đáng kể do tình trạng không đủ điều kiện thực hiện thì cũng có thể chấm dứt dự án sớm hơn hợp đồng đã ký kết. Sau đó, Chính phủ Việt Nam có thể mua lại dự án này.

Từ phía nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình việc chia sẻ rủi ro, nhưng yêu cầu tính lại nguyên tắc, vì chia sẻ rủi ro trên cơ sở doanh thu thì không phù hợp với cơ chế thị trường; nếu không làm chặt chẽ sẽ có thể gây ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Ðức Hải đã phát biểu rành mạch: “Hụt thu do thay đổi chính sách, quy hoạch thì Nhà nước bù đắp, do bất khả kháng thì Nhà nước chia sẻ, còn do khả năng vận hành dự báo quản lý của nhà đầu tư không tốt thì Nhà nước không thể và không nên bao sân tất cả”.

Khơi dòng đầu tư tư nhân vào hạ tầng ảnh 1

Có nhiều điểm bổ sung, sửa đổi, song Dự án Luật Ðầu tư PPP vẫn cần được tiếp tục tham vấn, điều chỉnh.

Vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Hiển nhiên là có phần vốn của Nhà nước nên đối với các dự án PPP không thể thiếu vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Nhưng can thiệp như thế nào để vừa bảo đảm hiệu quả của dự án, không thất thoát vốn Nhà nước; vừa tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư đối với đồng tiền bát gạo của họ? Dự thảo mới nhất quy định hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn.

Giai đoạn một, trước khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Giai đoạn hai, sau khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán Nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.

Không có gì phải bàn ở giai đoạn 2, nhưng còn giai đoạn 1 - trước khi ký hợp đồng thì việc KTNN tham gia kiểm toán hồ sơ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Nguyễn Văn Giàu, là… quá mới, chưa phù hợp thông lệ quốc tế và khó khả thi.

Với tinh thần thận trọng cao, sau khi xin ý kiến Bộ Chính trị và tiếp thu chỉnh lý, dự án sẽ được UBTVQH tiếp tục cho ý kiến thêm một lần nữa, trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 9.