Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Khắc phục những bất cập để đổi mới giáo dục

Thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV là các phiên thảo luận về hai dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Từ những vướng mắc, bất cập, thiếu đồng bộ trong thực tế thời gian qua, cử tri và nhân dân trông đợi hệ thống pháp luật về giáo dục sớm được hoàn chỉnh, có tính khả thi cao để thúc đẩy những đề án, chương trình đổi mới thật sự căn bản và toàn diện.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bấp bênh vì thiếu đồng bộ

Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, ngành giáo dục đã khởi động và triển khai khá nhiều đề án, dự án trong khuôn khổ các chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); song, quá trình triển khai cũng đã vấp phải những khó khăn, mà một trong những căn nguyên gây nên những trở ngại là do hệ thống pháp luật về giáo dục còn nhiều điểm không khả thi, thiếu đồng bộ.

Bàn về tầm quan trọng của tính hệ thống trong giáo dục, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh sự bất cập, bấp bênh, thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai các đề án đổi mới. Lấy thí dụ đơn cử, TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu băn khoăn: “Thời gian qua ta đã cắt hệ thống giáo dục ra thành ba khúc, khúc đầu khúc cuối giao cho Bộ GD-ĐT, còn đoạn giữa thì lại giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi chưa hình dung ai sẽ thiết kế để liên thông trong hệ thống như vậy? Chẳng lẽ là Chính phủ phải đứng ra làm cái công việc sự nghiệp có tính chuyên môn ấy?”.

Thừa nhận những bất cập trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, Ban soạn thảo nhận định: Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở.

Cần sửa nhanh nhưng phải hiệu quả

Tuy cũng đã có nhiều điểm được cho là tiến bộ, có tính khả thi cao trong dự thảo luật, song cơ quan thẩm tra (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) lưu ý, dự thảo đang giao cho Chính phủ quy định nhiều nội dung quan trọng là không hợp lý, tạo một thẩm quyền rộng rãi về ủy quyền lập pháp có khả năng dẫn đến lạm quyền; đồng thời, không bảo đảm được yêu cầu luật ban hành là có thể đi ngay vào cuộc sống.

Tại phiên thảo luận tổ vào chiều ngày 30-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhấn mạnh việc rút kinh nghiệm từ các lần sửa đổi trước. Điển hình là Luật GDĐH mới được ban hành năm 2012, tuy mới thực hiện được hơn 5 năm, song đã xuất hiện nhiều bất cập, thiếu tính khả thi.

Liên quan những quy định về đào tạo sư phạm, nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến lại cảnh báo, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Bàn về những điều khoản liên quan đến học phí, các khoản chi phí, đầu tư cho giáo dục quy định trong cả dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục và Luật GDĐH, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) cho rằng, để tránh tình trạng lạm thu, cần phải luật hóa những quy định về dịch vụ, giá dịch vụ, mà ở đây, giáo dục phải được coi là dịch vụ công.

Cùng với đó, nhận được nhiều băn khoăn, ý kiến thảo luận của nhiều ĐBQH là những quy định liên quan đến việc chuẩn chức danh; vấn đề tự chủ giáo dục; phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH; đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa,... Trong đó, đáng lưu ý, là quy định giao quyền cho nhà trường trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm giảng viên vào các ngạch, bậc từ giảng viên đến giảng viên cấp cao (PGS, GS) theo các tiêu chuẩn cơ bản do Chính phủ ban hành; đề nghị có điều khoản về giảng viên thực hành, giảng viên các lĩnh vực đặc thù và giảng viên thỉnh giảng để phù hợp với các điều kiện thực tế.

Xác định vấn đề phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH là cần thiết để tạo nên một hệ thống GDĐH đa dạng, có chất lượng, có cơ cấu tương thích với cơ cấu nhân lực của xã hội, nhưng trên thực tế còn có nhiều lúng túng. Vì thế, đa số ý kiến ủng hộ giao cho Chính phủ, tùy theo yêu cầu của Nhà nước và kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, định kỳ công bố danh sách các đại học, trường đại học trọng điểm được ưu tiên đầu tư cụ thể theo các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và yêu cầu phát triển đất nước.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì thế yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục để làm sao trở thành khung pháp chế căn bản, tạo tiền đề cho các dự án luật chuyên ngành, như Luật GDĐH đi vào cuộc sống là vô cùng cần thiết. Cử tri và nhân dân cả nước trông đợi các luật về giáo dục sớm được ban hành và có hiệu lực, để công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà có cơ sở thực thi thành công.