Hướng tới nền tài chính quốc gia vững mạnh và minh bạch

Đầu tuần này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Sau ba năm thực thi, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã bộc lộ những bất cập phải giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG QUỲNH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Thẩm quyền lớn hơn

Dù có nhiều điểm khác biệt về quan điểm, song cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các nhà lập pháp đều khẳng định mong muốn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được trao đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn để hoạt động độc lập đúng như đã được chế định trong Hiến pháp. Đó chính là nguyên tắc tiên quyết để quyết định trao hay không trao thêm quyền hạn chứ không phải vì ngại “đụng” luật mà không làm.

Mặc dù việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 “động chạm” đến nhiều vấn đề về đối tượng được kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; giám định tư pháp tài chính, tài sản...; song một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng và được quan tâm nhất hiện nay là đối tượng được kiểm toán.

Theo đó, KTNN muốn kiểm toán “người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Cơ quan soạn thảo khẳng định đề xuất này không phải là mở rộng đơn vị được kiểm toán, mà chỉ là quy định cụ thể cho phù hợp với Hiến pháp. Hiến pháp 2013 xác định đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là “việc quản lý, sử dụng, tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Từ đó, dự thảo Luật quy định, người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công... cũng sẽ nằm trong diện được kiểm toán.

Thực tế, đúng là chỉ riêng trong năm 2018, KTNN đã thực hiện kiểm toán năm dự án xây dựng - chuyển giao (BT), tám dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và kiến nghị xử lý tài chính 3.997 tỷ đồng, trong đó có dự án sai phạm 27% tổng mức đầu tư dự án; kiến nghị sửa đổi, thay thế nghị định về đầu tư BT để chống thất thoát; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đối tác công tư... Qua đối chiếu thuế gần 3.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ quan kiểm toán cũng xác định số tiền nộp ngân sách tăng thêm hơn 1.684 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ hơn 3.341 tỷ đồng.

Hướng tới nền tài chính quốc gia vững mạnh và minh bạch ảnh 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Ảnh: QUANG KHÁNH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Điều này có nghĩa 82% còn lại đang là “khoảng trống”, trong khi đó, tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, gây thất thu lớn cho ngân sách. Trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, thông qua kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự án hợp tác công - tư, KTNN cũng đã kiến nghị xử lý tài chính gần 13.000 tỷ đồng...

Ngoại trừ đối tượng “người nộp thuế”, bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, được coi là mở quá rộng so với Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành (sau đó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã tiếp thu theo hướng đưa “các tổ chức nộp thuế” vào phần “các đơn vị liên quan” chứ không cụ thể hóa thành đối tượng kiểm toán), nhiều đề xuất theo hướng trao thêm quyền, đã được các thành viên UBTVQH ủng hộ.

Chẳng hạn, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của KTNN. Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành không quy định KTNN có quyền xử lý vi phạm hành chính. Song hiện nay, trong nghiệp vụ kiểm toán có kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ. Trường hợp đối tượng được kiểm toán không tuân thủ các yêu cầu cung cấp hồ sơ, giấy tờ, tài liệu thì việc KTNN xử phạt hành chính cũng là hợp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định ví von “Thực thi quyền lực phải có quyền lực để thực thi”. Ông Định, tất nhiên, không quên nói thêm rằng, cần cụ thể hóa trong luật về việc KTNN được xử lý loại hành vi gì, đối tượng nào… để không xảy ra sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ với cơ quan khác.

Phải có trách nhiệm đến cùng

Không khó hiểu tại sao Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có phần bức xúc khi phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội, yêu cầu quy định trách nhiệm pháp lý cao hơn cho KTNN. Ông phản ánh thẳng thắn rằng, khi thực hiện một số kết luận kiểm toán trong giai đoạn 2013-2018, cơ quan thuế bị kiện ra tòa. Và trong 10 vụ đã xử, cả 10 vụ cơ quan thuế đều thua (cơ quan thuế phải thực hiện kết luận kiểm toán, song theo quy định hiện hành, đơn vị chấp hành chỉ có thể kiện cơ quan thuế mà không thể kiện Kiểm toán Nhà nước - PV). Người đứng đầu Bộ Tài chính nêu thí dụ về vụ việc có hai lần kết luận kiểm toán đưa ra hai con số khác nhau với độ vênh rất lớn, và “nếu cứ thu theo con số ban đầu thì cơ quan bị truy thu chắc chắn sẽ kiện”. Từ đó, vị Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu cơ quan kiểm toán phải “có trách nhiệm đến cùng khi đưa ra kết luận kiểm toán”.

Dự thảo Luật KTNN dường như đã đáp ứng “trúng” yêu cầu đó. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, Điều 7 Luật Kiểm toán hiện hành được sửa đổi theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đồng nghĩa với việc hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đối tượng được kiểm toán có thể khởi kiện KTNN.

Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, cần cụ thể hóa quy định về nội dung kiến nghị truy thu và nội dung chỉ mang tính chất khuyến nghị của báo cáo kiểm toán, không làm phát sinh thêm nghĩa vụ về tài chính. Đồng thời, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cần được nêu rõ, bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành về khiếu nại.

Khi và chỉ khi sự mở rộng về thẩm quyền song hành với trách nhiệm pháp lý lớn hơn tương ứng thì hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho KTNN trở thành công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao, góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia vững mạnh và minh bạch mới có thể trở thành hiện thực.