Hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn

Thực hiện đúng tôn chỉ và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là những yêu cầu quan trọng nhất đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho công tác lập pháp. Các ý kiến tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy bản dự thảo Luật, cũng như thực tiễn hoạt động của Quốc hội hiện nay, cần tiếp tục có sự điều chỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: HOÀNG QUỲNH

Tăng chuyên trách đi đôi với tăng tính chuyên nghiệp

Chuyên trách và chuyên nghiệp là hai mặt của một vấn đề có tính quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội. Hướng đến tính chuyên nghiệp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất chỉnh lý, bổ sung chín vấn đề trong dự thảo. Trong đó, đáng lưu ý là việc quyết định số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách; cơ cấu ĐBQH. Cơ quan thẩm tra đã nêu hai phương án để lựa chọn: hoặc giữ tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay; hoặc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu). Đa số ý kiến đã tán thành quan điểm tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 37-40%.

Nhưng có lẽ tăng tỷ lệ chuyên trách mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ, dù rằng chỉ riêng việc tăng tỷ lệ cũng đã không dễ. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực tế trong 14 khóa Quốc hội, chưa bao giờ số ĐBQH chuyên trách đạt 35%. Khóa cao nhất cũng chỉ đạt 34%. Hơn thế, yêu cầu tăng tỷ lệ chuyên trách còn phải đặt trong xu thế tinh giản bộ máy, cắt giảm biên chế, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Do đó, đồng thời với việc tăng số ĐBQH chuyên trách, vấn đề

cơ cấu ĐBQH để bảo đảm chất lượng làm việc cần phải tính toán kỹ. Thấy rõ điều này, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật đã bổ sung quy định theo hướng không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động nhằm thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH chuyên trách.

Bên cạnh đó, như nhiều người còn nhớ, tại kỳ họp cuối năm 2019 của Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ rất thật rằng, với một núi công việc phải xử lý hằng ngày, một vị Bộ trưởng như ông ngồi tại các kỳ họp Quốc hội kéo dài cả tháng cũng không an tâm, có khi “nhấp nhổm” thì “họp cũng kém chất lượng”, mà giải quyết công việc của “tư lệnh ngành” cũng không thể tốt như bình thường…

Do tính chất công việc, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ hai cơ quan hành pháp và lập pháp khác nhau, nên việc phải đảm nhận “hai vai hai trọng trách” thật là khó khăn! Bởi thế, có ý kiến đề nghị không để các chức danh quan trọng trong cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia làm đại biểu Quốc hội và trong trường hợp cần thiết có thể luân chuyển cán bộ từ cơ quan lập pháp sang hành pháp, hoặc ngược lại. Có quan điểm hơi khác, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong mô hình thể chế mà Chính phủ hình thành từ Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, thông thường các thành viên Chính phủ phải là đại biểu Quốc hội. “Chỉ có quan chức hành chính mới không nên kiêm đại biểu Quốc hội, vì điều này tạo ra xung đột lợi ích. Các quan chức hành chính không thể giám sát các thành viên Chính phủ vì là cấp dưới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tránh hành chính hóa hoạt động của Quốc hội

Là đại biểu Quốc hội khóa IX và khóa XIII của TP Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch từng có nhận xét về vấn đề này: “Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách là tốt, nhưng tính chuyên nghiệp mới là then chốt. Đây là vấn đề phải xem xét, tính toán kỹ, vì nếu công chức hóa ĐB chuyên trách thì chỉ tăng bộ máy nặng nề, không tăng hiệu quả”.

Đây cũng là vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển rất băn khoăn khi nghiên cứu dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội lần này. Ông thẳng thắn nhận xét rằng, bản dự thảo luật đang có tình trạng “hành chính hóa” hoạt động của Quốc hội, biến cơ chế lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội thành “thủ trưởng chế”. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ rằng, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tuân thủ đa số. “Khi lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia bỏ phiếu cũng chỉ có một phiếu như các ĐBQH khác mà thôi”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chỉ ra một thí dụ khác của “hành chính hóa” hoạt động Quốc hội, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội vừa qua như một cơ quan, có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, cơ quan giúp việc; có con dấu, có tài khoản, thậm chí được trao quyền giám sát… tuy có những mặt thuận lợi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến quyền của ĐBQH, thí dụ như quyền giám sát, quyền độc lập phát biểu ý kiến với tư cách người đại biểu của nhân dân toàn quốc. Nếu quá nhấn mạnh vào vị thế, vai trò của Đoàn ĐBQH thì vô hình trung sẽ thu hẹp vai trò, phạm vi hoạt động của ĐBQH, trong khi ĐBQH mới là nhân tố giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

Đây là ý kiến rất cần được xem xét thấu đáo. Thời gian tới, sau khi Chính phủ có báo cáo kết quả tổng kết việc thí điểm hợp nhất ba Văn phòng tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, UBND), nêu rõ quan điểm của Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc, chắc chắn nội dung về Đoàn ĐBQH sẽ được chỉnh lý, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật.

Hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn ảnh 1

Đại biểu Quốc hội khóa XIV trao đổi, thảo luận bên hành lang Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG