Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư

Ngay đầu tuần làm việc thứ tư này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã sôi nổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP). Dự thảo luật gồm 11 chương, 102 điều, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP.

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng, tỉnh Lạng Sơn và Đồng Tháp thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: DUY LINH
Đại biểu QH thành phố Hải Phòng, tỉnh Lạng Sơn và Đồng Tháp thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: DUY LINH

Luật phải rạch ròi, cụ thể

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp tổ, khi bàn đến dự án Luật PPP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “… thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được… Mà thể chế do chúng ta làm ra”.

Chia sẻ với phát biểu của Thủ tướng, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm, luật phải được thiết kế rõ ràng, tránh quy định chung chung. Theo đó, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự thảo Luật PPP, tránh tình trạng quy định chung chung như “theo quy định của pháp luật”, “các nội dung cần thiết khác”... gây khó khăn trong thực tế triển khai; cùng đó, phải rà soát quy định tại các luật khác, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật; đồng thời tiếp tục chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật.

Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư ảnh 1

Các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong ảnh: Bệnh viện Gia An 115 chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Ảnh: ĐINH HẰNG (TTXVN)

Cụ thể, trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trước Quốc hội sáng 11-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.

Về quy mô đầu tư của dự án PPP (khoản 2 Điều 5), Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết, không chỉ nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định (tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP), mà còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...

Đề cập cơ chế trách nhiệm trong luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: “Trong dự thảo luật chưa quy định rõ về tổ chức Hội đồng thẩm định (HĐTĐ), ai sẽ làm Chủ tịch cũng như trách nhiệm của HĐTĐ? Vì khi dự án thua lỗ, với vai trò tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thì HĐTĐ đương nhiên có liên quan và phải chịu trách nhiệm”. “Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài họ rất muốn luật của ta phải rạch ròi, cụ thể”, đại biểu Hòa nói thêm.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng lưu ý về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Bảo đảm minh bạch, chặt chẽ

Nhằm có quy định rõ ràng hơn về Bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng (Điều 76), nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng nội dung này là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu…), đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp trung ương và địa phương, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP. Và để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, cần có nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phân tích: Về cơ chế bảo đảm rủi ro, dự thảo luật có Điều 76 quy định theo hướng, khi có rủi ro xảy ra, Nhà nước sẽ chịu tối đa 50% thiệt hại công trình, miễn sao thiệt hại đó phải được chứng minh là bất khả kháng do khách quan. Mặt khác, điểm b, khoản 2, Điều 76 quy định, khi lợi nhuận của dự án vượt trước lợi nhuận đã được phê duyệt ở tổng mức đầu tư ban đầu, vượt quá phương án tài chính thì Nhà nước sẽ được hưởng tối thiểu 50% phần lợi nhuận vượt mức phê duyệt. Tại sao lại dùng từ “tối thiểu” là vì có những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi Nhà nước đưa ra cơ chế, điều chỉnh chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, có thể khiến lợi nhuận của dự án tăng. Như vậy, phần tăng này đến từ việc Nhà nước điều chỉnh. “Cái gì của Nhà nước thì phải trả lại cho Nhà nước”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong dự thảo Luật PPP trình Quốc hội tại kỳ họp này vẫn có nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau. Cần phải rà soát kỹ các nội dung để bảo đảm tính thống nhất giữa Luật này và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước... với mục tiêu thúc đẩy xã hội hóa đối với các dự án PPP, bảo đảm cả Nhà nước và nhà đầu tư, nhân dân cùng hưởng lợi.