Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng  

Hòa quyện lý luận và thực tiễn

Sau hơn hai tuần các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng được công bố, Nhân Dân cuối tuần nhận được nhiều ý kiến trực tiếp và cả qua thư, email của cán bộ, đảng viên, trí thức, sinh viên, thanh niên… bày tỏ niềm phấn khởi vào thành công Ðại hội đảng các cấp thời gian vừa qua, đồng thời đóng góp những ý kiến tích cực, hiến kế cho Ðảng trong công cuộc phát triển đất nước giai đoạn tới.

Sáng 4-11-2020, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Ảnh: Thái Hùng (TTXVN)
Sáng 4-11-2020, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Ảnh: Thái Hùng (TTXVN)

Phát huy nguồn lực con người

Hầu hết các ý kiến gửi về đều tập trung đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ quá trình lao động, sáng tạo của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta để đất nước ta "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Các ý kiến cũng bày tỏ nhất trí cao với nội dung trong các dự thảo văn kiện, nhất là về hoạch định tầm nhìn xa đến năm 2045 và mục tiêu, định hướng cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030.

Ðể đạt được những mục tiêu cao cả ấy, rõ ràng, con người là nhân tố quyết định, vừa đóng vai trò quan trọng trong cả tư duy và hành động, vừa là mục tiêu để phấn đấu xây dựng. Vì thế, nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành rất tâm đắc với nội dung: Xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, một yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong thời kỳ tới.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, trăn trở nhất vấn đề đổi mới giáo dục. "Trong cuộc sống hiện đại, có những bà, những chị quen làm lụng chân tay mà nuôi năm con ăn học, rồi có người mày mò dạy cho trẻ em sửa được cả máy tính. Rất nhiều gia đình nông dân đã mua được ô-tô, hầu hết nhà nào cũng có xe máy, xây lại nhà mới. Có gia đình đồng bào thiểu số có tới mấy người là đảng viên. Trước đây họ rất nghèo, nhưng giờ đã khác… Họ hoàn toàn có thể sử dụng được các phương tiện số" - lấy thực tiễn làm dẫn chứng, GS Phạm Tất Dong đề cập tới nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới, cấp thiết, cần một tầm nhìn, hoạch định, kiến tạo môi trường mà nòng cốt là các "công dân số", điều này cần được nói rõ thêm trong các văn kiện.

Chung mối quan tâm về sự nghiệp trồng người, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí "đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế". Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Thêm ý kiến vào phần đánh giá thực trạng, bài học kinh nghiệm trong các dự thảo văn kiện, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, ở lĩnh vực giáo dục, dự thảo cần ghi thêm: "Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường cao đẳng, đại học còn phân tán". "Cao đẳng, đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng trong văn kiện chưa đề cập rõ", vị chuyên gia này thẳng thắn đánh giá.

Tin tưởng ở tầm nhìn xa, cách làm mới

Một trong những điểm mới ở các dự thảo văn kiện lần này đều xác định, thời gian tới, cả tầm nhìn và hành động của chúng ta đều phải cân bằng mọi mặt đời sống, phát triển nhanh phải gắn liền với bền vững. Cụ thể là phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng, phát huy văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tâm đắc với nội dung này, xuất phát từ thực tế vấn đề của mình, chị Néang Sóc Phol, dân tộc Khmer, sinh viên Trường đại học Trà Vinh trăn trở về chương trình học tiếng Khmer còn gặp nhiều bất cập, số tiết dạy còn ít, hoạt động ngoại khóa còn hạn chế, các nội dung giáo trình chậm đổi mới. "Thời gian qua, chính chúng tôi là những người được thụ hưởng trực tiếp các chính sách phát triển đời sống, văn hóa vùng sâu, vùng xa. Mong sao Ðảng, Nhà nước thời gian tới tạo điều kiện hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng. Nhất định, chúng tôi, những người trẻ, được tạo điều kiện hôm nay sẽ nỗ lực chung tay xây dựng đất nước ở giai đoạn mới, sớm sánh vai cùng cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ thường mong mỏi", sinh viên Néang Sóc Phol nói.

Năng động và tâm huyết với công tác Ðoàn từ khi còn là sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, đồng chí Vũ Hồng Luyến, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Hưng Yên gửi email tới Nhân Dân cuối tuần nêu ý kiến về những vấn đề của thanh niên và công tác phụ nữ hôm nay. Trong thư có đoạn: "Làm sao trong văn kiện cần làm rõ hơn nữa vai trò của thanh niên, đội hậu bị đắc lực của Ðảng trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần V của Báo cáo chính trị về Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người… Hoạt động Ðoàn, Hội, nhất là ở các địa phương cũng cần phát huy tính thực chất hơn nữa".

"Cán bộ là gốc của mọi công việc", bởi thế, trong các ý kiến, tập trung nhất, trăn trở nhất vẫn là về công tác cán bộ. Theo đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã hiến kế, để đổi mới hiệu quả công tác cán bộ, bên cạnh những quy định, quy trình hiện nay cần nghiên cứu thêm phương thức thi tuyển và tranh cử để lựa chọn nhân tài. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang lan tỏa khí thế từ Ðảng tới nhân dân, Ðảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới, cần sớm hoàn thiện hơn cơ chế đãi ngộ, chế tài xử phạt, giám sát chặt chẽ để mỗi cán bộ, đảng viên "không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng". Bên cạnh đó hoàn thiện những chính sách về khen thưởng sao cho công bằng, minh bạch để khích lệ, động viên công chức, viên chức tận tụy với công việc, thực hành tiết kiệm, hết lòng hết sức cống hiến, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thời gian không chờ đợi, mong sao đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, ban soạn thảo văn kiện tiếp thu cao nhất ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, thật sự phát huy trí tuệ tập thể, qua đó tạo sự gắn kết, thống nhất, dân chủ, đồng thuận, tin tưởng trong Ðảng và trong toàn xã hội; quyết tâm phấn đấu đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao - như đường lối đúng đắn đã được hoạch định rất rõ trong dự thảo văn kiện.

Khúc Hồng Thiện