Gỡ “điểm nghẽn” nhân lực trong xây dựng pháp luật

Đã có nhiều giải pháp được đặt ra nhằm kéo dài tuổi thọ và tăng tính hiệu quả cho các văn bản pháp luật. Một trong số đó là đề nghị “đổi vai” trong xây dựng pháp luật, nghĩa là cơ quan soạn thảo sau khi trình dự luật đồng thời cũng là cơ quan tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự luật được Quốc hội thông qua. Giải pháp không mới này tiếp tục nóng lên sau khi được nêu chính thức trong Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi đến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019.

Việc tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác làm luật. Trong ảnh: Một buổi thảo luận về các dự án luật tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Duy Linh
Việc tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác làm luật. Trong ảnh: Một buổi thảo luận về các dự án luật tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Duy Linh

Vừa “bảo vệ đến cùng”, vừa tiếp thu phản biện

Trong tờ trình của Chính phủ, liên quan việc chủ trì soạn thảo dự án luật không có sự thay đổi lớn nào, nhưng ở khâu tiếp thu, chỉnh lý cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua, đã có hai phương án khác nhau được nêu ra. Ở phương án một, Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo Luật đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý. Phương án hai giữ như hiện nay, trách nhiệm tiếp thu thuộc về cơ quan thẩm tra, thường là một ủy ban của Quốc hội.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn về phương án một. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp thẳng thắn cho rằng, các bộ, ngành (chính là cơ quan chắp bút soạn thảo) khó tiếp thu các ý kiến góp ý khác với quan điểm của mình. Theo đại biểu, việc lựa chọn phương án này sẽ khiến Quốc hội phần nào bị động. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) có cùng quan điểm. Bà lập luận: “Nếu cơ quan chủ trì tiếp thu chỉnh lý đồng thời là cơ quan soạn thảo - trong đại đa số trường hợp là một cơ quan thuộc Chính phủ, thì sẽ có mâu thuẫn giữa nhiệm vụ bảo vệ đến cùng ý kiến của Chính phủ và nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Quốc hội. Và nếu cơ quan chủ trì tiếp thu lại không phải là cơ quan của Quốc hội thì rất khó định lượng ý kiến ĐBQH khi thông qua Luật”, đại biểu Mai Hoa phân tích.

Tuy vậy, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người đã theo dõi công tác xây dựng thể chế gần như suốt cuộc đời công tác của mình, lại ủng hộ phương án thứ nhất. Ông nói: “Xét về mặt kỹ trị, chuyển công việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về cho cơ quan chủ trì soạn thảo, như đề xuất của Chính phủ, là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề không chỉ là chuyện “quyền anh”, “quyền tôi”, mà còn là chuyện động lực của chính sách và năng lực chuyên môn để thiết kế chính sách”.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, khi được mời giải trình thêm với Quốc hội, cũng cho biết, các nước có cách tiếp cận khác nhau về cơ quan chủ trì chỉnh lý sau khi Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất. Tuy nhiên, điểm giống nhau là không đặt vấn đề quá nặng nề về việc cơ quan nào chủ trì, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, bởi lẽ, đây chỉ là công đoạn chủ yếu mang tính chất kỹ thuật. Xét ra, cơ quan trình dự thảo Luật đã nghiên cứu chính sách, dự kiến giải pháp xử lý vấn đề, tính toán về tính khả thi và nguồn lực thực hiện. “Thực tế hầu như không có sự thay đổi lớn về chính sách hay phạm vi điều chỉnh hoặc những quy định có tác động lớn đến xã hội mà chưa được nghiên cứu trước khi trình”, người đứng đầu ngành Tư pháp nhận định.

Trình độ, bản lĩnh của các nhà lập pháp

Vậy yếu tố then chốt quyết định chất lượng pháp luật có thật sự chỉ ở việc “đổi vai” hay không? ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) từng ví von, việc khắc phục những điểm thiếu sót, bất cập trong hoạt động xây dựng pháp luật như điều trị bệnh, cho uống thuốc sai hoặc không cho uống thuốc, thì bệnh nhẹ không khéo lại thành bệnh nặng hơn.

Tại hầu như tất cả các phiên thảo luận về chương trình xây dựng pháp luật, các ĐBQH đều chỉ ra rằng, vừa qua, một số ủy ban của Quốc hội không mạnh dạn, kiên quyết trả lại những dự án luật không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về thời gian công bố xin ý kiến, thẩm định, thẩm tra…

Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, quy trình xây dựng pháp luật còn thiếu tính liên kết, kiểm soát chặt chẽ giữa các giai đoạn; phản ứng chính sách chưa linh hoạt khi phải đối phó với những vấn đề phát sinh. Hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn chưa thật sự hiệu quả, có trường hợp rất hình thức, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn phó thác trách nhiệm cho cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đặc biệt, công tác nghiên cứu lý luận trên các lĩnh vực pháp luật và đổi mới tư duy lập pháp chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, tính dự báo trong xây dựng pháp luật còn thấp, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi, nhiều quan hệ xã hội mới hình thành, tính ổn định chưa cao. Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng thẳng thắn thừa nhận, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa tương xứng với khối lượng công việc ngày càng tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp.

Do đó, nói cho cùng, muốn nâng cao chất lượng pháp luật, điểm mấu chốt vẫn là yếu tố con người, bao gồm cả cán bộ, công chức giúp việc cho bộ, ngành chủ trì soạn thảo luật, lẫn cơ quan thẩm tra và rộng hơn là với tất cả các nhà lập pháp. Ngay từ khi tiến hành các kỳ bầu cử Quốc hội, cần chú trọng nâng tỷ lệ ứng cử viên được đào tạo, hoặc có kiến thức cơ bản, công tác trong lĩnh vực liên quan đến luật pháp. Việc tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm bớt đại biểu kiêm nhiệm cũng sẽ giúp ĐBQH dành thời gian thích đáng cho công tác làm luật. Luật Tổ chức Quốc hội đang trong quá trình được chỉnh lý, bổ sung tới đây sẽ góp phần giải quyết câu chuyện này.

Về mặt kỹ thuật, có một đề xuất rất đáng lưu ý, theo đó Ban soạn thảo dự án Luật phải gồm hai nhóm chuyên gia là chuyên gia lập pháp, lập quy và chuyên gia chuyên ngành. Hai nhóm chuyên gia này phải hợp tác và làm việc ăn ý với nhau để có được sản phẩm chung tốt nhất có thể. Về phía Quốc hội, sự phối hợp ngay từ đầu giữa Ủy ban Pháp luật với ủy ban/ hội đồng dự kiến sẽ chủ trì thẩm tra từ đề nghị xây dựng luật đến hồ sơ xây dựng luật nhằm đánh giá toàn diện khách quan, nghiêm túc các tiêu chí, điều kiện yêu cầu về chất lượng của đề nghị xây dựng luật theo đúng quy trình trước khi đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, nghị quyết cũng là một khâu rất quan trọng.

Cũng cần nói thêm đến việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật. Rất nhiều kinh nghiệm hay, đạt hiệu quả cao ở nước này lại không phát huy tác dụng ở Việt Nam, do những điều kiện nền tảng về kinh tế, xã hội, văn hóa khác biệt. Trong khi đó, có không ít dự án luật lấy “kinh nghiệm quốc tế” làm lý do để đưa ra những quy định xa lạ và rất ít tính khả thi.

Cuối cùng, không thể phủ nhận được sự cần thiết của việc cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đến cùng bằng cách tham dự các buổi thảo luận có thể điều trần và giải thích thêm trong quá trình Quốc hội thảo luận trước khi bấm nút, nhưng vẫn phải khẳng định rằng thẩm tra và chịu trách nhiệm trước cử tri về văn bản pháp luật vẫn là một trong ba chức năng then chốt của Quốc hội, nếu không muốn nói là chức năng quan trọng nhất.