Giấy thông hành Xanh

Theo một công bố của PwC tại Hội nghị cấp cao APEC 2018 vừa qua, trong số 21 nền kinh tế APEC, Việt Nam là điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong 12 tháng tới. Hơn lúc nào hết, nâng cao năng lực của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi.

Việt Nam đã tạo nên được một hệ sinh thái các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Việt Nam đã tạo nên được một hệ sinh thái các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Xác lập mức chuẩn phát triển bền vững

Trong buổi lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 22-11 vừa qua, 100 gương mặt tiêu biểu của cộng đồng DN Việt Nam được lựa chọn từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp tham dự đã được trao tặng danh hiệu "Doanh nghiệp bền vững". Ðặc biệt, năm nay, những điển hình xuất sắc đã lọt tốp 10 Doanh nghiệp bền vững trong ba năm liên tiếp (2016-2017-2018) cũng được nêu gương và nhận được sự đánh giá xứng đáng từ Ban tổ chức chương trình.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD, sang năm thứ ba thực hiện Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững thường niên theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban tổ chức đã phối hợp các nhóm chuyên gia xác lập một "mức chuẩn phát triển bền vững". Trong mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà Bộ chỉ số đề cập, đều được chia ra thành tiêu chí cơ bản (mức chuẩn) và nâng cao. Thí dụ, nếu DN đáp ứng tiêu chí "DN có chiến lược phát triển" thì sẽ chỉ đạt mức cơ bản, trong khi đó mức nâng cao sẽ yêu cầu DN có "chiến lược gắn kết với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của Liên hợp quốc". Ðây cũng là cách Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) giúp hoạch định một lộ trình cho các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, khi bắt đầu tiếp cận với khái niệm PTBV sẽ hình dung ra được các công việc cần thực hiện để bảo đảm DN phát triển bền vững. Năm nay, những DN tham gia Chương trình nếu được đánh giá đạt mức chuẩn trên cũng sẽ nhận được giấy chứng nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn bền vững". Thông qua đó, VCCI khuyến khích cộng đồng DN thực hiện PTBV để họ hiểu rằng, không lọt tốp 100 không có nghĩa là DN đứng ngoài "cuộc chơi PTBV", ông Vinh nhấn mạnh.

Tiếp tục được sử dụng làm cơ sở để đo lường mức độ PTBV của các DN tham gia Chương trình, Bộ chỉ số CSI 2018 đã có những điểm mới đáng ghi nhận. Bên cạnh việc số lượng tiêu chí được giảm bớt từ 134 tiêu chí (năm 2017) xuống còn 131 tiêu chí năm nay, các tiêu chí cũng được điều chỉnh tiệm cận với Bộ tiêu chuẩn GRI standard của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, cũng như phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Nhờ đó, CSI 2018 có thể áp dụng cho mọi loại hình DN và là công cụ trợ giúp đắc lực cho DN trong việc lập báo cáo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của GRI standard.

Nhân lên những "hạt giống xanh"

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững là chiến lược và mô hình kinh doanh mới của DN, là "giấy thông hành" để DN đến với thị trường và hướng tới tương lai. Một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng thực hiện thành công 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 sẽ mở ra cơ hội kinh doanh trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD, hay sẽ tạo ra thêm ít nhất 380 triệu việc làm (gần 90% số đó được tạo ra ở các nước đang phát triển).

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBCSD chia sẻ, con đường đến năm 2030 không hề dài, nếu không hành động ngay từ bây giờ, rất có thể chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Ông Lộc kỳ vọng rằng sẽ sớm có thêm nhiều gương mặt mới, những "gót chân xanh" mới đồng hành cùng VBCSD, VCCI trên hành trình xanh, hướng tới tương lai PTBV. Ðó là cách để truyền tải đến thế giới thông điệp: Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý nhà nước hiệu quả.

Một trong những thông điệp mà VCCI, VBCSD luôn cố gắng gửi gắm đến cộng đồng DN chính là hãy thay đổi tư duy kinh doanh, hãy nhìn nhận PTBV bằng một lăng kính mới. Trước hết, đó không phải là một câu chuyện xa vời dành cho những công ty, tập đoàn lớn hay những cường quốc của thế giới. Ðó là câu chuyện đang hiện hữu ở mọi nơi, là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Không cần phải là những hành động lớn lao, DN chỉ cần bắt đầu thay đổi tư duy kinh doanh, nghiên cứu kỹ lưỡng các Mục tiêu toàn cầu, lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép vào chiến lược phát triển của DN và áp dụng Bộ chỉ số CSI là có thể quản trị DN hiệu quả hơn. Khi DN đã chủ động để chuyển mình, đã chuẩn bị kỹ càng nội lực mạnh mẽ, tất yếu lợi nhuận và tăng trưởng trong dài hạn sẽ đến.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với rất nhiều thách thức như hiện nay và không một DN nào có thể tự mình giải quyết tất cả những bài toán hóc búa đó, thì song song với sự cạnh tranh, DN cũng cần hợp tác chặt chẽ, không chỉ giữa DN với DN, mà còn giữa DN với Chính phủ, các cơ quan quản lý. Thúc đẩy hợp tác công – tư chính là một trong những phương thức hiệu quả nhất để sớm hiện thực hóa 17 Mục tiêu PTBV.

Năm 2018, Chương trình và Bộ chỉ số CSI đã được đưa vào nội dung Nghị quyết 19 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.