Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ðể công tác tiếp dân đạt chất lượng và hiệu quả cao

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14 đến 17-10 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới. Một trong những vấn đề nổi bật nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tại phiên họp lần này là kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội thời gian qua.

Ðể công tác tiếp dân đạt chất lượng và hiệu quả cao

Những con số tích cực

Tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng con số 67% là tỷ lệ bình quân Chủ tịch cấp tỉnh, thành phố tiếp công dân định kỳ năm 2019 (số liệu kỳ trước chỉ đạt 48%); tỷ lệ bình quân Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ cũng tăng từ 23% năm 2018 lên 51% trong năm 2019, cho thấy đây cũng là một trong những nguyên nhân của việc giảm đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bởi nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ cấp cơ sở.

Cụ thể, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (từ ngày 16-8-2018 đến 15-8-2019) được gửi đến Quốc hội, cho thấy: Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận 39.793 đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm 3.531 đơn so với cùng kỳ. Trong đó, có 25.434 đơn nặc danh, trùng nội dung, đơn không đủ điều kiện được xếp lưu theo dõi (chiếm 63,91%); 14.359 đơn đủ điều kiện (chiếm 36,08%). Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.008/14.359 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (chiếm 41,84%); đến nay đã nhận được 3.412 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 56,79% tổng số đơn chuyển), còn 2.596 văn bản chưa nhận được trả lời (chiếm 43,21%).

Bên cạnh nội dung liên quan đất đai (chiếm khoảng 70%), tại kỳ họp này nổi lên một số nội dung khiếu nại liên quan việc triển khai, thực hiện mở rộng, xây mới khu tập kết, xử lý rác thải; việc quy hoạch nghĩa trang; việc thực hiện thu phí BOT tại một số dự án giao thông đường bộ và các đơn thư liên quan việc quản lý, vận hành nhà chung cư tăng khi số lượng các nhà chung cư bàn giao, đưa vào sử dụng tăng lên,... Ðây đều là những việc thiết thân, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người, mỗi gia đình, đến đời sống xã hội nói chung, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời, hiệu quả ngay từ cấp cơ sở.

Ðể công tác tiếp dân đạt chất lượng và hiệu quả cao ảnh 1

Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ảnh: ÐÌNH BẢO

Còn những trăn trở

Thực tế cho thấy, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp địa phương còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Qua phản ánh của cử tri, việc bố trí nơi tiếp công dân, phòng tiếp công dân của một số cơ quan, sở, ngành các cấp chưa thật sự thuận tiện cho người dân (như bố trí tại tầng 2, 3 hoặc ở góc sâu, khó tìm), nội quy tiếp công dân được niêm yết ở vị trí khó quan sát; nhiều nơi thậm chí không có phòng tiếp công dân theo quy định nên còn bố trí nơi tiếp công dân chung trong phòng làm việc của cán bộ; đặc biệt là cấp xã, theo quy định việc tiếp công dân diễn ra ở trụ sở UBND, nên ở hầu hết các địa phương do cơ sở vật chất khó khăn, đều bố trí tiếp công dân ngay tại phòng của lãnh đạo xã.

Về thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, qua giám sát, Ban Dân nguyện của Quốc hội phản ánh: Tại nhiều địa phương, việc bố trí lịch công tác, lịch họp trùng vào lịch tiếp định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu sở, ngành còn khá phổ biến, là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân. Công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ tiếp công dân còn chưa khoa học, thiếu chặt chẽ, lưu trữ không đầy đủ hoặc bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra xác minh, giải quyết các vụ việc; ảnh hưởng đến công tác tra cứu, xác minh tài liệu và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến khiếu nại vượt cấp do người dân thiếu tin tưởng vào chất lượng giải quyết của các cấp cơ sở.

Ðề cập chất lượng cán bộ tiếp công dân, nhiều đại biểu thẳng thắn dẫn số liệu: Việc bố trí cán bộ tiếp công dân có nơi chưa phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo (tỷ lệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn pháp luật chỉ khoảng 30-50%, nhiều nơi còn bố trí cán bộ tốt nghiệp ngành sư phạm, kế toán, tin học,… làm công tác này); dẫn đến chất lượng phân loại xử lý đơn thư chưa tốt, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng phân loại là đơn kiến nghị phản ánh, từ đó áp dụng quy trình giải quyết sai, xếp lưu đơn không nghiên cứu, không ban hành thông báo giải quyết, dẫn đến công dân bức xúc khiếu nại vượt cấp; có nơi còn bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Ban tiếp công dân (tỉnh, huyện) là nhân viên hợp đồng lao động, chưa đúng quy định về cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

Cấp cơ sở như "túi việc" và là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, gắn bó với dân nhất; đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người chịu trách nhiệm tiếp công dân phải nỗ lực, tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ để được nhân dân tin tưởng.

Cử tri và nhân dân cả nước luôn trông đợi các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, từ các bộ, ban, ngành tới địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và tiến hành nghiên cứu, tổ chức giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo, nhất là giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể, vụ việc phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm, bảo đảm hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; tích cực triển khai ứng dụng, cập nhật, khai thác dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.