Đổi mới từ gốc công tác cán bộ

Bên cạnh câu hỏi nhức nhối về cán bộ công chức vi phạm pháp luật mà đến lúc nghỉ hưu mới bị phát hiện, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với đội ngũ đương nhiệm, thì làm sao để thu hút và giữ chân người tài cũng là một câu hỏi lớn mà việc sửa Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức lần này được kỳ vọng sẽ góp phần trả lời.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC, Luật Viên chức được trông đợi giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ Cục Hải qua
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC, Luật Viên chức được trông đợi giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ Cục Hải qua

Nghỉ hưu không có nghĩa là rũ bỏ mọi trách nhiệm

Theo Thanh tra Chính phủ, trong ba năm trở lại đây, có 11 Ủy viên Trung ương Ðảng đã nghỉ hưu vẫn bị xem xét, xử lý kỷ luật. Tháng 1-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết và sau đó Thủ tướng ra quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Trước khi bị khởi tố, tháng 10-2018, ông Nguyễn Bắc Son cũng đã nhận quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016. Do phải chịu trách nhiệm lớn trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, trước khi bị khởi tố hình sự, ngày 8-8-2018, ông Trần Việt Tân (đã nghỉ hưu) bị xóa tư cách Thứ trưởng Công an giai đoạn 2011-2016; giáng cấp bậc hàm Thượng tướng xuống Trung tướng…

Nhiều trường hợp khác đã "hạ cánh an toàn", tuy chưa đến mức độ bị xóa tư cách lãnh đạo trước đó, nhưng cũng đã phải chịu kỷ luật nghiêm khắc vì những vi phạm lúc đương chức. Như, do có liên quan các sai phạm xảy ra trong dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư bị Ban Bí thư khiển trách…

Tuy nhiên, chung quanh việc xử lý những quan chức có sai phạm này vẫn có những ý kiến khác nhau, chưa thật sự đồng thuận, "tâm phục khẩu phục". Như chính Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng, nên hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm; kể cả hiệu lực của những văn bản, quyết định của những người này... là khá phức tạp.

Luật hóa những nội dung này, quy định cách thức xử lý thống nhất, phù hợp pháp luật bằng cách xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức (CBCC), Luật Viên chức là một trong những giải pháp quan trọng đã nằm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Theo đó, cần sửa đổi Luật CBCC hiện hành theo hướng quy định có tính nguyên tắc rằng, cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ, Luật không thể thiếu các quy định về "cách chức, giáng chức" - nói chính xác vì "chức" không còn nữa, thì cùng với việc xóa tư cách lãnh đạo, đồng thời mặc nhiên xóa bỏ những quyền lợi mà người vi phạm được hưởng. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cũng phải được cụ thể hóa để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Ai đi tìm ai?

Tìm kiếm và giữ chân người tài trong bộ máy nhà nước là vấn đề quan trọng không kém đang nổi lên trong công tác cán bộ. Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: "Bây giờ đang có thực trạng không muốn về công chức, viên chức vì lương thấp. Người tài về đây để nuôi một hoài bão ước mơ gì đó thôi, còn để sống thì người ta làm việc khác".

Nguyên là giảng viên đại học, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, PGS, TS Nguyễn Thanh Hải kể, khi nói chuyện với Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bà được biết một PGS, TS của trường này nhận lương 17-18 triệu đồng/tháng, đã được Vinfast mời làm việc và trả lương 200 triệu đồng/tháng. Trường tìm mọi cách để giữ, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận mất người.

Một chuyện cười ra nước mắt khác cũng được bà Nguyễn Thanh Hải nhắc lại, vào năm 2011, GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam thành lập Viện Toán. "Bàn về việc trả lương cho GS thì Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lúc đó, anh Nguyễn Quân có nói, đến hai Bộ trưởng mà không quyết định được lương cho GS Châu! Sau đó Viện Toán quyết định trả lương phá lệ là… 5 triệu đồng/tháng". Muốn không còn những tình thế "khó xử" như vậy, bà Hải nhấn mạnh, dự thảo luật phải "cởi trói" hơn nữa cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ.

Đổi mới từ gốc công tác cán bộ ảnh 1

Cán bộ công chức bộ phận một cửa của UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Đăng Khoa

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS Phan Xuân Dũng cũng băn khoăn về cách thức tuyển chọn CBCC. "Hiện các nước và khu vực tư nhân, tìm người giỏi theo cách thật sự là "săn đầu người". Chẳng hạn, một du học sinh tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc ở Anh, lập tức có 23 công ty và doanh nghiệp đến tìm. Họ chủ động hoàn chỉnh hồ sơ cho ứng viên được chọn. Trong khi đó, quy trình tuyển CBCC của chúng ta vẫn rất cứng nhắc, đòi hỏi người được mời về phải đủ tiêu chí này nọ, hồ sơ phức tạp, thậm chí, chỉ thiếu chữ "Thị" thôi cũng đã vướng mắc…", ông Dũng chỉ ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình: "Những người có tài, các cơ quan có kinh nghiệm phần lớn là tự phát hiện và tìm đến tuyển dụng, còn "ông" nào mang đơn đến xin lại không được trọng dụng".

Luật hóa được khái niệm

Ðược biết, dự thảo luật lần này đã giao cho Chính phủ quy định khung về tài năng, trên cơ sở đó, các bộ, ngành sẽ căn cứ vào đặc thù của mình để ban hành những tiêu chí, chính sách cụ thể đối với việc trọng dụng nhân tài.

Tuy nhiên, thế nào là "nhân tài", và sự khác biệt với "tài năng" là gì, thì lại chưa được làm rõ. Nhiều nhà lập pháp và các chuyên gia đã thống nhất quan điểm, cần phải hiểu các khái niệm này theo nghĩa rộng, không chỉ trong một lĩnh vực chuyên môn sâu mà bao gồm cả tài năng công vụ, tức là những người rất giỏi về hoạch định chính sách hoặc kiểm soát về dịch vụ công.

Người đứng đầu ngành Nội vụ tỏ ra phân vân, khi trên thực tế có những người có tài nhưng không có học hàm, học vị gì. Ông cho biết, Chính phủ rất muốn nghe thêm ý kiến và cam kết sẽ ghi nhận, tiếp thu để cụ thể khái niệm "tài năng". Ít nhất, cần có khung để hướng dẫn địa phương xác định người như thế nào là tài năng để có chính sách trọng dụng trong các bộ, ngành, địa phương của mình…

Rõ ràng, nếu được thiết kế, hoàn thiện tốt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC, Luật Viên chức có thể góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nói riêng. Nhưng tất nhiên, có một đạo luật tốt, dù tốt đến mấy, vẫn là chưa đủ…