Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II

Đoàn kết một lòng, phát huy nội lực

Với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II diễn ra từ ngày 2 đến 4-12 tại Hà Nội, quy tụ 1.600 đại biểu thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện 54 dân tộc trên cả nước. Đây cũng là dịp để đại biểu các DTTS trên mọi miền Tổ quốc bày tỏ tâm huyết, phát huy trí tuệ tập thể, hiến kế phát triển đất nước trong giai đoạn tới, một trong những sự kiện thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chính sách được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ảnh: THANH LÂM
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chính sách được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ảnh: THANH LÂM

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các DTTS sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc đa số ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Đại hội DTTS lần thứ II này là cơ hội gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng đoàn kết phấn đấu vì các mục tiêu chung. Cùng đó, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2020; đánh giá 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội DTTS lần thứ I năm 2010; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng đến năm 2030.

Đoàn kết một lòng, phát huy nội lực -0
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II giao lưu trực tuyến tại Báo Nhân Dân. Ảnh: ĐỨC ANH 

Từ Đại hội lần thứ I đến nay, 10 năm qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Tổng hợp kết quả từ Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ I của 363 huyện và 50 tỉnh, thành phố, sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I, KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. 

Cùng với các chính sách mới được ban hành, thời gian qua, nhiều chương trình hành động cũng đã được Chính phủ và các địa phương khẩn trương triển khai nhằm nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Gần đây, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 9 để thực hiện từ năm 2021. Đây là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội có một Nghị quyết chuyên đề về đầu tư phát triển vùng DTTS&MN. Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng DTTS&MN thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc; mở ra một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho hàng triệu đồng bào DTTS trong cả nước.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, chiều 2-12, tại Trụ sở Báo Nhân Dân, các đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, thời gian qua đã có những chính sách thiết thực, hiệu quả, quan tâm đến đồng bào DTTS. 

Từng là người lính tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc, sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ, tháng 2-1986 được xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và lao động sản xuất tại quê nhà, ông Thăng Văn Báo trở thành người uy tín, trưởng thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Chia sẻ trước thềm Đại hội, đại biểu Thăng Văn Báo xúc động nói, nhớ lời Bác Hồ dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Đó cũng là động lực giúp ông vượt qua bao khó khăn vất vả, phấn đấu phát triển kinh tế gia đình và góp phần hỗ trợ nhiều người dân địa phương cùng phát triển.

Sau 10 năm kể từ Đại hội lần thứ I, các chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước kết hợp hiệu ứng lan tỏa từ các đại biểu dự đại hội đã thúc đẩy các vùng đồng bào DTTS đang sinh sống có những thành tựu đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, xuất hiện thêm nhiều điển hình mới. Tại Đại hội lần thứ II này, có 1.240 đại biểu được bầu chọn tại đại hội cấp tỉnh và 360 đại biểu ở Trung ương. Trong đó, dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất là dân tộc Tày (chiếm 11,9%), một số dân tộc ít người đều có ít nhất một đại biểu như dân tộc Chứt, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ Đu. Ông Huỳnh Phến, 91 tuổi, là đại biểu cao tuổi nhất thuộc đoàn Sóc Trăng, đại biểu ít tuổi nhất là em Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày - học sinh giỏi Trường chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước. Mỗi người mỗi việc, như những bông hoa đẹp, các đại biểu sau khi dự đại hội lần này sẽ lại tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực đem tài năng, tâm huyết về góp phần phát triển địa phương mình.

Từ những thành tựu đã đạt được, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ II nhấn mạnh mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Để đạt được thắng lợi những mục tiêu to lớn ấy, bằng quyết tâm của mình, các đại biểu chia sẻ, đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các dân tộc nguyện một lòng đoàn kết, đi theo Đảng, vì sự phồn vinh, thịnh vượng của mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, vì sự phát triển của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.