Điểm tựa tăng trưởng

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội quý I và dự báo cho quý tới, cơ quan thống kê quốc gia mới đây khẳng định, nếu dịch Covid-19 không sớm được ngăn chặn hiệu quả, tình hình kinh tế quý II sẽ còn khó khăn hơn nữa do lượng dự trữ đã vơi cạn nhiều. Tính toán đến việc điều chỉnh kịch bản tăng trưởng là cần thiết, nhưng giai đoạn này, quan trọng hơn vẫn là thiết kế nhiều “lưới đỡ” để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020. Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020. Ảnh: Trần Hải

Kịch bản nào cho GDP 2020?

Về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngay từ cuối tháng hai, cơ quan thống kê đã tiến hành đánh giá thiệt hại tới các ngành, từ đó điều chỉnh kịch bản theo từng ngành và đã khẩn trương dựng lại kịch bản tăng trưởng.

“Theo đó, nếu dịch kéo dài hết quý II, dập thành công, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, thì tăng trưởng GDP ước khoảng trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý III, thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Theo chúng tôi, rất khó đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong tình hình hiện nay”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê nhận định.

Vẫn theo ông Nguyễn Bích Lâm, độ mở của nền kinh tế rất lớn, trong khi nhiều nước đang “đóng cửa”, ảnh hưởng lớn cả đến đầu vào và đầu ra của hàng hóa Việt Nam. Ông Lâm thẳng thắn: “Quan điểm của chúng tôi là khi dịch xảy ra trên toàn thế giới, nếu GDP của ta tăng trưởng trên 5% đã là thành công”. Trả lời câu hỏi về sự cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định “không nhất thiết điều chỉnh mục tiêu chỉ để năm nào cũng đạt được mục tiêu” và cho biết thêm, các nhà kinh tế dự báo trong quý I này, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ chỉ tăng trưởng 0%, thậm chí cả quý II, quý III cũng có dự báo 0%, nếu không muốn nói là âm.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Tôi cho rằng bức tranh của quý I vẫn là tương đối khả quan, mặc dù đã có sự suy giảm so với thời kỳ trước. GDP quý tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều năm, nhưng thường thì GDP quý sau cao hơn so với quý trước, thành ra mức tăng trưởng này không đáng lo ngại lắm. Nhưng dự báo quý II sẽ khó khăn hơn nhiều và cả năm 2020, GDP có thể giảm rất sâu. Với tình hình hiện tại thì rất khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội quyết định”.

Vượt khó nhờ giảm tác động bất lợi

Quả thật, khi xét đến độ trễ của “hiệu ứng Covid-19” thì những khó khăn trong quý II và thậm chí cả nửa sau của năm 2020 là tất yếu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một số động lực khả dĩ trở thành “đòn bẩy” tăng trưởng.

Tăng giải ngân đầu tư công có thể là một đòn bẩy như thế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu giải ngân đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp trực tiếp cho GDP thêm 0,06%. Quan trọng hơn, giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ kéo các dòng vốn khác cùng “chảy” mạnh.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nói chung và năng suất lao động nói riêng cũng còn dư địa rất lớn. Hệ số ICOR (chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm một đồng tổng sản phẩm trong nước - PV) của Việt Nam hiện nay còn khá cao, tuy đang có xu hướng giảm (ICOR năm 2019 là 6,07; bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14; thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015). Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, hệ số ICOR chỉ cần giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Nếu ICOR giảm 1, thì GDP tăng 1,42%.

Đặc biệt, kinh tế số là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động. Đây là điều hiển nhiên, nhưng càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, khi mà dịch Covid-19 đã dẫn đến hàng loạt thay đổi trong lối sống của người dân, phương thức kinh doanh, hệ thống giao thông, phân phối hàng hóa. Không thể phủ nhận là Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin, nên đây là một mũi nhọn cần tiếp tục “mài giũa” và khai thác.

Điểm tựa tăng trưởng ảnh 1

Với những tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp dệt may cần tái cơ cấu lại sản xuất. Ảnh: Thu Hoài

Nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ hy vọng vào gói hỗ trợ kinh tế 285.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng cho rằng trong thời gian tới vẫn cần thêm “tiền tươi thóc thật”. Chính sách tiền tệ chỉ góp phần tháo gỡ một phần khó khăn nội tại cho nền kinh tế thôi. Cần lắm chính sách tài khóa thực hiện một cách mạnh mẽ, cụ thể là bơm tiền vào cho các doanh nghiệp (DN), bằng cách cho họ vay, thậm chí hỗ trợ về mặt tài chính. Có nhiều cơ chế để làm việc đó, chẳng hạn như thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ đó được bổ sung nguồn vốn, từ quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng để cho DN vay. Trường hợp DN phá sản không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh đó sẽ bồi thường cho các ngân hàng. Cùng với đó là các biện pháp miễn thuế, giảm thuế, giảm lệ phí…

Trong lĩnh vực xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II này sẽ có hơn 250 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm, hàng triệu lao động bị ngừng việc; nếu dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có 350-400 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu có nguy cơ bị ngừng việc.

Để hỗ trợ DN và người lao động, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tới đây, nhiều giải pháp mang tính lâu dài hơn cũng đang được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội xem xét. Với Chính phủ, đó là việc chỉ đạo các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống làm việc trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Các bộ, ngành sẽ nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật để có những đề xuất kịp thời trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phù hợp, có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, khi kết luận phiên họp thường kỳ tháng ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định sẽ ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống dịch; phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế cả trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng.