Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019

Để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững

Thông điệp các doanh nghiệp (DN) gửi tới Chính phủ được gửi gắm vào chủ đề của Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) năm nay. Đó là vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) phát biểu tại VBF giữa kỳ 2019. Ảnh: Đoàn Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) phát biểu tại VBF giữa kỳ 2019. Ảnh: Đoàn Bắc

Ghi nhận thay đổi tích cực

Kinh tế tăng trưởng tốt nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; chất lượng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện; cải cách hành chính có bước tiến. Tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm... là những đánh giá được công đồng DN gửi tới Chính phủ tại VBF giữa kỳ, diễn ra tại Hà Nội mới đây. Sự lạc quan còn đến từ triển vọng kinh doanh khi Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới.

Năm 2018 được gọi là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP hơn 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Số lượng DN tăng nhanh, đạt mức hơn 131 nghìn DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Cũng từ những kết quả này, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã tính tới con đường phía trước, khi quan hệ hai nước ghi dấu tròn 25 năm bình thường hóa quan hệ. “Giới đầu tư nước ngoài và cả Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn, nhất là khi nhiều DN đang quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất từ một nước duy nhất và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng cơ hội này”, đại diện Amcham nhấn mạnh.

Lo ngại về tốc độ tăng trưởng

Triển vọng như vậy, nhưng khi nhìn vào nhóm 10 kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi đến VBF giữa kỳ 2019, có thể thấy, để DN thực hiện được mong muốn phát triển nhanh và bền vững còn rất nhiều việc phải làm. Các kiến nghị đó là đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN; cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội; cần có giải pháp phù hợp đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ; cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến DN; tạo thuận lợi hơn cho các DN trong tiếp cận vốn; bảo đảm tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh...

Ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đã nhắc đến mong muốn về việc tăng khả năng dự đoán được sự thay đổi của pháp luật. “Việc pháp luật thay đổi nhanh, khó dự đoán khiến chi phí hoạt động của DN tăng lên, cũng như cần hạn chế những quy định thay đổi nhưng khung thời gian thực thi không phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, làm tăng chi phí của DN”, ông Miura khuyến nghị.

Hiệp hội DN Hàn Quốc cũng gửi tới ý kiến về việc một số DN nước này chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được cấp phép trước ngày 1-1-2015. Chúng ta đều đã có cơ sở pháp lý rõ ràng tại các văn bản luật, nghị định (như Luật số 71/2014/QH13, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP), nhưng quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn có thời điểm chưa phù hợp, chưa nhất quán, điều ấy có thể dẫn đến hiệu ứng tiêu cực với ngành công nghiệp hỗ trợ và tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam...

Sẵn sàng nắm bắt cơ hội mới

Thông tin Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết vào ngày 30-6 tới đây được các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài háo hức chờ đón. Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tin rằng, việc phê chuẩn EVFTA sẽ thông dòng thương mại, vốn giữa Việt Nam và thị trường EU.

Tuy nhiên, cơ hội khai thác các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đẳng cấp cao không dễ. Nhất là khi có những yêu cầu mang tính chuẩn mực cao, có thể làm thay đổi chiến lược, thậm chí cả mô hình kinh doanh của DN.

Thực tế, điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định thương mại thế hệ mới còn rất hạn chế. Cụ thể, có 63% số DN tư nhân không biết hoặc lần đầu nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA, tỷ lệ này lần lượt lên tới 71% và 77%.

Rất khó để các DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua.Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện các mô hình kinh doanh mới đang đặt giới đầu tư, kinh doanh trước cả cơ hội và thách thức.

Bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam đã nhắc tới các cơ hội đầu tư mới từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các nghiên cứu, phát triển phục vụ người tiêu dùng. “Trong xu thế này, cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài được mở rộng hơn. Nhưng DN cần có khung khổ pháp lý, hệ sinh thái chào đón đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần đặt nền móng cho nền kinh tế sáng tạo phát triển”, bà Virginia Foote khuyến nghị.

Phát biểu ý kiến tại VBF giữa kỳ 2019 sau khi lắng nghe ý kiến, khuyến nghị của các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung cải cách hành chính, thủ tục hành chính để giảm chi phí cho DN, người dân, tăng hiệu quả sản xuất, đầu tư. Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, không sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào đổi mới, sáng tạo.

Phát triển bền vững là mục tiêu và cũng là động lực cho phát triển. DN là chủ thể thực hiện mục tiêu này. Nếu DN tiên phong, chắc chắn DN sẽ là động lực cho phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế.