Đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, xây dựng thể chế thị trường hiện đại là một trong những trụ cột cốt lõi trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Điều ấy thể hiện rõ nét trong việc quyết tâm hoàn thiện hệ thống chính sách tạo nên môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh.

Danh mục  Điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài là chế tài để nhà đầu tư và cơ quan quản lý thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.          Ảnh: ĐỨC ANH
Danh mục  Điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài là chế tài để nhà đầu tư và cơ quan quản lý thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.          Ảnh: ĐỨC ANH

Chọn cách tiếp cận mới với nhà đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bộc lộ sự vui mừng khi ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khẳng định, ngày 27-12 tới, Danh mục Điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được công bố công khai. Đây cũng là thời điểm có hiệu lực của Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, là một trong những bước đi nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng thể chế thị trường hiện đại. Niềm vui từ phía doanh nghiệp, cũng chính là những thách thức cần phải vượt qua đối với các cơ quan quản lý trong quá trình thực thi. Bởi đây thực chất là một cách tiếp cận vấn đề mới, chuyển từ cách “chọn - cho”, nghĩa là cho làm gì thì ghi trong luật, không ghi thì đi hỏi xem có được làm không, sang “chọn - bỏ”, chỉ có luật pháp mới hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dẫu là thách thức, nhưng đã đến lúc không thể không thực thi, bởi đây là một cơ chế tạo nên sự minh bạch, đúng kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Song, cũng phải nói rằng, để chuyển đổi cách tiếp cận mới, cần giải quyết được một vướng mắc khá cơ bản là tại nhiều quốc gia, các hiệp định thương mại chưa áp dụng nguyên tắc “chọn - bỏ”, như WTO áp dụng nguyên tắc “chọn - cho”, nên việc phân loại, bóc tách để công bố được danh mục điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, giữa các cam kết và thực tế đang có một số khác biệt như ngành Việt Nam đang muốn khuyến khích đầu tư giai đoạn này nhưng lại bị hạn chế bởi các điều ước đã ký trước đó, việc thay đổi không hề dễ. Đó là chưa kể tên một số ngành, nghề có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài chưa thống nhất giữa quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế. Thêm vào đó, trong quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì hầu hết luật chuyên ngành đang áp dụng nguyên tắc “chọn - cho”, khác với hướng tiếp cận mới của Luật Đầu tư. Vậy nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với các bộ, ngành theo hướng, cái gì minh bạch được ngay sẽ công khai trước, cái gì chưa rõ thì sẽ cập nhật sau. Như vậy, sau ngày 27-12 tới, khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực chính thức, các cơ quan đăng ký đầu tư sẽ dựa trên danh sách này để tiến hành các thủ tục cấp đăng ký chứng nhận đầu tư mà không cần phải xin ý kiến các bộ, ngành như hiện tại. Nói một cách ngắn gọn, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, hệ thống quản lý nhà nước đã tiến hành một cuộc cải cách lớn từ xây dựng cơ chế, khuôn khổ luật pháp cho đến thái độ của đội ngũ thực thi luật pháp.

“Đây là chế tài để nhà đầu tư cũng như cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh chủ động thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Sẽ không dễ thực hiện được ngay, nhưng Việt Nam kiên định xây dựng nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật thì sẽ phải tuân thủ nghiêm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn nói.

Mở rộng không gian cho doanh nghiệp trong nước

Câu chuyện về hoàn thiện môi trường đầu tư nói trên là một trong số những nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường cải cách, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Cùng với việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tiếp tục phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính công của bộ máy nhà nước, tất cả sẽ tạo nên những yếu tố nền tảng xây dựng thể chế thị trường hiện đại.

Theo hướng tiếp cận đó, bên cạnh việc kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút luồng vốn nước ngoài, công cuộc phát triển kinh tế còn cần đến những giải pháp nhằm mở rộng hơn nữa không gian cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Hiện nay, trong bức tranh chung về đóng góp của doanh nghiệp vào tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp tư nhân đang tụt lại sau cùng, đó là điều đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chỉ có thể phát triển được khi mà nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ. Nghĩa là phải tạo được thể chế có được luật chơi rõ ràng, để người chơi có quyền tiếp cận tương đối công bằng với các cơ hội kinh tế trên một sân chơi bình đẳng.

Việt Nam đang đứng ở top phía dưới về chỉ số mức độ thị trường trong khu vực ASEAN. Khi tham gia vào thị trường chung AEC, chúng ta đặt mục tiêu vươn lên top đầu của khu vực. Muốn vậy, Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để tiến tới nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh, nhà nước đứng ở đúng vai trò, không làm thay thị trường, để thị trường là yếu tố quyết định phân bố nguồn lực trong nền kinh tế… Rõ ràng, áp lực cần phải đổi mới, cần phải nâng cao năng lực hội nhập ngày càng gia tăng. Hiện nay, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều đã nhận thức rõ hơn. Việc còn lại chính là quyết tâm thực thi.