Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập

Một điểm trùng hợp thú vị: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều vượt qua những thời điểm khó khăn cuối cùng khi Việt Nam đang đảm trách cương vị nước chủ nhà của những sự kiện lớn (với CPTPP là chủ nhà APEC năm 2017, còn với RCEP là năm Chủ tịch ASEAN 2020). Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi: RCEP có thể bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là ưu tiên quan trọng đối với các nước khu vực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Lễ ký RCEP diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên. Ảnh: KIM DUNG
Lễ ký RCEP diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên. Ảnh: KIM DUNG

Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Sức sống của RCEP sau một thời gian dài đàm phán ít nhiều khẳng định ý nghĩa kinh tế trực tiếp của Hiệp định. Phát biểu tại buổi lễ ký kết RCEP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Sau tám năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành việc đàm phán với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn và tốt đẹp. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định này sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.  

Một điểm quan trọng nữa, trong bối cảnh thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Thêm nữa, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Theo một số nghiên cứu độc lập, thí dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước. Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây, chúng ta cùng một số nước ASEAN đang trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Cuối cùng, ý nghĩa quan trọng nhất: Việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực, do RCEP là liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn nhất mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt cho đến nay.

Cơ hội mới, bước tiến mới cho Việt Nam

Đánh giá của WB năm 2018 cho thấy trong trường hợp năng suất tăng bình thường, RCEP có thể làm GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 0,4% và 3,6% so trường hợp không có RCEP. Nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn: GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1% và 4,3% so trường hợp không có RCEP. 

Các nghiên cứu đánh giá tác động đều cho thấy lợi ích từ RCEP đối với Việt Nam dường như nhỏ hơn so CPTPP. Tuy nhiên, điều này bỏ qua một thực tế là ASEAN (và Việt Nam) đã có FTA riêng với các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Những con số trên đây chắc chắn sẽ được cập nhật trong thời gian tới. Dù vậy, “góp nhặt” những điểm phần trăm tăng trưởng có thêm từ RCEP vẫn sẽ thật sự có giá trị đối với Việt Nam trong quá trình phục hồi hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, RCEP có thể giúp củng cố mạng sản xuất gắn với các nước ASEAN và các đối tác. Cần lưu ý, năm trong mười đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến ngày 20-9-2020 là các thành viên RCEP, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Theo đó, các DN Việt Nam và các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm động lực để cải thiện liên kết với nhau. Quy mô lớn từ các công đoạn trong chuỗi giá trị RCEP cũng buộc các DN Việt Nam phải đổi mới chiến lược kinh doanh, gắn với hiểu biết sâu sắc hơn về cạnh tranh trong môi trường kinh doanh rất “châu Á”: Không chỉ liên quan tới cạnh tranh về giá và chất lượng, mà còn ở những khía cạnh khác như đúng thời điểm, lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thiết lập được kênh phân phối phù hợp, uy tín của doanh nghiệp, v.v. Cần lưu ý, những nội dung cam kết về thương mại điện tử của RCEP có thể tạo thêm cơ hội cho DN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số hậu Covid-19.

Ngay cả trước RCEP, DN Việt Nam cũng đã có thể tìm hiểu, cân nhắc yêu cầu và khả năng tận dụng một loạt các FTA khác với mức độ ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Dù chưa có nội dung toàn văn, có thể tin rằng RCEP sẽ bổ sung lựa chọn cho DN. Điều này cũng nhất quán với tư duy và cách tiếp cận cải cách của Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là hướng tới tạo dựng thêm không gian kinh tế và lựa chọn cho DN.  

Tham gia và thúc đẩy RCEP, tạo thêm cơ hội cho DN chỉ là một điều kiện cần. Tổ chức dồn dập các hội thảo phổ biến thông tin, tập huấn cho các cán bộ, công chức, và DN hay xây dựng các kế hoạch hành động là cần thiết, nhưng cũng không đủ. Sự tích cực và chủ động của các cơ quan Việt Nam trong những quá trình này là đáng ghi nhận, nhưng cần “kết dính” hơn nữa với nỗ lực gia tăng nhận thức, đồng thuận và tổ chức thực hiện của cộng đồng DN, để RCEP tiếp tục là một hình mẫu “từ ý tưởng tới thực hiện”.

16_1-1605862740945.jpg
 

BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH:

Thay đổi tư duy kinh doanh

Để tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA), ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp (DN) mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các FTA mang lại.

Các DN, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định RCEP và các FTA sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Mặt khác, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM WTO (VCCI) NGUYỄN THỊ THU TRANG:

Cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực 

RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân). Đây là những thị trường có nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Đối với Việt Nam, RCEP giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô-tô… 

Theo Bộ Công thương, năm 2019, nước ta nhập từ ASEAN trị giá 32,1 tỷ USD, năm 2020, dự kiến nhập 32,2 tỷ USD, nhập siêu lần lượt là 6,85 và 8,6 tỷ USD. Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của DN được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam. 

Với RCEP, DN Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

NGUYỄN ANH DƯƠNG

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, 

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)