Chào mừng Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng

Dân chủ, sáng tạo, nhiệt huyết đưa đất nước vươn lên tầm cao mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2 tại Hà Nội là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước hướng về Đại hội với niềm tin tưởng và kỳ vọng vào trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của 1.587 đại biểu dự đại hội, vì mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của nhân dân, thịnh vượng cho nước nhà.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: Chúng ta hãy khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”. Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật; ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Đại hội lần này mang chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, người đứng đầu Đảng và Nhà nước đề nghị, chúng ta cần thảo luận kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất cao và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, bảo đảm cho sự thành công của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, sáng 26-1, ông Nguyễn Minh Châu, cựu chiến binh quận Ba Đình (Hà Nội), xúc động nói: “Các cựu chiến binh chúng tôi và hẳn nhân dân cả nước đều rất tin tưởng, phấn khởi, hướng về Đảng, về đại hội Đảng. Chúng tôi thật sự tin tưởng vào thành công của đại hội, trên cơ sở từ những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua, đặc biệt là sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cả về đường hướng phát triển và nhân sự cho thời gian tới”. 

NHẤT trí cao với nội dung các dự thảo văn kiện, đại biểu Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, cho rằng, với những nội dung đã được trình bày trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng như tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đã thể hiện rõ nét khát vọng phát triển đất nước của Đảng và nhân dân ta. “Theo tôi, những nội dung trong dự thảo văn kiện lần này đã thể chế rõ ràng hơn việc xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững”, đại biểu Thọ chia sẻ.

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần về những nội dung trọng tâm của Đại hội, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh ba điểm kỳ vọng: Thứ nhất, mong Đại hội thông qua phương hướng, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, làm sao đường lối ấy phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, kết hợp thành công sức mạnh, xu thế thời đại; thứ hai, kỳ vọng các đại biểu với trách nhiệm của mình, bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương mang đầy đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, nhiệt huyết để xứng đáng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới; và kỳ vọng thứ ba, Đảng ta tiếp tục công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, trong đó, cần thường xuyên chú trọng, duy trì công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để Đảng tiếp tục củng cố niềm tin với nhân dân. 

Cùng với các đại biểu, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, những ngày này rất nhiều kiều bào ta ở nước ngoài, các tổ chức hữu nghị, các đoàn ngoại giao và các đảng cộng sản cầm quyền, đảng cầm quyền và các đảng ở nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi thư, điện chúc mừng Đại hội XIII của Đảng ta. Có được sự cổ vũ to lớn ấy, cộng hưởng tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, phát huy trí tuệ tập thể, bám sát phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, nhất định Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp, khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - như một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Đảng đề ra cho giai đoạn mới.

21-1611984822454.jpg
Các đại biểu tham quan Trưng bày bộ tem đặc biệt chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TUẤN LINH

Đại hội XIII của Đảng khai mạc trọng thể sáng 26-1 với sự tham dự của 191 đồng chí đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, 1.381 đại biểu được bầu từ đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương, 15 đại biểu thuộc các Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định - đại diện hơn 5 triệu đảng viên cả nước. Đây là kỳ Đại hội có số đại biểu đông nhất trong 13 kỳ đại hội Đảng toàn quốc; độ tuổi trung bình của đại biểu là hơn 52 tuổi, thành phần đại biểu dự đại hội có cơ cấu đa dạng, với 222 đại biểu nữ (chiếm gần 14%), 175 đại biểu là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 11%), đại biểu có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 67%, trong đó có 71 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư, gần 100% số đại biểu có trình độ cử nhân, cao cấp về lý luận chính trị.