Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ hai

Cùng lắng nghe, cùng hành động

Không khí đối thoại thẳng thắn từ Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với 300 đại biểu là nông dân cho thấy quyết tâm cao trong hành động để có được mối “liên kết sáu nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Nhấn mạnh đến quyết tâm, khát vọng vươn lên của người nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày nông sản. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày nông sản. Ảnh: Quang Hiếu

Thông tin tiếp cận thị trường vẫn… khó!

Một phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại Hội nghị đã chia sẻ chi tiết thú vị. Ðáp lại câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc, có những ai trong hội trường sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi tham gia thị trường, gần 300 nông dân trong khán phòng giơ tay. Ðiều ấy, khiến những người theo dõi lĩnh vực nông nghiệp lâu nay cảm thấy lạc quan về triển vọng mới cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng sự sẵn sàng của người nông dân lại không đi đôi với cơ hội trong việc tiếp cận thông tin. Mở đầu cho phần đối thoại, nông dân Trần Công Danh - ấp Thới Phước, xã Tân Thạch, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đặt vấn đề: Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu được tổ chức vào tháng 4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường… lên website và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp (DN) để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ “Ðề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”. Xin hỏi Thủ tướng: Vì sao Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa thực hiện? “Ðề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” kết quả triển khai như thế nào? Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm gì để hạn chế các chi phí trung gian, tăng thu nhập cho nông dân? Bởi đơn cử như người trồng lúa hiện tính chi li ra chỉ được lãi có 70.000 đồng/ngày, không thể sống nổi”.

Trả lời câu hỏi gai góc này, Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn đưa ra thông tin “Bộ NN&PTNT đã ứng dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học, hằng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường. Bộ đã xây dựng Ðề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I-2020 để triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ NN&PTNT”.

Tiếp tục làm rõ vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, sản lượng đạt rất lớn nhưng năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, chưa tổ chức sản xuất tốt, không có biện pháp điều hành mùa vụ tốt nên câu chuyện “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra. Tiếp nối vấn đề trên, cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, bảo đảm phát triển thị trường. Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cần đẩy mạnh để tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến được nâng cao cạnh tranh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của hàng hoá ngoại nhập. Chưa dừng lại ở đó, bản thân người nông dân cũng phải đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu.

Cùng lắng nghe, cùng hành động ảnh 1

Người nông dân cũng phải đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu sản xuất một cách hiệu quả. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Liên kết sáu nhà - sao vẫn khó?

Bám sát vào chủ đề “tháo gỡ vướng mắc trong liên kết sáu nhà” được đặt ra tại Hội nghị, nông dân Phan Văn Thế, ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đi thẳng vào thực trạng: “Thời gian qua, nông dân chúng tôi liên kết với các nhà còn khó lắm, nhất là với DN, nhà phân phối. Tôi muốn hỏi, đại diện các DN có mặt chia sẻ cho bà con nông dân biết làm thế nào để có thể tham gia liên kết bền vững, hiệu quả giữa nông dân với DN?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng có sáu văn bản chỉ đạo hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX). Trong năm 2019, cả nước đã có 2.500 HTX được thành lập mới. Chúng tôi đồng tình với bà con, con đường tái cơ cấu nông nghiệp phải đổi mới theo mô hình chuỗi giá trị, với vai trò của mình, chúng tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ tư vấn thành lập HTX ở địa bàn nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ điều hành, cán bộ kiểm soát, marketing,… Ðồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy định quỹ hỗ trợ HTX…

Cách thức hỏi nhanh- đáp gọn khiến cho không khí đối thoại rất khẩn trương, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách nhất định khi mà câu hỏi nhiều khi rất cụ thể, trực diện, nhưng câu trả lời lại khá chung chung, mang tính định hướng. Dĩ nhiên, ở cương vị của các “tư lệnh ngành”, rất khó để đi vào giải đáp cụ thể, nhưng việc lắng nghe trực tiếp người nông dân có thể giúp cho các bộ trưởng có thêm dữ liệu trong thực hiện chức trách xây dựng chính sách.

Nhận định về Hội nghị đối thoại, chuyên gia nông nghiệp Ðặng Kim Sơn cho rằng, thông tin thị trường vẫn là nút thắt khó giải. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề đòi hỏi phải có sự “đồng tâm, đồng sức” từ cả phía người nông dân, lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội liên quan. Nghĩa là mối liên kết sáu nhà phải làm sao cho thiết thực hơn nữa, không chỉ ở khái niệm mà người nông dân nghe thì quen quen nhưng không biết thực tế ra thế nào? Vị chuyên gia đưa ra khuyến nghị, nên chăng cần có cơ chế để người nông dân chấm điểm cơ quan quản lý, như cách DN chấm điểm bộ, ngành trong chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ðó có lẽ là con đường thiết thực nhất để việc “lắng nghe” trở thành “hành động” một cách cụ thể.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên câu hỏi: “Nông dân phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh?”. Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi, đất nước cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ hạn chế sự phát triển nông nghiệp. “Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Ðã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có”, Thủ tướng khẳng định.