Coi trọng tính thực chất trong kê khai tài sản

LTS- Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã có bài phát biểu khai mạc. Đề cập nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách”. Nhân sự kiện quan trọng này, Báo Nhân Dân cuối tuần giới thiệu bài viết của tác giả Hà Hữu Đức về tính thực chất trong việc kê khai tài

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII lần này. Ảnh: Đăng Khoa
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII lần này. Ảnh: Đăng Khoa

Hiệu quả thấp, vì sao?

Trong suốt quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn nêu cao quyết tâm chính trị, đề ra chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, song cho đến nay, kết quả chưa được như mong đợi. Một trong những hạn chế dễ thấy ở đây là các quy định hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó có thẩm quyền, trách nhiệm từ khâu tổ chức thực hiện, hướng dẫn, quản lý bản kê khai tài sản đến kiểm tra, xác minh tài sản còn giao cho quá nhiều cơ quan, mà chưa quy định rõ cơ quan nào là đầu mối, chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Các nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch về tài sản, thu nhập cũng chưa rõ. Ngoài ra là thiếu biện pháp, hình thức xử lý tài sản, thu nhập trong trường hợp giải trình không đúng hoặc không hợp lý. Đã thế, nhận thức của một số đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập còn chưa đầy đủ về mục đích, tầm quan trọng. Công tác tuyên truyền còn chiếu lệ và một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo kịp thời dẫn đến hiệu quả công tác kê khai tài sản, thu nhập còn thấp. Cụ thể là: “việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế” (1).

Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, do chưa kiểm soát được bản kê khai tài sản, thu nhập nên công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản chưa góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vấn đề đặt ra là phải có hệ thống giải pháp, biện pháp, cơ chế, chế tài đồng bộ, khả thi, trong đó có việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.

Minh bạch và mở rộng công khai

Để việc minh bạch tài sản, thu nhập mà trọng tâm là kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản được thực chất hơn, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần thực hiện tốt một số việc sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trước hết là các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản gắn với kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với việc kê khai tài sản, coi kê khai tài sản là quyền lợi và nghĩa vụ của mình để thực hiện nghiêm túc, trung thực.

Hai là, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập; kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, quản lý bản kê khai tài sản; hạn chế chi tiêu tiền mặt,... theo hướng luật hóa theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và phù hợp với thực tiễn nước ta.

Trong khi chưa có bộ phận chuyên trách quản lý bản kê khai tài sản và việc tổng hợp, lưu giữ còn thủ công thì nên giảm bớt đối tượng phải kê khai, vì quy định hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ có phụ cấp trách nhiệm tương đương phó trưởng phòng cấp huyện trở lên và khi bổ nhiệm, đề bạt phải kê khai tài sản, thu nhập của bản thân, vợ/chồng, con chưa thành niên nên thực tế có hơn 1,2 triệu người thuộc diện kê khai tài sản, nhưng chỉ phát hiện gần 10 trường hợp kê khai không trung thực. Do đó, cần thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng phải mở rộng tài sản phải kê khai và công khai, phân nhóm mức độ công khai thông tin tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai nhằm kiểm soát tốt việc kê khai và kiểm tra, xác minh được nguồn gốc tài sản kê khai. Việc mở rộng tài sản phải kê khai của một số đối tượng là rất quan trọng, khắc phục được tình trạng một số cán bộ, đảng viên, công chức thường chuyển tài sản cho con cháu đứng tên. Thực tế, có những trường hợp còn đang là học sinh, sinh viên nhưng đã đứng tên đất đai, nhà cửa hàng chục tỷ đồng, xe ô-tô vài tỷ đồng, sổ tiết kiệm có giá trị cao,... nhưng lại chưa thuộc đối tượng phải kê khai. Trong khi đó, hầu như mọi người đều biết đó là tài sản của bố mẹ thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng lại không phải kê khai. Cho nên, cần mở rộng việc công khai bản kê khai tài sản của người thuộc diện kê khai trước cơ quan, đơn vị và nhất là khu dân cư nơi cư trú. Bởi nhân dân, mọi người ở khu dân cư, tổ dân phố là những người biết rõ nhất về sự thay đổi tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sống trên địa bàn.

Ba là, chuyển trọng tâm từ “xác minh bản kê khai” sang “kiểm soát việc kê khai tài sản” mà trọng tâm phải xác định được nguồn gốc tài sản là rất quan trọng. Thực tế ở các nước và ngay Trung Quốc là nước có kinh tế và chính trị gần tương đồng với nước ta, họ cũng chú trọng vào việc xác định nguồn gốc tài sản. Những người có tài sản lớn (dù là rất lớn), nhưng giải trình rõ được nguồn gốc tài sản đó là chính đáng, hợp pháp, cần phải khuyến khích và được bảo vệ để họ phát triển làm giàu hơn cho bản thân và đất nước. Nhưng nếu không giải trình rõ được nguồn gốc tài sản, thì phải kiên quyết xử lý nghiêm như tội tham nhũng và các tài sản không giải trình được nguồn gốc phải tịch thu vào công quỹ Nhà nước.

Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay là khá dễ so với một số nước. Bởi vì, qua cải cách ruộng đất năm 1956 đã xác định rõ tài sản của từng gia đình ở miền bắc và qua cải tạo công thương nghiệp năm 1976 đã xác định rõ tài sản của từng gia đình ở miền nam. Mặt khác, hầu hết những người thuộc diện phải kê khai tài sản, trước khi được đề bạt, bổ nhiệm đều đã có bản kê khai tài sản theo quy định.

Bốn là, các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kê khai và công khai tài sản, tập trung vào chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh những nội dung giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập kê khai lần đầu và tăng thêm hằng năm của các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản khi thấy cần thiết. Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội phải là người nêu gương sáng trong việc kê khai tài sản trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật để cán bộ, công chức cấp dưới thuộc diện phải kê khai thực hiện theo là bài học luôn có tính thời sự trong mọi thời đại.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, chú trọng vào các nội dung giải trình về nguồn gốc tài sản. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tích cực và chủ động thực hiện nghiêm túc Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10-1-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW, ngày 17-4-2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định này, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp cần có chương trình, kế hoạch thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ, nội dung mới được bổ sung trong Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là kiểm tra “Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và giám sát “Việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định”.

Sáu là, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của nhân dân và báo chí trong kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Việc nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Do vậy, cấp ủy phải có cơ chế, tạo mọi điều kiện để người dân biết và giám sát được bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phản ánh với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để có thông tin thẩm tra, xác minh tài sản. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích khen thưởng người phát hiện, phản ánh những trường hợp kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập không trung thực, nhưng kiên quyết nhắc nhở, xử lý những người lợi dụng dân chủ và quyền giám sát để vu cáo sai sự thật gây rối nội bộ hoặc nhằm hạ uy tín của những cán bộ, đảng viên, công chức tốt.

Thực hiện tốt một số vấn đề trên sẽ đưa việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản bảo đảm thực chất, có chất lượng, hiệu quả hơn và khi đó kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản sẽ là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.



(1)Trích Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.