Chuyện không chỉ của hôm qua

Ngày 12-2-2019 này là tròn 30 năm Báo Nhân Dân chủ nhật ra số đầu. Đã 30 năm đi qua, ngày đó, lớp chúng tôi mới tuổi 40, giờ đều đã là ông/bà lão, nói như “Thi thánh” Đỗ Phủ, đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng, kỷ niệm về Nhân Dân chủ nhật/ Nhân Dân cuối tuần trong những năm tháng ban đầu ấy vẫn tươi nguyên, như là chuyện mới hôm qua.

Tác giả đến với đồng bào vùng cao Yên Bái.
Tác giả đến với đồng bào vùng cao Yên Bái.

Thực ra, không phải đến cuối năm 1988, đầu 1989 việc chuẩn bị ra Báo Nhân Dân chủ nhật mới được bắt đầu. Nhìn xa hơn, ta thấy, ngay từ năm 1985, khi những tín hiệu đầu tiên của Đổi mới xuất hiện trong đời sống, thì những trí tuệ nhạy bén nhất của Báo, từ Tổng biên tập đến các bộ phận liên quan, đã cho ra mắt Đặc san Nhân Dân, như tập dượt cho một bước phát triển mới. Và đầu năm 1989 là lúc thời cơ đã chín, để Nhân Dân chủ nhật, tờ báo 16 trang, khổ 29 x 42 cm, ra đời. Ban đầu, báo ra vào chủ nhật. Nhưng đến ngày 3-2-1995, khi báo hằng ngày ra cả chủ nhật, thì báo đổi thành Nhân Dân cuối tuần.

Chuyện không chỉ của hôm qua ảnh 1


Ra hằng tuần, với những chức năng và nhiệm vụ riêng, nhưng không phải tuần báo một cách thuần túy, hay một đơn vị độc lập, vì nó còn nằm trong hệ thống ấn phẩm của Báo Nhân Dân. Xử lý hài hòa mối quan hệ này không chỉ là việc khó khi báo ra đời, mà ngay cả khi đã đi vào ổn định. Xét về nhiệm vụ chung, mỗi ấn phẩm đều được xác định rõ, nhưng đi sâu vào cụ thể, từ tính chất ấn phẩm, cấu trúc bài, nội dung thông tin, cách viết, cách trình bày, đến phân công hoạt động của phóng viên, thì vẫn còn không ít phân vân, vướng mắc. Thậm chí, khi hoạt động đã vào nền nếp, một số vấn đề vẫn được cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp hơn, như tăng cường chất văn hóa và tính giải trí trong ấn phẩm. Vì thế, nhiều cây bút quen thuộc của báo, khi viết cho Nhân Dân cuối tuần cũng “tự chỉnh” cho giọng điệu mềm mại hơn, lối thể hiện “tung tẩy” hơn.

Cũng cần biết thêm là, từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đời sống của cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo Nhân Dân, cũng như chung toàn xã hội, còn nhiều khó khăn, thu nhập còn eo hẹp. Ra thêm ấn phẩm này là một hình thức “sản xuất Kế hoạch 3”. Nghĩa là, cùng với đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, còn phải làm sao hạch toán có lãi, góp phần giải quyết vấn đề đời sống cho báo. Trong bối cảnh báo in đang gặp nhiều bất lợi về cạnh tranh hiện nay, câu chuyện này vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tuy nhiên, khó nhất vẫn là làm sao cho tờ báo hay, hấp dẫn, tin cậy. Muốn vậy, thu hút trí tuệ của xã hội là một trong những quan tâm hàng đầu. Trong nhiều năm gắn bó với Nhân Dân cuối tuần, tôi vẫn nguyên xúc động với những lần tiếp các văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu của đất nước trên nhiều lĩnh vực, cả ba miền bắc - trung - nam, như: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Khiêu, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Lân Dũng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Hoàng Minh Thảo, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Đình Ước, Trần Bảng, Đình Quang, Bảo Định Giang, Anh Đức, Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hải Ninh, Trần Đắc,… đến gửi bản thảo hoặc trao đổi những suy nghĩ tâm huyết về các vấn đề đang quan tâm. Các nhạc sĩ Trần Hoàn, Trần Nhơn lần nào mang bản nhạc đến xin đăng cũng đệm ghi-ta hát thử, khiến các ban khác rất ngạc nhiên. Trong báo, nhiều thế hệ phóng viên say mê, tận tụy với nghề cũng tăng thêm nguồn lực. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm với các phóng viên trẻ của ban như Song Hà, Quế Đình Nguyên, Phan Thanh Phong, Ngô Phương Thảo,… (Lớp phóng viên này hiện đã trưởng thành, nhiều người đã là cán bộ cấp cao, đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt của báo), khi được giao viết bài về các hoạt động văn hóa liên quan đến các sự kiện trọng đại như 990 năm Thăng Long - Hà Nội, 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, Đón giao thừa thiên niên kỷ 2000,… đã lăn lộn, bám sát sự kiện để nắm chắc vấn đề và khái quát ý tưởng. Có khi, để kịp đưa in, họ đã thức trắng đêm để nộp bài đúng hạn với chất lượng tốt nhất. Rồi những ngày làm báo Tết, mà Nhân Dân cuối tuần được giao là bộ phận thường trực, tuy vất vả nhưng cũng hết sức vui, ấm áp, nghĩa tình.

Từ đó, trên báo đã có những trang mục, bài vở được bạn đọc chú ý, như các phóng sự xã hội phản ánh kịp thời những vấn đề nóng; những ý kiến luận bàn đích đáng trên Diễn đàn chủ nhật/ Diễn đàn cuối tuần; một số chuyên mục nhỏ, tinh tế phát hiện những hiện tượng bất cập trong “làm ăn”, trong ứng xử văn hóa, dễ đọc và bổ ích. Việc đăng những truyện ngắn gọn, cấu tứ chắc, những bút ký giàu tính văn học vượt dung lượng thông thường của một số nhà văn tên tuổi, hút khách, hoặc có dạo, tác giả thơ được giới thiệu theo chùm, cũng được xem là lối mở có hiệu quả. Các bình luận quốc tế, văn nghệ, giáo dục, thể thao có sắc thái riêng được bạn đọc hoan nghênh. Uy tín của phóng viên, biên tập theo dõi chuyên ngành ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong đời sống và trong đồng nghiệp. Việc chồng chéo về nhiệm vụ của phóng viên, lĩnh vực theo dõi, cũng từng bước được khắc phục.

Tuy vậy, bao quát và xác định trọng tâm thông tin trong tuần để luận bàn một cách mới mẻ và thuyết phục vẫn là chuyện không đơn giản. Đôi khi, do phải đáp ứng yêu cầu thời gian, mà lúc đó công nghệ nạp dữ liệu, dàn trang, in ấn còn kém, nên có những thông tin và bình luận bị lạc hậu so với tình hình. Đấy là chưa kể, do những bốc đồng quá mức, có bài đi lệch chủ trương tuyên truyền chung, bị bạn đọc phản ứng hoặc cấp trên nhắc nhở.

Trên đây chỉ là vài điều nhớ lại về một thời đoạn ban đầu Nhân Dân cuối tuần đến cùng bạn đọc. Những chuyện ấy thường gắn với kỷ niệm riêng chung làm báo một thời, nhiều khi để lại cho lớp cầm bút chúng tôi bài học sâu sắc. Nhưng tôi cũng nghĩ, đó không chỉ là những chuyện của hôm qua, mà có thể gợi nghĩ ngay cả với hiện tại và mai này nữa.