Chính phủ điện tử, công chức và công dân 4.0

Nói là làm, những bước đi thận trọng nhưng rốt ráo, khẩn trương để hiện thực hóa Chính phủ điện tử đang được Chính phủ xúc tiến mạnh mẽ. Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về việc triển khai Chính phủ điện tử được tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử phải được đặt lên hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chính phủ điện tử. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chính phủ điện tử. Ảnh: TRẦN HẢI
Chính phủ điện tử, công chức và công dân 4.0 ảnh 1

Ứng dụng trực tuyến giúp tạo lập kênh tương tác để giải quyết kịp thời các kiến nghị phản ánh của người dân.

Những kỳ họp không giấy

Không phải đến tận bây giờ, mà ngay từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, coi đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên nhằm “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng”.

Bốn năm qua, những nỗ lực của toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương đã đạt được những thành tựu bước đầu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết: Đến nay, một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã được vận hành. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành nâng cấp, sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9-2019 và vận hành chính thức trong tháng 11-2019. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tuy chưa có con số định lượng của cả nước, nhưng tại TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng “kỳ họp không giấy” của HĐND thành phố vừa diễn ra tháng 7 này đã giúp tiết kiệm cho ngân sách được 110 triệu đồng tiền văn phòng phẩm, chưa kể rất nhiều công sức cán bộ, nhân viên. Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các kỳ họp trước, 35 nhân viên văn phòng thường phải “làm đêm làm ngày” chỉ để in ấn, sắp trang, chuẩn bị tài liệu gửi tới đại biểu (ĐB). Được biết, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị mở rộng áp dụng kỳ họp không giấy ở HĐND cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp nói trên, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm: Nhờ sử dụng thư mời và tài liệu điện tử nên năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được 21 tỷ đồng. Ứng dụng trực tuyến bắt đầu từ quận Bình Thạnh, đến nay đã có ở 20 quận, huyện, tạo lập được kênh tương tác tốt để ghi nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị phản ánh của người dân.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhìn chung, việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ. Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm, nhiều nơi mang tính hình thức. Đặc biệt, nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp.

Mấu chốt vẫn là yếu tố con người

Có thể nói, cũng giống như đô thị thông minh đòi hỏi những công dân thông minh, Chính phủ điện tử chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi được vận hành bởi những công chức và công dân 4.0.

Nhiều ĐB tham dự kỳ họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã bày tỏ ấn tượng tốt khi chứng kiến: Trong giờ giải lao cuộc họp, trong khi các ĐB khác ra ngoài để uống nước, trò chuyện, thì ĐB Thích Thiện Tánh vẫn ngồi lại hí hoáy với chiếc iPad để xem lại cẩn thận một số nội dung trước khi tiến hành biểu quyết. Với bảy nhiệm kỳ, gần 35 năm làm nhiệm vụ ĐB HĐND, là người cao tuổi nhất trong số các ĐB HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX (71 tuổi), mỗi khi cần biểu quyết hoặc tra cứu tài liệu, ông chỉ cần ra hiệu là có một kỹ thuật viên tới bên hỗ trợ. Nhưng, vị Hòa thượng cao tuổi cũng đang dần dần vượt qua được những “rào cản” kỹ thuật, ông vui vẻ chia sẻ: “Mỗi thời một khác, nhưng tôi cảm nhận hoạt động của HĐND thành phố Hồ Chí Minh ngày càng theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn”.

Khả năng làm quen với công nghệ mới để nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác dĩ nhiên mới chỉ là điều kiện cần. Yếu tố còn quan trọng hơn - Thông tin được các vị “công bộc” của dân xử lý như thế nào để có được kết quả hợp lý nhất, sớm nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp - mới là điều kiện đủ. Nói một cách hình ảnh, kể cả khi công nghệ thông tin có thể khiến cho các robot làm được gần như tất cả những gì con người làm, máy móc vẫn không thể “làm người”. Cùng với yêu cầu làm chủ công nghệ, một công chức tốt còn phải có thái độ thân thiện với người dân; trong quá trình làm việc không chỉ tận lực, mà còn phải tận tâm và tận tình nữa.

Và ngược lại, mỗi người dân cũng cần nhanh chóng tìm hiểu, thích ứng, tận dụng những lợi ích rõ ràng của Chính phủ điện tử. Đặc biệt, tâm lý thích giải quyết công việc bằng quan hệ thân hữu hoặc tặc lưỡi “bôi trơn” với suy nghĩ “cho nhanh được việc” là những “tàn dư” dứt khoát phải loại trừ.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử vẫn ở mức trung bình. Trong hai năm qua, Việt Nam mới chỉ tăng một bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng 6, một vị trí “khiêm tốn”.