Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Chất vấn trúng để hành động đúng

Ở tuần làm việc thứ ba, Quốc hội đã dành trọn vẹn ba ngày (từ ngày 4 đến 6-6) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, với việc hoàn thiện hơn cơ chế hỏi-đáp, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát tối cao. Tuy thế, điều cử tri trông đợi hơn cả là tính hiệu quả sau mỗi phiên chất vấn, thể hiện qua những hành động sau cam kết của các thành viên Chính phủ cũng như các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đác Nông chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TRUNG PHONG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đác Nông chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TRUNG PHONG

Hỏi nhanh, đáp gọn?

Được thử nghiệm ở vài kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) gần đây, phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã phát huy hiệu quả tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm này. Với giới hạn các ĐBQH chỉ hỏi trong đúng một phút, các thành viên Chính phủ trả lời, giải trình trong ba phút cho mỗi chất vấn - khiến cho các vấn đề đặt ra được xử lý tập trung hơn, đi thẳng vào trọng tâm nội dung cần giải quyết. Cùng với đó, phong cách điều hành linh hoạt của chủ tọa, kịp thời phân loại, lựa chọn những câu hỏi, ý kiến đã vừa bảo đảm về thời gian đồng thời xử lý được nhiều hơn vấn đề đặt ra.

Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp này, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đăng đàn, ngay lập tức hàng loạt những câu hỏi “hóc búa” liên quan đến ngành mà ông chịu trách nhiệm đứng đầu được nêu ra. Vấn đề chuyển đổi cách gọi từ “thu phí” sang “thu giá” tại các trạm BOT, vấn đề an toàn giao thông, tai nạn đường sắt, chất lượng nhiều công trình giao thông công cộng,… được các đại biểu đặt ra, chất vấn Bộ trưởng. Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về cách gọi trạm thu phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lập tức đề nghị, “việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy cứ trở về tên cũ là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi”.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng GTVT, là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với hàng loạt vấn đề nóng bỏng đang đặt ra. Từ vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước cho đến việc nạo vét lòng sông, khai thác khoáng sản,... Từ những bức xúc trong giải quyết việc làm cho người lao động, đến “giải cứu” nạn nhân xuất khẩu lao động, các chế độ đãi ngộ hợp lý, xứng đáng với những người có công, vấn đề bảo vệ trẻ em, v.v. Hàng loạt những bất cập, tồn tại trong ngành giáo dục: Đạo đức học đường xuống cấp, nhiều đề án đổi mới trước nguy cơ thất bại, Chương trình hay Sách giáo khoa mới còn ngổn ngang, chỗ chơi - chỗ học cho trẻ mầm non, thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức,…

“Hỏi ngắn, đáp gọn” là nhận xét của cả Chủ tọa kỳ họp, các ĐBQH và nhiều cử tri. Song, đôi lúc, các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn còn dài dòng, thiếu tập trung, chưa nhận thức rõ trách nhiệm cũng như chưa làm rõ giải pháp, hướng xử lý những tồn tại đại biểu nêu. Trên nghị trường, không ít lần Chủ tịch Quốc hội phải nêu lại câu hỏi hoặc nhắc về việc “hết giờ”.

Tranh luận để làm rõ hơn vấn đề

Suốt ba ngày diễn ra hoạt động chất vấn tại Nhà Quốc hội, thì trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn mạng xã hội cũng cho thấy cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến hoạt động ở nghị trường. Những vấn đề được tranh luận tại phòng họp Diên Hồng, cũng ngay lập tức được người dân, các chuyên gia thảo luận trên nhiều kênh thông tin khác nhau; để rồi không ít đại biểu đã nắm bắt và phản ánh ngược trở lại nghị trường ý kiến của cử tri.

Chất vấn về vấn đề an toàn giao thông, hơn một lần đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị: “Mời Bộ trưởng GTVT giờ giải lao ra ngã tư đếm số lượng xe vi phạm giao thông”. Vẫn biết đây là cách diễn đạt hóm hỉnh, song qua đó, cho thấy các đại biểu cũng như cử tri luôn mong mỏi những người có trách nhiệm cần sâu sát hơn với thực tế, để có những hành động kịp thời ứng phó với các tình huống thực tiễn.

Như thế, chất vấn cũng cần lắm những ý kiến thực tế, sát sườn vấn đề “quốc kế dân sinh”.

Lần đầu tiên đăng đàn ở vị trí “ghế nóng” thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu làm rõ thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu. Cũng như các phiên chất vấn trước, phiên chất vấn buổi chiều 6-6, ở phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần tranh luận nhằm làm rõ hơn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội tiếp tục được các đại biểu phát huy. Nhiều đại biểu đã bày tỏ hài lòng với sự sâu sát của Chính phủ, cũng như hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua; song vẫn còn băn khoăn ở một số việc cụ thể.

Trong ba ngày qua, mỗi ngày đã có hàng trăm lượt đại biểu tham gia chất vấn; đã có bốn Bộ trưởng, ba Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác trả lời chất vấn của các ĐBQH, làm rõ nhiều vấn đề dư luận quan tâm, đồng thời cam kết sớm có những hành động thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại.

Hướng tới tính chuyên nghiệp

Ít có hoạt động nào khác của Nhà nước lại nhận được sự quan tâm sâu sắc như các phiên chất vấn của Quốc hội. Vẫn biết, mong muốn của cử tri thì bao giờ cũng lớn hơn khả năng thực tế của nghị trường. Song, những phiên chất vấn gần đây (cả ở các kỳ họp của UBTV và Quốc hội) với nhiều nỗ lực đổi mới, đã cho thấy hoạt động này đang hướng dần tới tính chuyên nghiệp. Đó cũng là đòi hỏi của thực tiễn.

Theo các chuyên gia, về mặt khái niệm, chất vấn không chỉ là hỏi - đáp. Chất vấn là việc các ĐBQH yêu cầu các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước trả lời (chủ yếu là trước phiên họp toàn thể) về việc thi hành chính sách quốc gia, hay về một vấn đề hiện thời nào đó của quốc gia. Vì thế, hoạt động chất vấn chính là biểu hiện sinh động của hoạt động giám sát.

Với phiên chất vấn tại kỳ họp thứ năm này là phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Cử tri cũng đã có những đòi hỏi cao hơn ở các thành viên Chính phủ. Vì thế, không ít đại biểu và nhiều cử tri đã bày tỏ sự không hài lòng khi một số Bộ trưởng thay vì làm rõ trách nhiệm và hướng khắc phục, xử lý những tồn tại, bất cập, thì lại nói “mong nhân dân thông cảm” hoặc “cử tri cứ yên tâm”.

Tương tự, câu “tôi xin nhận trách nhiệm” có vẻ đang bị không ít người có trách nhiệm lạm dụng. Điều mà cử tri trông đợi là sau những thất bại, những sự cố trong quá trình thực thi chính sách (một số đề án đổi mới giáo dục - đào tạo không thành công, những dự án đầu tư nghìn tỷ bị thua lỗ, nạn xâm hại trẻ em gia tăng, các thảm họa môi trường,…) phải được khắc phục bằng biện pháp nào đó cụ thể, khả thi. Chứ không thể “nhận trách nhiệm” rồi để đấy.

Với ngổn ngang công việc để thực thi vai trò giám sát, hơn lúc nào hết, cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi, Quốc hội sớm tiếp tục có những phương án đổi mới khả thi. Theo đó, hoạt động chất vấn không chỉ đợi đến kỳ họp chính (nửa năm một lần) hay ở một số kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới diễn ra. Chất vấn và các hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tầm quốc gia cần được tổ chức thường xuyên hơn, bằng nhiều kênh khác nhau, tạo điều kiện để tiếng nói, ý nguyện của cử tri sớm đến với các ĐBQH. Cử tri cũng luôn mong mỏi, hoạt động chất vấn phải luôn được thực hiện và duy trì “độ nóng” cả ở ngoài nghị trường, lan tỏa đến từng đại biểu, mỗi cơ quan và những người giữ trọng trách.