Cảnh báo, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền

Quy định số 205-QÐ/Tw của Bộ Chính trị ban hành ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được dư luận đặc biệt quan tâm, hưởng ứng. Tin rằng, khi được hiện thực hóa, Quy định sẽ trao cơ hội cho những cán bộ tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, toàn tâm toàn ý cống hiến cho đất nước.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại một phiên xử án tham nhũng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại một phiên xử án tham nhũng.

Công tác cán bộ có nơi bị thao túng

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Ðảng triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Từ nhiệm kỳ trước, người lãnh đạo cao nhất của Ðảng đã yêu cầu ngành Tổ chức xây dựng Ðảng thảo luận cho rõ ràng, cho minh bạch, trả lời cho sòng phẳng, xem ai chạy, chạy ai? Bằng luật pháp, quy chế, quy định, kiểm tra, đôn đốc ráo riết khắc phục cho bằng được tình trạng này. Và trước hết là những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ, có riêng một mục về Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, nêu rõ mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Ý chí của Ðảng là vậy, nhưng trên thực tế thì quyền lực trong công tác cán bộ ở nhiều nơi chưa được kiểm soát, thậm chí bị thao túng; tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn còn nhức nhối. Chuyện như đùa từng đã xảy ra ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, nơi có 46 biên chế thì 44 người giữ chức vụ lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên là một thí dụ. Có thể liệt kê hàng loạt vụ bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ điều kiện tiêu chuẩn làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực bị phanh phui, lên án: Ðược “nâng đỡ không trong sáng”, một nhân viên lao động hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã trở thành công chức, rồi được bổ nhiệm phó trưởng phòng, trưởng phòng; đề nghị quy hoạch Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh; con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm đến Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư; Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng, bị buộc thôi các chức vụ về Ðảng và chính quyền ở Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nhưng lại được về làm công chức tại Bộ Công thương và thăng tiến đến chóng mặt, được luân chuyển, làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, quy hoạch Thứ trưởng,…

Những chuyện “biết rồi khổ lắm” ấy chỉ là số nhỏ giữa hàng loạt vụ lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ và chạy chức, chạy quyền, để nhiều cán bộ yếu kém leo lên vị trí lãnh đạo, quản lý, làm cho nhân dân lo ngại, cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực thật sự, bị thui chột ý chí, tâm huyết với công việc. Những cán bộ “dính chàm” trong các vụ việc nói trên có cả ở cấp tỉnh, cấp trung ương và ngay trong cơ quan tham mưu chiến lược về công tác cán bộ nhiệm kỳ trước dù đã bị xử lý kỷ luật, nhưng vẫn để lại hậu quả không nhỏ, đó là niềm tin của nhân dân bị giảm sút.

Ðể tham vọng quyền lực “hết cửa”

Cắt nghĩa tình trạng nêu trên không khó. Các văn bản, quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc cán bộ không thiếu, nhưng vì lợi ích nhóm, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bè phái mà nó bị xem nhẹ, bóp méo, thậm chí là bỏ qua. Không ít trường hợp mượn danh nghĩa tập thể cấp ủy, lãnh đạo để áp đặt ý đồ cá nhân; không ít vụ bổ nhiệm cán bộ được vẽ đúng quy trình, nhưng đó chỉ là quy trình ảo che đậy tham vọng của một người. Ðáng tiếc là hầu hết các vụ vi phạm trong công tác cán bộ đều liên quan người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, hoặc làm công tác tham mưu, những người có vai trò rất quan trọng, có trách nhiệm rất lớn được Ðảng tin tưởng giao phó. Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ được tôn trọng, mỗi khi làm nhân sự đều công khai, minh bạch, rõ ràng trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo, trong cơ quan, đơn vị; chế độ tự phê bình và phê bình thực hiện nghiêm minh thì việc lợi dụng quyền lực khó có thể xảy ra; nếu những người làm công tác cán bộ liêm chính, công tâm thì ai muốn chạy cũng không có “cửa” mà chạy.

Như vậy là các quy định, văn bản của Ðảng để ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ có nhiều, nhưng rõ ràng chưa đủ, việc thực hiện chưa đồng bộ, chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa sai phạm. Vì thế, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 là việc làm cấp bách với các biện pháp cụ thể hơn, tinh thần quyết liệt hơn đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ðó là ý chí của Ðảng; là mong muốn, kỳ vọng của nhân dân, đòi hỏi những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan làm công tác cán bộ và những cán bộ tham mưu trong công tác này hơn bao giờ hết thấy rõ trách nhiệm của mình trước Ðảng, trước dân trong thực hiện Quy định nói trên. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không chỉ lên án hành vi chạy chức, chạy quyền của người khác mà cần ngăn ngừa nó với ngay chính bản thân mình. Từ đó, dần dần hình thành hệ thống quy tắc về đạo đức, văn hóa, góp phần kiểm soát để quyền lực trong công tác cán bộ thực hiện đúng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, đạo đức xã hội với sự tự nguyện của cán bộ, đảng viên và mỗi người.

Cùng với xây dựng ý thức chống chạy chức, chạy quyền, để quyền lực trong công tác cán bộ được kiểm soát chặt chẽ cần gắn việc thực hiện Quy định 205 với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình; có cơ chế cụ thể để giám sát một cách chặt chẽ, thường xuyên công tác cán bộ; có chế tài đủ mạnh, nhằm xử lý nghiêm minh mọi sai phạm. Cụ thể như điều động, chuyển đổi vị trí công tác những người được phân công làm công tác nhân sự, hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi cần thiết. Không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan, như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp; chủ tịch ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn,… Ðồng thời xử lý nghiêm tình trạng chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho hành vi này như Quy định 205 đã nêu với từng đối tượng cụ thể, mức độ vi phạm cụ thể.

Quy định 205 được ban hành đúng dịp toàn Ðảng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII càng thêm ý nghĩa thiết thực, như lời răn đe những ai tham vọng quyền lực cũng không có cửa để chạy.