Cẩn trọng với nguy cơ thất thoát tài sản tham nhũng

Để làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến việc xử lý “tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý” - vấn đề đang được đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Báo Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với GS, TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN.

Cẩn trọng với nguy cơ thất thoát tài sản tham nhũng

- Thưa GS, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đến nay vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp sôi nổi. Trong đó, vấn đề xử lý “tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý” được coi là khá nhạy cảm, vì có thể vi phạm quyền tài sản vốn đã được Hiến định. Xin ông cho biết quan điểm về việc xác định thế nào là “giải trình hợp lý”?

Trước hết, tôi cần nhắc lại điều mà tôi đã phát biểu nhiều nơi và trên các diễn đàn khác nhau là chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì cuộc chiến chống tham nhũng không mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, tôi thấy khó hiểu vì sao lại đưa ra khái niệm “tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý” cũng như cách thức xử lý nó. Tại sao lại hợp pháp hóa khái niệm này? Tại sao lại làm khó cho việc thu hồi tài sản tham nhũng bằng việc tạo ra khái niệm này?

Tài sản, thu nhập không được giải trình, nếu nói đúng bản chất, thì có thể bao gồm một ngôi nhà được sở hữu thiếu căn cứ, một thửa đất mà người sử dụng không chứng minh được do đâu mình có, một tài khoản ngân hàng hàng chục tỷ mà không rõ đến từ nguồn nào? Rất nhiều loại tài sản, thu nhập khác đều có thể rơi vào khái niệm này. Với một khái niệm vô định như vậy về tài sản thì làm sao lại có thể luật hóa nó để làm tiêu chí pháp lý cho việc xử lý tài sản! Hơn nữa, thế nào là “giải trình hợp lý”? Quá mù mờ và rất dễ lạm dụng. Với tiêu chí này, trong tương lai chúng ta sẽ đối mặt với một loại vi phạm mới: Áp dụng sai căn cứ “chưa được giải trình hợp lý” làm thất thoát tài sản tham nhũng cần được thu hồi.

Xét ở tiêu chí được pháp luật bảo vệ thì tài sản theo pháp luật hiện hành chỉ rơi vào hai trường hợp: hoặc là tài sản hợp pháp, tức là việc sở hữu hoặc chiếm hữu có căn cứ pháp luật, được pháp luật bảo vệ; hoặc là tài sản bất hợp pháp, tức là tài sản sở hữu, chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không được pháp luật bảo vệ.

Tóm lại, tôi cho rằng tuyệt đối không nên tạo ra khái niệm luật định “Tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý”. - Các ý kiến đồng tình với quy định về vấn đề này cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam, nơi vẫn có truyền thống để lại tài sản cho con cháu, nơi mà việc mua bán trao tay bất động sản không có giấy tờ vẫn tồn tại và các giao dịch lên đến nhiều tỷ đồng tiến hành bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến thì vẫn có trường hợp “tình ngay lý gian”, thưa ông? - Theo tôi, không có thứ tài sản nào mà không thể giải trình. Bất cứ tài sản nào đều có nguồn gốc. Hoặc nó được tạo nên bởi sức lao động của cá nhân hay tổ chức, hoặc là mua được hoặc được tặng, được thừa kế. Truy đến cùng thì vẫn hoàn toàn có thể tìm được nguồn gốc và từ đó có thể xác định được tính hợp pháp hay bất hợp pháp của việc sở hữu tài sản đó.

Với việc chống tham nhũng, khi bị phát hiện có khối tài sản quá bất thường so với thu nhập chính thức thì người có tài sản phải chứng minh nguồn gốc. Nếu không chứng minh ngay được, thì cho anh thêm thời gian. Nếu hết thời gian đó mà vẫn không chứng minh được thì tài sản đó phải coi là tài sản bất minh, tài sản có được do tham nhũng, do rửa tiền, do cướp bóc, trộm cắp. Với lý do “do tham nhũng mà có” thì cơ quan phòng, chống tham nhũng xử lý theo Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự. Có người sợ vi Hiến khi xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý. Hiến pháp bảo vệ tài sản, thu nhập hợp pháp của cá nhân. Tài sản, thu nhập không giải trình được để chứng minh tính hợp pháp thì không được Hiến pháp bảo vệ.

Bên cạnh đó, cần nhớ rằng Việt Nam đang là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Chúng ta ký Công ước thì phải thực hiện nghiêm túc. Công ước không những không quy định “tài sản không thể giải trình hợp lý” mà còn nêu rất rõ hành vi che giấu, tiếp tục chiếm giữ tài sản (dù biết rằng tài sản đó có được là từ thực hiện bất kỳ tội phạm nào) là tội phạm. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép nhận dạng, truy nguyên, phong tỏa hoặc tạm giữ bất kỳ loại tài sản nào để thực hiện mục đích cuối cùng là tịch thu. - Như vậy, theo ông, nên xử lý thế nào với số tài sản, thu nhập được dự thảo Luật tạm gọi là “không được giải trình hợp lý”?

- Như đã nói, tôi cho rằng tuyệt đối không nên luật hóa khái niệm “tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý”. Vì thế, tôi không nghĩ đến phương thức xử lý.

- Nhiều ý kiến đề nghị đánh thuế đối với số tài sản, thu nhập này (trong khi Nhà nước chưa chứng minh được là do nguồn gốc phạm pháp). Ông nghĩ sao?

- Tôi biết sẽ có ý kiến ủng hộ, nhất là những người có thiên hướng về áp thuế tạo nguồn thu. Thuế suất, đối tượng chịu thuế là do Quốc hội quy định trong các luật thuế cụ thể. Liệu Quốc hội có nên ra Luật Thuế về tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý không? Nếu không ban hành luật như vậy thì việc đánh thuế tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý sẽ căn cứ vào luật thuế nào? Tôi e là nếu cho nộp thuế tài sản “không được giải trình hợp lý” và thực hiện việc hợp pháp hóa về sau thì không thể chống tham nhũng hiệu quả và triệt để. Thuế suất, đối tượng chịu thuế là do Quốc hội quy định trong các luật thuế cụ thể. Dĩ nhiên, nếu muốn thì vẫn có thể luật hóa việc áp thuế đối với tài sản này, song ban hành một luật như vậy thì quả là không nên, tuyệt đối không nên.

- Xin cảm ơn GS!