Cải cách chế độ tiền lương, một mũi tên trúng nhiều đích

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp là hai vấn đề có sự gắn bó hữu cơ với nhau và nằm trong số những vấn đề quan trọng nhất được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII khai mạc ngày 7-5 vừa qua.

Việc cải cách chế độ tiền lương khu vực hành chính là một trong những bước đi đột phá trong công tác cán bộ. Trong ảnh: Cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Thanh Xuân (Hà Nội) hướng dẫn ng
Việc cải cách chế độ tiền lương khu vực hành chính là một trong những bước đi đột phá trong công tác cán bộ. Trong ảnh: Cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Thanh Xuân (Hà Nội) hướng dẫn ng

Ðã đến lúc cải cách cơ bản

Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7, khẳng định sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng lưu ý về tầm quan trọng của chính sách tiền lương nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sau khi điểm lại bốn lần cải cách chính sách tiền lương (vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003) và các kết luận, quyết đáp quan trọng của Ðảng qua các kỳ Ðại hội và Hội nghị cũng như những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương.

Bản Ðề án cải cách chính sách tiền lương lần này đã bám sát tinh thần đó. Với khu vực công, Ban chỉ đạo Ðề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương). Thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Như vậy, sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Ðối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), Ban chỉ đạo Ðề án đề xuất thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.

Ðối với khu vực DN, Ðề án nêu định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Doanh nghiệp (kể cả DN 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN.

Cần nói rõ rằng, bản Ðề án trình Trung ương lần này chỉ quy định nguyên tắc. Sau đó, trên cơ sở Nghị quyết T.Ư được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng các văn bản cụ thể để quy định bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng và cả cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương. Chẳng hạn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về hệ thống lương của Quốc hội và Tòa án, Viện Kiểm sát; Chính phủ ban hành hệ thống lương cho các cơ quan Chính phủ quản lý. Ở các cơ quan Ðảng, đoàn thể thì Ban Tổ chức Trung ương sẽ trình Ban Bí thư quy định.

Cải cách chế độ tiền lương, một mũi tên trúng nhiều đích ảnh 1

Ðề án cải cách chính sách tiền lương nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Ảnh: VĂN ÐIỆP (TTXVN)

Nguồn ở đâu?

Ðây là một câu hỏi chắc chắn sẽ được đặt ra tại Hội nghị Trung ương, bởi đã từng (và không chỉ một lần), lộ trình tăng lương phải điều chỉnh do không bố trí được nguồn. Cần nhìn nhận việc tạo nguồn tiền để tăng lương là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương vào thực tiễn đời sống với đúng ý nghĩa: tiền lương gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động. Hơn nữa, việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng thông qua cải cách chế độ tiền lương, còn có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ nhìn nhận, số lượng người hưởng lương từ ngân sách hiện quá đông, trong khi ngân sách thì eo hẹp. "Thật ra ngân sách tính theo số tuyệt đối là có tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta sẽ giảm dần chi thường xuyên xuống còn ở mức 64% đến năm 2020. Trên cơ sở mức chi thường xuyên (quỹ lương nằm trong mức chi thường xuyên), coi như là quỹ tiền lương đã được ấn định trong đó", ông Dũng nói.

Mặc dù vậy, vẫn theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), do tổng số đối tượng hưởng lương rất lớn nên Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành các Nghị quyết số 18 và 19, trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ phải thực hiện việc tinh giản biên chế. Cụ thể, đến năm 2021 giảm khu vực hành chính tối thiểu 10%, đơn vị sự nghiệp cũng 10%... Việc tinh giản biên chế phải đồng thời với đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước, nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công.

Ðề cập đến trường hợp quận Long Biên (Hà Nội) vừa rồi tiết kiệm chi thường xuyên được 1.000 tỷ đồng, muốn sử dụng để tăng lương cho cán bộ, công chức, nhưng bị vướng cơ chế, ông Dũng nhấn mạnh: "Quốc hội vừa qua đã cho phép TP Hồ Chí Minh được phép tự chủ một phần chi tiền lương. Từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, trong đề án lần này chúng tôi có đề xuất cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở các vùng động lực, nếu tự bảo đảm cân đối ngân sách, tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương thì được phép chi cao hơn để khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả làm việc". Kiên quyết giữ vững lộ trình thực hiện Nghị quyết 18, 19 cộng với quy mô tăng về quỹ chi thường xuyên, ông Dũng khẳng định sẽ có nguồn để cải cách tiền lương.

Cuối cùng cũng cần nói thêm rằng, cải cách tiền lương, tất nhiên, không thể giải quyết được tất cả các bức xúc xã hội. Chẳng hạn, chế độ lương hợp lý có thể góp phần phòng, chống tham nhũng, nhưng phòng, chống tham nhũng có thành công hay không còn phải gắn với việc nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp, song hành với các giải pháp quản lý cán bộ công chức.