Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh:

Bước ngoặt lịch sử từ một thung lũng nhỏ

50 năm trước, quân đội Mỹ đã chọn một địa điểm ở vùng núi phía tây Quảng Trị để thiết lập nên một cụm cứ điểm, nhằm bẻ gãy sức mạnh của quân chủ lực miền bắc và cắm một “cái gai” vào tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của quân ta. Từ một thung lũng nhỏ hẻo lánh, Khe Sanh đã trở thành một cái tên luôn được nhắc nhớ, dấu mốc mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng theo chiều hướng trái ngược hoàn toàn với những toan tính ban đầu của người Mỹ.

Bộ đội ta tiến công căn cứ Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. Ảnh tư liệu
Bộ đội ta tiến công căn cứ Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. Ảnh tư liệu

Những ký ức sống động với thời gian

Trong phòng khách ngôi nhà của Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, treo ở vị trí trang trọng là một khung ảnh to gắn nhiều bức hình, chủ yếu là đen trắng, có bức là ảnh kỷ niệm của chính ông, có bức chụp lại tư liệu những trận đánh tại nhiều địa danh nổi tiếng ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Chỉ vào một tấm hình mầu duy nhất, chụp lại bìa một tạp chí nước ngoài, ông bảo: Đồi Thịt băm đấy, A Bia, A Lưới đấy. Trong cuộc đời chinh chiến của mình, tôi từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường Bắc Quảng Trị, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, chiến dịch giải phóng quận lỵ Đắc Pét (Kon Tum) hay tham gia phòng ngự bảo vệ Thượng Đức (Quảng Nam)… Dẫu đã mấy chục năm im tiếng súng, nhưng ký ức về những tháng ngày ác liệt, hiểm nguy đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Nhìn vào từng tấm ảnh, tôi có thể hồi tưởng lại các trận đánh, về cả những đồng đội đã phải nằm lại mãi mãi…

Dòng hồi ức của người cựu binh từng một thời lẫy lừng trận mạc dắt tôi về những tháng ngày cuối năm 1967, đầu 1968. Khi đó, “tôi đang thuộc quân số của cơ quan tham mưu đoàn 8 Sông Lô, thuộc sư 325”. Từ Lệ Thủy, Quảng Bình, đơn vị của ông Hồ Hữu Lạn được giao nhiệm vụ hành quân vào miền tây Quảng Trị, và bắt đầu tiến hành trinh sát phía bắc cụm cứ điểm Tà Cơn. Ông cùng đồng đội đã nhiều lần tiếp cận vòng ngoài của cụm cứ điểm này, đo đếm, đánh dấu các hàng rào bảo vệ, phát hiện vị trí các cụm hỏa lực của địch.

- Tận mắt thấy hệ thống hỏa lực vượt trội hơn hẳn của địch ở Tà Cơn, bác và đồng đội có lo ngại không ạ?

- Lo chứ. Nhưng không sợ. Mà tìm hiểu kỹ để nghĩ cách đánh phù hợp thôi.

Những cơn sốt rét rừng trở thành nỗi ám ảnh lớn của những người lính. Đồng đội của ông Lạn nhiều người bị sốt rét quật ngã, có người nguy kịch. Nhưng cắt cơn sốt, họ lại lao vào thực hiện nhiệm vụ. Đến ngày 20-1-1968, đơn vị của ông được lệnh đi B dài vào Huế chiến đấu trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhưng cứ điểm Tà Cơn vẫn trở thành một dấu ấn không phai trong tâm trí ông, nơi sức mạnh quân sự của quân đội Mỹ được phô diễn và bị khuất phục.

Trực tiếp tham gia suốt cả chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 nhớ mãi những kỷ niệm về tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của chiến sĩ ta. Trong ký ức của ông, lưu dấu tổn thất to lớn của tiểu đoàn 2 và một phần cơ quan trung đoàn 9 sư đoàn 304, khi đội hình hành quân vào vây lấn tập đoàn cứ điểm Tà Cơn bị trúng bom rải thảm của máy bay B52. Gần 300 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị bị thương vong, nhiều trang bị vũ khí bị phá hủy. Đã có ý kiến cho rằng phải đưa tiểu đoàn 2 về phía sau để củng cố đội hình, nhưng chỉ huy trung đoàn đã quyết định chọn phương án củng cố đơn vị tại chỗ, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị, đặc biệt chú trọng động viên tinh thần bộ đội. Tiểu đoàn 2 đã tiếp tục vào chiến đấu và lập nhiều chiến công.

Khe Sanh là nơi bộ đội ta đã sáng tạo sử dụng nhiều hình thức chiến thuật độc đáo từng sử dụng thành công ở Điện Biên Phủ: vây lấn - tấn - dũi và vận động tiến công kết hợp chốt. Quá trình vây lấn khiến cho quân địch không thể phát huy hết thế mạnh vượt trội về trang bị, vũ khí, và từng bước thắt chặt thòng lọng quanh cụm cứ điểm, cắt đường tiếp viện, khiến quân địch bị dồn vào thế khốn cùng. Nhưng, những đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ đào hào vây lấn đã phải gánh chịu những tổn thất rất lớn. Theo hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, lúc đầu, đơn vị ông đào theo cách làm của đường hầm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng tiến độ chậm. Để bảo đảm kế hoạch tác chiến, đơn vị phải chuyển sang đào lộ thiên vào đêm tối. Dù đã sử dụng con cúi bằng bao cát để che chắn, nhưng mỗi đêm, để đào được 20-30 m hào, có đến 9-10 chiến sĩ bị thương vong. Cho đến khi hoàn thành kế hoạch đào hào vây lấn, bước vào giai đoạn tấn công, các đại đội của tiểu đoàn 3 chỉ còn quân số khoảng 50-60 người.

Chính tinh thần quả cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ là yếu tố quan trọng làm thay đổi cán cân lực lượng giữa ta và địch, biến Khe Sanh từ một cứ điểm thép, một “Điện Biên Phủ đảo ngược” trở thành nơi “phải trả giá đắt nhất bằng máu” trong lịch sử cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam.

Cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt

Lâu nay, Khe Sanh được biết đến trước hết như một đòn nghi binh chiến lược thành công để thu hút lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ, tạo điều kiện cho các đô thị miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trải qua hơn 170 ngày đêm tiến công, vây hãm, đánh lấn và đánh địch giải tỏa, quân ta đã thu hút và giam chân một lực lượng lớn tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam… Chính người Mỹ đã phải thừa nhận: “Khe Sanh là một mẫu mực về nghi binh tuyệt vời của Bộ chỉ huy Bắc Việt Nam”.

Bước ngoặt lịch sử từ một thung lũng nhỏ ảnh 1

Với Đại tá Hồ Hữu Lạn, mỗi tấm ảnh trong khung hình này lại gợi nhắc một kỷ niệm thời trận mạc.

Nhưng, thắng lợi mà chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mang lại đã vượt hơn yêu cầu của một đòn nghi binh chiến lược thuần túy. Theo phân tích của PGS, TS Trần Ngọc Long (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức một chiến dịch tiến công có quy mô lớn và dài ngày; bộ đội chủ lực thực hành chiến dịch hiệp đồng binh chủng đột phá tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc chủ yếu của quân Mỹ, trực tiếp đương đầu với lực lượng tinh nhuệ nhất của quân Mỹ như Sư đoàn lính thủy đánh bộ và Sư đoàn kỵ binh không vận. Với chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, quân và dân ta đã đập vỡ một mảng lớn mang tính quyết định của tuyến phòng thủ đường 9, giáng đòn chí mạng vào uy tín của quân đội Mỹ, làm cho phong trào phản chiến dâng cao trong chính giới và nhân dân Mỹ.

Căn cứ Khe Sanh là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử, được giới quân sự Mỹ coi là căn cứ quân sự có thế mạnh hơn Điện Biên Phủ do thực dân Pháp xây dựng trước đây, được kỳ vọng sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút quân Bắc Việt để Hoa Kỳ dùng ưu thế hỏa lực tiêu diệt trong một thế trận “Điện Biên Phủ đảo ngược”. Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, tướng W.Westmoreland từng tham vọng “thả mồi ngon”, lùa quân địch vào bẫy, “buộc tướng Giáp” phải đánh theo cung cách quy ước, vốn là sở trường của quân đội Mỹ. Đến khi chứng kiến bi kịch Khe Sanh, chính vị tướng này đã phải đề nghị Lầu năm góc cho sử dụng cả bom nguyên tử chiến thuật ở Khe Sanh, và yêu cầu Nhà trắng gửi bổ sung ngay 206 nghìn quân chiến đấu sang Việt Nam.

50 năm đã trôi qua. Với thời gian, tầm vóc của Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh cũng như những hy sinh to lớn mà quân và dân ta đã phải đánh đổi càng được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết. Sức mạnh dân tộc, trong những thời khắc gian nguy của lịch sử, đã được huy động, kết tinh để làm nên những chiến thắng phi thường. Tranh đấu ấy, máu đào đẫm đất ấy chính là để cho những ngày hòa bình tươi đẹp sẽ luôn được gìn giữ trên dải đất đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát này.

Bước ngoặt lịch sử từ một thung lũng nhỏ ảnh 2

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp):

Lực lượng xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 có một tiểu đoàn PT- 76 Tiểu đoàn 198. Lúc này tôi là Trưởng xe 555 thuộc Trung đội 3 Đại đội 3. Ngày 15 tháng 10 năm 1967, chúng tôi xuất phát từ Xuân Mai theo đường 6 qua dốc Cun vào các đường 12A, 12B, 15A, 15B, qua đèo Phu La Nhích sang đất Lào. Suốt chặng đường hơn 1.000 km, chúng tôi đã bảo đảm tập kết đúng thời gian, an toàn, bí mật. Giữa tháng 1 năm 1968, Đại đội xe tăng nhận được lệnh chiến đấu tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San. Đầu tháng 2 năm 1968, chúng tôi nhận lệnh đánh cao điểm 230 Làng Vây. Qua hai trận đánh này, tôi nhận thấy, xe tăng đã hiệp đồng binh chủng chặt chẽ với các đơn vị bạn, chi viện xung lực, hỏa lực cho bộ binh tiến công, dẫn dắt bộ binh xung phong, nhịp độ tiến công nhanh, giảm thương vong cho bộ binh, hiệu suất chiến đấu cao.

Những trải nghiệm chiến đấu trên những chiếc xe tăng lần đầu xung trận luôn theo tôi trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Với tôi, đó là những dấu ấn không bao giờ quên.