Báo chí và hai mặt của công nghệ

LTS - Nói về nghề báo trong thời đại bùng nổ công nghệ, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc câu chuyện được một “người trong cuộc” kể lại. Đây là người đã nhận ra, ngay cả khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm ra những sản phẩm báo chí đi nữa, thì báo chí không được phép trở thành những cỗ máy.

Cập nhật tin, bài của phóng viên thường trú trong và ngoài nước lên trang Báo Nhân Dân điện tử. Ảnh: MỸ HÀ
Cập nhật tin, bài của phóng viên thường trú trong và ngoài nước lên trang Báo Nhân Dân điện tử. Ảnh: MỸ HÀ

Công nghệ không có lỗi

Lượng truy cập cao bậc nhất trong đời làm báo của tôi đến từ một sự kiện kinh khủng: Vụ thảm sát Bình Phước, diễn ra vào cuối năm 2015. Và trong cơn say view (lượt xem), chúng tôi khá ấu trĩ khi đánh giá đó là một chiến thắng của “công nghệ”.

Chúng tôi làm việc với một CMS (Hệ thống quản trị nội dung) cho phép đưa tin tức lên rất nhanh, với đầy đủ các tag (thẻ) để phục vụ cho mục đích SEO (tối ưu hóa tìm kiếm, nôm na là bảo đảm tin tức của bạn sẽ xuất hiện ở trang đầu của thanh tìm kiếm Google), và các công cụ đi kèm để tùy biến chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, cùng một giao diện cho phép trình bày diễn biến sự kiện theo thời gian thực, tùy biến cả trên PC (máy tính) lẫn các thiết bị di động.

Chúng tôi đo đếm từ khóa bằng các công cụ của Google (nổi bật là Google Trends), dùng các ứng dụng phát hiện tin nóng (thậm chí lập tức có thông báo khi một tin mới xuất hiện), và trao đổi với nhau để phát triển dòng tin tức liên tục thông qua một chat group (trò chuyện nhóm) lập trên Skype. Một quy trình với đủ các thuật ngữ nghe rất phức tạp và giàu “tính công nghệ”.

Công việc đưa tin diễn ra rất suôn sẻ. Từ nhiều nguồn, lượng truy cập vọt lên khủng khiếp. Đối với một trang báo điện tử mới ra đời ba tháng, thì việc xuất hiện những tin bài có triệu lượt xem quả là một điều hiếm thấy. Chúng tôi tất nhiên không đi sâu vào các chi tiết phản cảm của tội ác, nhưng mật độ tin bài về vụ án đau lòng này đúng là không nhỏ.

Chỉ có một điều chúng tôi chưa nhận ra: Các tin tức đen tối đánh vào thị hiếu của độc giả, được sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ, có thể tạo ra lượng truy cập khổng lồ, nhưng không thể tạo nên những độc giả thực thụ. Sau khi vụ án qua đi, lượng truy cập lập tức trở về với giá trị nội tại của nó, chỉ bằng… 1/100 so với lúc sự việc nóng đỉnh điểm. Các vấn đề bắt đầu xuất hiện: CMS bắt đầu trục trặc, thường xuyên tắc nghẽn dù lượt truy cập là rất nhỏ; các bài viết tử tế hầu như không có người xem, vì dường như thuật toán của Facebook lẫn Google đã bỏ quên chúng tôi.

Lý do của sự tắc nghẽn trên rất đơn giản: Dữ liệu bị dồn ứ do các biên tập viên và phóng viên đã không sắp xếp nó một cách kỷ luật và khoa học. Nói đơn giản, họ đã bày bừa ra trong server (máy chủ) quá nhiều rác dữ liệu, vì chưa nhận thức một cách đầy đủ về vận dụng công nghệ.

Còn về thuật toán thì sao? Chúng tôi đã chạy theo dòng tin tức tiêu cực ấy quá sâu, vô tình “huấn luyện” cho những người đọc báo điện tử của mình thói quen chỉ vồ vập vào những sự kiện dạng đó (vốn xuất hiện một cách rất hy hữu). Những người quan tâm đến các dạng tin bài khác tích cực hơn đã bị vùi lấp trong cơn lốc của trend (xu hướng) tin tức. Và đấy có lẽ không phải vấn đề của riêng chúng tôi.

Báo điện tử, được sự trợ giúp của nền tảng công nghệ, đã giúp hàng vạn nhà báo đưa thông tin đến với độc giả nhanh như chớp, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra những thói quen tủn mủn và nông cạn. Chúng ta đưa tin tức lên, ưu tiên sự nhanh nhẹn mau mắn, chứ không phải tính đúng đắn, hay xác thực. Chúng ta quan tâm đến hậu quả và tội đồ, hơn là cái gì sâu xa hơn đã dẫn đến những điều đó. Chúng ta quan tâm đến lượng truy cập, chứ không phải độc giả. Chúng ta quan tâm đến đám đông, chứ không phải sự tỉnh táo luôn luôn là số ít.

Tất nhiên là trong quá trình ấy, công nghệ không có lỗi. Nó chỉ làm nhiệm vụ của mình. Thất bại nằm ở con người.

Con người mới là cốt lõi

Một phần ba lượng tin tức trên tờ Bloomberg (Mỹ) hiện được viết ra bởi Cyborg, một hệ thống sử dụng công nghệ AI. AP, một trong những tòa soạn đầu tiên dùng người máy viết tin, đã ký hợp đồng với công ty chuyên về phần mềm ngôn ngữ Automated Insights trong 5 năm qua. Kết quả là lượng tin bài của họ đã tăng từ 300 lên 3.700 mỗi quý. The Washington Post sử dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng phân phối tin bài theo vị trí địa lý của người đọc. Forbes dùng một phần mềm có thể cung cấp cho các phóng viên và biên tập viên bản thô và các mẫu câu chuyện để phát triển.

Khi làn sóng này trỗi dậy, người ta đã lo ngại rằng những người máy sẽ đẩy con người ra đường. Nhưng Lisa Gibbs, Giám đốc bộ phận phụ trách các đối tác tin tức của AP, cho thấy một góc nhìn khác: “Công việc báo chí là sáng tạo, là về sự tò mò, về cách kể chuyện, đào sâu và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của chính quyền, là tư duy phê phán, là sự đánh giá - đó mới là những điều chúng tôi cần các nhà báo tập trung vào”.

Khoảng hơn hai năm trở lại đây, báo chí Việt Nam bắt đầu triển khai một loại hình bài viết chuyên sâu trên báo điện tử có tên “long-form” (tạm dịch: trường luận). Đấy là sự kết hợp giữa nội dung gồm những lát cắt chuyên sâu vào một vấn đề và những minh họa đa phương tiện sinh động như nhạc nền, hình ảnh, video, đồ họa diễn đạt thông tin (infographic), tương tác (interactive), dòng sự kiện (timeline)… để đem đến trải nghiệm toàn diện cho độc giả. Một loạt những tờ báo như VnExpress, VietnamPlus, Zing, đã tô đậm tên tuổi của họ nhờ vào các sản phẩm trí tuệ tập thể (kết hợp giữa nhà báo, các thiết kế viên và kỹ thuật viên) như thế.

Nhưng đấy cũng gần như là nỗ lực công nghệ tăng trải nghiệm đọc duy nhất có độ phủ đáng kể của báo chí Việt Nam vài năm qua. Về cơ bản, lượng truy cập vẫn là “vua”. Các tờ báo chấm nhuận bút dựa trên lượt xem. Ở một số tòa soạn, thông tin truy cập thời gian thực (real time) được đo bằng công cụ của Google (Google Analytics) còn được chiếu lên màn hình lớn, như một kim chỉ nam hành động. Trong khi đó, long-form chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh lớn.

Công nghệ hỗ trợ những công đoạn mà máy có thể làm tốt hơn, để con người tập trung vào những thứ họ sẽ làm tốt hơn máy. Cho việc theo dõi tin nóng, Reuters dùng một ứng dụng có tên News Tracer. Phòng thí nghiệm tin tức của The New York Times đã lưu trữ và sắp xếp những dữ liệu khổng lồ để phục vụ việc so sánh và đối chiếu trong các bài báo có tính nghiên cứu. Tờ báo này cũng sử dụng AI để hỗ trợ cho 14 nhân viên phụ trách kiểm duyệt 11.000 bình luận mỗi ngày (tránh các từ ngữ thô tục, bạo lực). Để phát hiện và loại trừ tin giả, mạng xã hội Facebook cũng dùng AI khá hiệu quả. Big data, một thuật ngữ được coi là trung tâm của kỷ nguyên 4.0, cũng được sử dụng trong data journalism (báo chí dữ liệu), nhằm cung cấp cho độc giả trải nghiệm khách quan tối đa. Các tòa soạn không bày tỏ quan điểm, mà chỉ đưa ra những dữ liệu chọn lọc kỹ lưỡng, để độc giả tự rút ra kết luận.

Tất nhiên, chi phí cho những công nghệ kể trên là không hề nhỏ, nhưng vẫn được báo chí quốc tế sử dụng để nâng cao trải nghiệm đọc và chất lượng tin tức, chứ không phải ưu tiên về lượng truy cập. Đối với một tòa soạn ở Việt Nam, khoản đầu tư ấy lúc này dĩ nhiên là điều quá xa xỉ. Dẫu vậy, nhìn về phía trước, vẫn không thể bỏ qua câu hỏi: Cuối cùng, chúng ta sử dụng công nghệ để tối đa hóa lượt xem, hay là để thuyết phục thêm nhiều độc giả tin vào mình?