Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Bàn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hệ thống giáo dục Việt Nam

LTS - Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, vấn đề giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) rất được quan tâm. Nhân Dân cuối tuần trân trọng giới thiệu bài viết của GS, TSKH Đặng Ứng Vận (Trường đại học Hòa Bình) bàn về đổi mới giáo dục đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nguồn: Viện Tế bào gốc
Các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nguồn: Viện Tế bào gốc

Những hạn chế… 

Bước vào ngưỡng cửa của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (I4.0), không chỉ có những hạn chế chung như hệ thống giáo dục (GD) thế giới, GD Việt Nam còn có những hạn chế riêng khiến cho việc tiếp cận I4.0 của chúng ta càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Thứ nhất, dấu ấn của GD tương ứng giai đoạn I2.0 (E2.0) còn đậm nét trong GD Việt Nam, một nền GD phấn đấu theo yêu cầu của các dây chuyền sản xuất (DCSX). Cụ thể là: quá trình học tập được sắp đặt trước và theo thứ tự, chất lượng được kiểm tra thông qua các bài kiểm tra theo chuẩn được thực hiện ở mỗi cuối học kỳ, giáo viên được chuyên ngành hóa, sử dụng cùng một thang đánh giá cho các cơ sở GD và chương trình đào tạo và sự thiếu dân chủ rõ rệt trong nhà trường khi mà không ai có thể tự thiết kế con đường học tập của riêng mình (ngay cả hệ tín chỉ đang được triển khai ở bậc đại học vẫn còn mang tính hình thức). Thậm chí GD đại học Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết khi đối chiếu với các chuẩn mực của E2.0 như là sự kết nối giữa các trường đại học (ĐH) và các doanh nghiệp, việc đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh chưa được quan tâm; chưa tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người, đặc biệt là kỹ năng khai thác các nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng và sự yếu kém về tiếng Anh.

Thứ hai, Việt Nam không có những định hướng rõ nét có tính dẫn dắt cho học sinh hướng tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hoặc một tổ hợp khác định hướng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng những học sinh giỏi nhất thường lựa chọn các ngành ngoại thương, tài chính, ngân hàng..., thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.    

Thứ ba, chất lượng GD ĐH Việt Nam nói riêng là có vấn đề, xuất phát từ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và từ chủ trương cho mở quá nhiều trường ĐH. Khi mà các trường ĐH phải lo kiếm sống để tồn tại như một doanh nghiệp trong bối cảnh số lượng tuyển sinh ngày càng giảm và chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát đầu ra, phần lớn các trường ĐH tầm trung lúng túng trong việc giải quyết nghịch lý: một mặt bảo đảm không cung cấp “thứ phẩm” và “phế phẩm” cho xã hội và mặt khác sinh viên sẽ ngại vào các trường chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ học tập. 

Cần thay đổi cách tiếp cận

Để đáp ứng I4.0, trước hết, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận GD mà không phải vào nội dung chính yếu các môn học với năm đặc điểm sau:  

Thứ nhất, thay cho việc chỉ dạy chữ, chỉ truyền đạt kiến thức (giờ thì đã bổ sung thêm là kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề) nên dạy cách suy nghĩ và sáng tạo. 

Thứ hai, tài năng con người là đa dạng và ẩn chứa bên trong mỗi cá thể. Cần tạo tình huống cho tài năng bộc lộ. Xã hội rất cần nhiều tài năng khác nhau chứ không phải một vài khả năng đơn thuần nào đó như làm toán hoặc viết văn. Tâm điểm của thử thách này chính là xây dựng lại cách nhìn của chúng ta về năng lực và sự hiểu biết của người học.  

Thứ ba, tất cả học sinh đều được học trường tốt. Trồng người không phải là một quy trình công nghiệp (như gieo hạt bằng máy) được chuẩn hóa, tuyến tính và cứng nhắc. GD là một quá trình sinh lý và tâm lý học mà chúng ta không đoán trước được đặc tính sản phẩm đầu ra nên thầy, cô giáo phải biết cách hướng dẫn cho người học lựa chọn, điều chỉnh phù hợp từng cá thể, nuôi dưỡng được tâm hồn và lòng đam mê học tập. Vì thế, theo quan điểm cũ, trường tốt được dành cho những học sinh tốt nhất. Việc thi tuyển được dùng để bảo đảm rằng chỉ có các sinh viên trí tuệ tài năng nhất (theo chuẩn do người lớn đặt ra) được nhận vào các trường có uy tín. Quan điểm mới, khi tài năng bên trong của mọi trẻ em được bộc lộ, tất cả các trường sẽ trở thành trường học tốt. Đây mới là tư tưởng cốt lõi của nền GD mới.

Thứ tư, ai cũng được học hành và học suốt đời. Muốn vậy, cần bảo đảm cơ hội tiếp cận GD của các tầng lớp nhân dân ở các trình độ, phương thức và loại hình GD và đào tạo khác nhau. Mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Nhà nước mà còn từ xã hội và bản thân người đi học. Đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng một hệ thống GD theo hướng mở mà Nghị quyết 29 đã đề ra. 

Thứ năm, học để làm chủ đất nước và sánh vai cùng bè bạn năm châu.  Đây là tiền đề có tính mục tiêu nên để cuối chứ không phải vì nó kém quan trọng. Xin lưu tâm chữ “làm chủ”. Chúng ta phàn nàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, nhưng theo tôi, lỗi ở chính nhà trường ĐH chưa chú trọng GD khai phóng, chưa hướng dẫn cho sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu để đạt được các mục tiêu sống của mỗi người. Ý thứ hai trong mục tiêu là “sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Tư tưởng này của Bác Hồ cao hơn tư tưởng hội nhập hiện nay.    

Trong năm điểm đã nêu thì khó thực hiện nhất là làm sao cho các trường của Việt Nam đều là những trường tốt. Xây dựng một nhà trường hiện đại với năm yếu tố cốt lõi (SIGMA) là một giải pháp khả thi bao gồm: có một triết lý giáo dục thông minh (Smart education), thích ứng với công nghệ (Industry relevant), toàn cầu hóa (Global), giáo dục cho số đông và đa dạng (Mega) và cuối cùng yếu tố kết nối của bốn yếu tố trên là có người học tích cực (Active Learner). 

Trong nhà trường hiện đại người học không còn thụ động chỉ thích nghe và tiếp thu thụ động bài giảng trực tiếp của thầy, cô mà không muốn suy nghĩ nhiều hơn những điều thầy, cô truyền đạt trên lớp. Người học sẽ phát triển tính chủ động, có thiện chí tham gia vào các hoạt động trên lớp cũng như ở nhà do thầy, cô hướng dẫn, chủ động quan tâm đến việc tìm hiểu các căn nguyên của các vấn đề mà bài giảng chưa đề cập đến, tiến tới có khả năng học tập độc lập, tự phát hiện và có niềm đam mê hiểu biết và sáng tạo.