Người cựu binh Thành cổ và 4.000 dòng tên liệt sĩ

NDO - Khi được giới thiệu về cuốn sách "Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị" sắp ra mắt bạn đọc, trong đó có lưu danh 4.000 dòng tên các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại trận địa Thành cổ trong 81 ngày đêm máu lửa năm 1972, chúng tôi đã tìm gặp Ðại tá Trần Ngọc Long (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), người từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại Thành cổ và vừa qua đã tham gia tìm kiếm những dòng tên liệt sĩ trong cuốn sách này. Vào một buổi chiều khá lặng, những ký ức, nỗi đau như quyện vào nhau nghẹn buốt trong từng lời tâm sự của ông.

81 ngày đêm máu lửa

Nhập ngũ năm 18 tuổi, học Trường Sĩ quan Lục quân rồi tham gia khắp các chiến trường bắc - trung - nam, nhưng với Ðại tá Trần Ngọc Long thì trận Thành cổ 81 ngày đêm là khốc liệt nhất.

Vào tháng 7, tháng 8 năm 1972, lúc này tuyến phòng ngự giữ Thành cổ thật sự khó khăn cả về môi trường tác chiến lẫn lực lượng, phương tiện... Ta và địch ở thế giằng co giành nhau từng mét đất, ban ngày địch lấn vào, ban đêm ta tập kích đẩy địch ra, có lúc hai bên chỉ cách nhau năm đến bảy mét. Trong giọng kể bùi ngùi, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt, ông Long nhớ nguyên vẹn những đêm thức trắng nhận quân, họ là những chiến sĩ ngoài bắc trở vào với bầu nhiệt huyết sục sôi nhưng có người mới chỉ qua bên này sông Thạch Hãn, chưa kịp tham gia vào trận chiến nào thì đã hy sinh mà chưa kịp biết mình thuộc đơn vị nào.

Nhiều chiến sĩ phải tiến hành mai táng đến vài lần như liệt sĩ Khuất Bá Văn (Quốc Oai - Hà Tây cũ) đã bị một quả pháo khoan, khoan dọc toàn bộ cơ thể, khi ông cùng đồng đội vừa mai táng xong cho đồng đội, lại bị máy bay oanh tạc cày xới, rồi lại mai táng lần nữa.

Nỗi nhớ khôn nguôi

Ðại tá Trần Ngọc Long lặng người đi khi nhắc tới chiến sĩ Lang Sỹ Thủy (người dân tộc Thái ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Bị súng máy của địch bắn gãy cánh tay phải, được chuyển về Tỉnh đội Thanh Hóa an dưỡng và công tác nhưng khi vết thương chưa kịp lành, Long lại một mực xung phong vào chiến trường. Khi đó, không ai biết đơn vị anh đang chiến đấu ở đâu, người đồng đội này đã mượn chiếc xe đạp của chị gái, quyết đi tìm lại đơn vị chiến đấu của mình. Anh vượt qua hàng trăm cây số, vượt qua đạn pháo cùng sự phục kích của kẻ thù để rồi về được đơn vị, chiến đấu và anh dũng hy sinh. Suốt ba năm ròng rã đi tìm phần mộ của bạn rồi nối được liên lạc với gia đình liệt sĩ để đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà, ông Trần Ngọc Long đã cùng đồng đội là các cựu chiến binh gom được số tiền 21 triệu đồng và đầu năm 2010 đưa hài cốt liệt sĩ Thủy về quê hương. Ðây cũng là lần đầu tiên huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhận được hài cốt liệt sĩ từ chiến trường Quảng Trị trở về.

Cảm động trước hành động anh hùng của Lang Sỹ Thủy, Ðại tá Long còn lần cả theo địa chỉ mà anh từng gửi chiếc xe đạp để đi vào chiến trường và đã tìm ra được người giữ chiếc xe ấy. Hiện nay, chiếc xe đạp của liệt sĩ Lang Sỹ Thủy được lưu giữ tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Ông chia sẻ: "Không có gì lớn lao hơn sự hy sinh của các liệt sĩ cho nền độc lập của Tổ quốc. Họ là những anh hùng. Trong khi có những người sợ hãi "đằng sau quay", Lang Sỹ Thủy với cánh tay bị thương vẫn quyết trở lại chiến trường nơi đang diễn ra trận chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ".

Trong ngăn ký ức cuộn trào của ông về 81 ngày đêm máu lửa, còn có biết bao đồng đội anh dũng, kiên cường đã hiện diện bên ông bằng lòng quả cảm như Ðại đội trưởng Ðại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 Nguyễn Khắc Nghiên, sau này giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Ðảng, Ủy viên Thường vụ Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng  Quân đội Nhân dân Việt Nam hay đồng chí Lê Minh Vụ là chính trị viên đại đội sau này làm Trung tướng, PGS, Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân. Giờ đây, mỗi lần gặp lại nhau, họ đều rơi nước mắt khi nhớ về những đồng đội chiến đấu đã vĩnh viễn nằm lại trên trận địa ác liệt này.

Tìm lại dòng tên cho người đã mất

Có những gia đình liệt sĩ chỉ biết rằng cha anh họ thời chiến đấu thuộc biên chế ở Sư đoàn 320, họ đã vào tận chiến trường Tây Nguyên để tìm hài cốt nhưng khi gọi điện cho Ðại tá Long mới biết thân nhân mình hy sinh ngay trong lòng Thành cổ Quảng Trị như trường hợp của gia đình liệt sĩ Khuất Bá Văn. Liệt sĩ Khuất Bá Văn do ông trực tiếp mai táng và khi cùng gia đình vào tìm lại phần mộ thì cũng chỉ mang về được nắm đất bởi 40 năm rồi, biết bao mưa nắng đã xói mòn mà thời gian đằng đẵng...

Trở về với thời bình, Ðại tá Trần Ngọc Long đã quyết định đi tìm lại tên tuổi cho những đồng đội đã anh dũng chiến đấu hy sinh tại Thành cổ 81 ngày đêm. Ðã có không ít đêm ông lặng lẽ làm công việc một mình. "Tôi rơi nước mắt không phải vì sự vất vả trong việc mình làm mà thương anh em nằm lại nơi chiến trường, có người do sự khốc liệt của cuộc chiến đã không còn tuổi tên" - ông Long tâm sự. Thực tế cuộc chiến là như vậy, bởi mỗi lần nhận quân từ ngoài bắc vào để bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, nhiều đồng đội mới chỉ qua bên này sông Thạch Hãn, chưa kịp tham gia trận chiến nào thì đã hy sinh vì bom rơi, pháo kích của quân thù, anh em hy sinh có khi chưa kịp biết mình thuộc đơn vị nào. Với những trường hợp như thế, nếu đơn vị nào trợ lý quân lực còn thì danh sách liệt sĩ còn, đơn vị nào các đồng chí đã hy sinh, hoặc có người chưa hy sinh mà sức khỏe và trí nhớ suy giảm thì những tên tuổi liệt sĩ cũng không còn được ghi lại nữa.

Bắt tay vào làm công việc tìm lại tuổi tên cho người đã mất, ông đã đến gõ cửa từng cơ quan chức năng liên quan để xin giấy giới thiệu nhưng nhiều nơi nghi ngại bởi ông không đủ cơ sở pháp lý và tư cách pháp nhân. Là một người lính, từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, quyết là làm, Ðại tá Trần Ngọc Long đã khăn gói ba-lô trở lại chiến trường xưa, tìm gặp các cựu chiến binh Thành cổ, rồi tìm đến cả cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị. Ðồng đội chiến đấu với Ðại tá Long ở Thành cổ ngày ấy còn có Ðại tá Nguyễn Ðức Toàn, Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cũng rất nhiệt huyết và tạo mọi điều kiện cho ông.

Cũng từ đó Ðại tá Trần Ngọc Long tìm đến những xóm làng hẻo lánh, chống gậy đi không thiếu một nơi nào trên mảnh đất Quảng Trị nhiều khi cũng chỉ lờ mờ tìm ra được một vài dòng tên. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không quản đường sá xa xôi, nhất là mỗi khi trái gió trở trời viên đạn còn nằm trong người lại trở chứng hành hạ, ông Long vẫn đi từ Hà Nội vào Quảng Trị như cơm bữa, nhanh thì vài ngày, lâu thì nửa tháng. Khi tìm được dòng tên liệt sĩ rồi ông lại gọi điện về địa phương để thông báo, xác minh lại tên tuổi, có những lúc do sự thay đổi về địa giới hành chính của nhiều địa phương mà phải về tận nơi để làm cho chính xác.

Khi biên soạn những dòng tên đồng đội, nhiều đêm ông đã không thể cầm lòng được nếu có ai nhắc đến những người đã ngã xuống. Ông tâm sự, từ Khu 4 trở vào hầu như nói đến liệt sĩ thì các cơ quan, cá nhân đều tâm huyết, tận tình, có lẽ một phần bởi mảnh đất miền trung ấy đã chịu quá nhiều mất mát, đau thương. Ông từng chứng kiến có những gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh còn dỡ cả nhà để chống lầy cho xe băng qua. Có những gia đình liệt sĩ khi ông tìm về cũng không còn một ai sống sót. Mỗi dòng tên liệt sĩ là một ân tình, một thử thách cho những người còn sống.

* Trong Dự án xây dựng Di tích Thành cổ Quảng Trị đang được tiến hành, Ðại tá Trần Ngọc Long có đề xuất ý tưởng sẽ khắc tên các liệt sĩ vào từng viên gạch ở Thành cổ. Bởi, Thành cổ nói riêng và mảnh đất Quảng Trị nói chung, dưới từng tấc đất, từng mầm xanh, từng công trình đang xây dựng hôm nay đều thấm đẫm máu xương và tuổi thanh xuân của các chiến sĩ cho nền độc lập, tự do của dân tộc.