Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

"Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta"

Tròn 75 năm trước, ngày 16-8-1945, Ðại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tổng khởi nghĩa. Người kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải.
Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải.

Hưởng ứng lời hiệu triệu đó, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám long trời lở đất, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Tiếng sấm Tháng Tám nổ ra vào khoảng giữa thế kỷ 20, diễn ra trong vòng 15 ngày và đã giành thắng lợi vĩ đại. Từ đây chấm dứt hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến, hàng trăm năm thực dân đế quốc cướp đi của dân ta quyền sống, quyền làm người. Từ đây non sông ta là của chúng ta, cái búa trong tay người thợ, cái liềm trong tay người nông dân.

Từ trong máu lửa dân nước Nam "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi). Ðối với thế giới, như nhận xét của nhà sử học người Na Uy S.Tonnesson: "Cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945 ở Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và thực dân".

Cách mạng Tháng Tám không mang phép màu nào trong lòng nó. Ðây là cuộc cách mạng do Ðảng ta, một Ðảng tiên phong của giai cấp, của dân tộc, khi ấy mới 15 tuổi, với khoảng năm nghìn đảng viên dẫn đường. Ý lớn và chí lớn của Ðảng, của Bác Hồ đã gặp ý chí đoàn kết, sức mạnh vô địch của toàn dân, thắp lên ngọn lửa cháy bùng thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Không lâu sau đó, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông - Nam Á ra đời. Tuyên ngôn Ðộc lập như hịch truyền sông núi, vang vọng trên đất nước bên bờ sóng Biển Ðông, thức tỉnh các dân tộc đang bị áp bức trên toàn thế giới hãy vùng lên tự cứu mình.

"Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Ðó là lệnh nhưng là văn. Là kết tinh trong đó truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc. Là sức mạnh tinh thần vô giá của những con người hàng trăm năm bị giam cầm trong ngục tù của nô lệ, lầm than, đói nghèo. Là con đường sáng nâng con người đứng dậy, dẫn dắt họ bước vào cuộc chiến đấu, với sức mạnh và niềm tin, ý chí giống nòi. Ðể chiến thắng không phải chỉ hô vang những mệnh lệnh mà phải bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lý luận soi đường; về tư duy khoa học nắm thời cơ, tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ; về lực lượng đấu tranh ở mỗi địa phương và trong toàn quốc. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy bắt đầu ngay từ các cao trào cách mạng của Ðảng. Sự chuẩn bị trước "trận đánh lớn" bắt đầu từ những phong trào cách mạng dâng cao. Từ một quyết định sáng suốt, tài tình trong đêm 9-3-1945 của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Từ việc chuẩn bị thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ việc Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Và rồi vào ngày 16-8, Ðại hội Quốc dân họp dưới mái đình Hồng Thái, thông qua "Mười chính sách lớn của Việt Minh", thông qua "Lệnh tổng khởi nghĩa"…

Tất cả diễn ra vô cùng nhanh chóng. Mệnh lệnh được truyền đi. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy. "Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc/ Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng" (Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu). Mở đầu, khởi nghĩa thành công ở đồng bằng Bắc Bộ và một số nơi khác. Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 25-8, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ở một nơi rất xa, nơi "địa ngục trần gian" Côn Ðảo, Ðảng bộ nhà tù đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy, bọn chúa ngục và tay sai phải quỳ gối run sợ.

"Sức ta" là ở chỗ đó. Sức ta chính là sức dân như bão gầm, gió cuốn. Sức dân là tinh thần, là lực lượng, là vũ khí, là bệ phóng cho mọi chiến công. Lúc bấy giờ Mặt trận Việt Minh (được thành lập đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, 19-5-1941) chính là nơi tập hợp sức mạnh của lực lượng công nông to lớn, cùng với các lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Mười chính sách của Mặt trận Việt Minh gói gọn trong hai vấn đề cơ bản nhất: "một là ích Nước, hai là lợi Dân".

Người viết bài này có dịp hỏi chuyện Ðại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Nói về lòng dân, sức dân, Ðại tướng nhớ lại: "Nhờ tin tưởng ở nhân dân, tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng, Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở cách mạng ở cả nội thành và ngoại thành. Không chỉ có những thành phần ưu tú đâu, có những gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ. Nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến thấm nhuần lý tưởng cách mạng đã dấn thân hoạt động. Chính là nhờ có các cơ sở cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã đứng vững, từ đó bắt mối phát triển phong trào ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Không xây dựng được cơ sở, căn cứ lòng dân vững chắc thì cách mạng sẽ không thể thành công".

Nhớ đinh ninh để rồi kể lại cho hôm nay cho mai sau, phân tích thấu đáo về thời cơ cách mạng, về sức mạnh lòng dân, càng thấy rõ hơn những luận điệu sai trái, trắng trợn của các thế lực thù địch, của các phần tử cơ hội chính trị. Có những người xưng xưng nói rằng Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ vào sự "ăn may", nhờ có "khoảng chân không chính trị", chứ chẳng có "tài ba" nào hết. Không chỉ hạ thấp tầm vóc lịch sử, họ còn đòi xét lại, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, thời đại của Cách mạng Tháng Tám (!).

"Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta" ảnh 1
  Doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm đối tác, xuất khẩu nông sản chất lượng cao.

Ðã có nhiều bài viết khách quan, trung thực, tôn trọng lịch sử về vấn đề này. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: 75 năm đã trôi qua, giá trị to lớn và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hiển nhiên của lịch sử, không thể bác bỏ. Ðó là tiền đề để nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục giành chiến thắng Ðiện Biên Phủ (1954) và Ðại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thu non sông về một mối. Ðó còn là dấu mốc vĩ đại trong thế kỷ 20, là lửa thử vàng, bài học kinh nghiệm quý giá, niềm cảm hứng cách mạng to lớn để từ năm 1986 đất nước Việt Nam phất cờ Ðổi mới. Công cuộc Ðổi mới của chúng ta đã xác tín một điều: Cất cánh là rất quan trọng, nhưng để chiến thắng ngoạn mục thì phải giữ được sức bền trong suốt hành trình. Ấy là năng động, sáng tạo và kiên định vậy.

Mùa thu năm nay, các đảng bộ trong cả nước đang bước vào đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Ðiều tâm nguyện là làm sao tại diễn đàn quan trọng nhất trong đời sống chính trị - xã hội đất nước có sự gặp nhau cao nhất ý Ðảng - lòng Dân. Phải chăm lo xây dựng thế trận lòng dân một cách vững chắc. Có dân là có tất cả. Mất lòng dân là vận nước lâm nguy. Ðã bước sang thập niên thứ ba thế kỷ 21, đất nước ta, dân tộc ta đứng trước nhiều thời cơ và thách thức lớn. Một trong những thời cơ lớn là cánh cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã rộng mở. Ðã thấy vang lên từ diễn đàn đại hội Ðảng những ý kiến sâu sắc bàn về việc làm thế nào để tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng 4.0 đem lại. Làm thế nào để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế? Bước đi ra sao để thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước? Tầm nhìn đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Ðảng ta? Những dự báo chiến lược khi đất nước đón chào 100 năm Ngày nước Việt Nam mới ra đời - năm 2045?

Nhận đường đã khó, thực hiện những bước đi, những chặng đường, những công việc cụ thể càng khó khăn gấp bội. Năm 2020 này một "cơn bão" lớn đã tràn khắp các châu lục - "cơn bão" dịch Covid-19. Việt Nam đã khống chế, đã chiến thắng đại dịch ở trận đánh đầu tiên, cả thế giới khâm phục. Nhưng trận đánh thứ hai đã lại bắt đầu với những khó khăn gấp bội. Lý tưởng cách mạng bao giờ cũng đại diện cho tinh thần tiến công, cho những gì tiến bộ và tốt đẹp. Cách mạng là ngày hội lớn, nhưng không bao giờ là tấm thảm đỏ êm ái.

Cách mạng có khúc anh hùng ca và có cả bi ca, cần biết tiến, thoái đúng lúc, nhưng cuối cùng thì cái đích vẫn phải là chiến thắng! Chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, nhưng không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị. Các doanh nghiệp, công ty tổ chức sản xuất sao cho có năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng không để lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói giản dị rằng: Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba, cố gắng đến mức cao nhất. Như thế chính là tạo thời cơ, đón thời cơ, tìm thấy "cơ" trong "nguy".

Như thế chính là tiếp tục con đường Cách mạng Tháng Tám. Con đường ấy là con đường đoàn kết toàn dân, giữ yên lòng dân, khơi dậy sức dân. Khi ý Ðảng - lòng Dân hòa quyện thì không thử thách nào có thể cản bước đi lên của cả dân tộc.

HẢI ĐƯỜNG