Thơ Phạm Hồ Thu

Thơ Phạm Hồ Thu dù viết về bất cứ điều gì đều ăm ắp hoài niệm. Quá khứ đeo đẳng, không buông tha chị hay chị đang lấy thi ca để lưu giữ quá khứ, không cho nó lùi về phôi pha? Những câu thơ về tuổi hai mươi khoác ba-lô ra trận, về hương thơm của sen như lời tạm biệt mùa thu, về một Hà Thành cổ điển... nhoi nhói nỗi bâng khuâng, da diết có lúc đẹp như một giấc mơ, có lúc mang đầy những chiêm nghiệm, từng trải. Nhưng trên tất cả, đó là tiếng, là lời của một trái tim luôn luôn thiết tha sống, thiết tha yêu.
Thơ Phạm Hồ Thu

Nhà thơ Phạm Hồ Thu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên phóng viên Báo Nhân Dân, từng là phóng viên mặt trận trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Chị đã xuất bản ba tập thơ và trường ca; đã được trao tặng Giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam (tập thơ Quà tặng, 2001), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trường ca Chiến tranh trên gương mặt đàn bà, 2017).

Hà Thành cổ điển

Thơ Phạm Hồ Thu ảnh 1


Sao ta nhớ một Hà Thành cổ điển

Những mái ngói rêu phong tường đã sáo mòn trong bao lời nói cũ

Chiều nay đàn sâm cầm đập cánh

Mang hồn rêu phong trở về...

Thảng thốt tiếng leng keng tàu điện

Chở tuổi thơ ta trôi về chợ Bưởi

Trôi về Hà Đông xứ lụa

Rồi trả ta về Hà Nội phố

Hoa lá vương trong hồn

Những người đàn bà cổ điển hơn mọi mùa cổ điển

Chớp mắt dịu dàng đắm đuối

Tiếng “vâng” nhẹ như gió thoảng

Ai đã từng nghe mà không ngộ ra hạnh phúc

Suốt đời mang theo...

Dìu dặt đường chiều

Hương hoa sấu tháng ba, hương sữa nồng tháng tám

Dạ lan hương giấu mặt

Lan theo một tiếng thầm thì...

Sao ta nhớ một Hà Thành cổ điển

Người đàn ông ta yêu tận cùng chân thật

Anh tặng ta lời yêu thì thầm như dao chém đá

Không gì có thể đổi thay…

Anh có thể thổi vào ta khúc buồn lặng lẽ

Khúc lặng lẽ của rêu phong phố cổ

Vì thế mùa thu ta yêu mùa hè ta nhớ

Mướt mát tình yêu cái đẹp

Để ta mãi là người đàn bà cổ điển

Như giọt sương kia, như nỗi nhớ này...

Bình yên khao khát

Thơ Phạm Hồ Thu ảnh 2

Làm sao tìm lại bình yên

Tuổi thơ tôi những triền cát trắng

Vết chân trần chạy trên bờ sông buổi sớm

Bếp lửa mùa đông bà ngoại nhóm lên rồi

Cháy trong tiếng gà gọi bình minh

Làm sao tìm lại bình yên

Mỗi buổi sáng vườn quê chim hót

Lời tỏ tình nghe như mật rót

Như mơ hồ những cánh chim bay

Làm sao tìm lại bình yên

Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận

Âu yếm hôn dấu chân anh để lại

Khóc trên những dấu chân trần người chiến sĩ đi qua

Làm sao tìm lại bình yên

Lòng tin lắm những chân trời có thật

Vượt qua hết những lòng người phản trắc

Người ta yêu vẫn đợi ta về...

Làm sao tìm lại bình yên

Mẹ ngồi hát ru con không rơi nước mắt

Thương những cánh cò trong ca dao lận đận

Những con đò lỡ nhịp tình yêu


Em đã đi qua những năm tháng không yên

Em đã đi qua những ngày chiến trận…

Bỗng se thắt một bình yên khao khát

Thấy chăng nào - trong đôi mắt buồn anh.

Chiều Trương Chi

Thơ Phạm Hồ Thu ảnh 3

Có một mùa xuân Kinh Bắc

Tôi lạc về chiều sông Tương

Nào biết Trương Chi có đợi

Sao tôi lại thành Mỵ Nương

Dòng sông - vẫn một dòng sông

Người bảo: đấy dòng-nước-mắt

Vấp vào mùi hương thanh khiết

Người bảo: bạch đàn tỏa hương...

Mải theo hương ấy đi tìm

Vấp tiếng sáo ai réo rắt

Khi bóng chàng Trương đã khuất

Còn ai khóc ai - còn ai?

Ra sông tôi gọi: ơi đò

Đò không. Và người chẳng thấy

(Giá được một lần gặp lại)

Tôi gào trong gió: Trương ơi!

Sao tôi lại thành Mỵ Nương

Khi bóng chàng Trương đã khuất

Tự tình yêu là nước mắt

Tự tình yêu là khúc ca...

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC