Những cách tân trong thơ trẻ

Văn chương Việt Nam đương đại, một điểm mốc tạm tính trong khoảng 15 năm qua, có thể thấy sự ra đời của một thế hệ nhà thơ mới với tuổi đời trên dưới 30, gắn liền với sự dịch chuyển hệ hình của tư duy thơ từ hiện đại sang hậu hiện đại.

Những cách tân trong thơ trẻ

Nhiều cây bút đang cố gắng làm mới mình bằng những sáng tác nhiều suy nghiệm.

Thơ ca là thể loại luôn gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ làm thi ca thăng hoa và phát lộ. Từ 15 năm qua, hàng loạt cây bút phát triển lên từ những phong trào thơ học đường, câu lạc bộ viết trẻ, gia đình Áo trắng, thơ báo Hoa học trò, báo Sinh viên… như Đàm Huy Đông, Hoàng Anh Tú, Phạm Nguyên Tường, Bình Nguyên Trang, Đường Hải Yến, Nguyễn Vĩnh Tiến… ngày nay vẫn được xếp vào hàng thơ trẻ, dù hành trình thơ ca của họ hiện nay đã đi rất xa, rẽ theo những lối rất khác các thành tựu cũ.

Nhằm xác lập một căn cước thơ trẻ, tôi nghĩ cần đặt ra hai tiêu chí cơ bản nhằm định nghĩa khái niệm thơ trẻ. Thứ nhất, thơ trẻ phải là thơ do những người trẻ tuổi làm ra, và độ tuổi của họ chỉ được phép xấp xỉ tối đa trên dưới 30 tuổi. Trong một cái nhìn mang tính “lịch sử cụ thể”, những nhà thơ ngày nay đã “trưởng thành” nhưng từng là nhà thơ trẻ, mỗi lần trích dẫn, phê bình cần nói rõ những bài thơ này đã từng được làm khi nhà thơ đó còn trẻ. Thứ hai, thơ trẻ phải bao gồm một nội hàm về mặt “chất lượng thơ”, tức là phải bao hàm trong nó một sự cách tân tư duy thơ so với những thế hệ trước. Không phải ai trẻ tuổi làm thơ, thậm chí là nổi tiếng hay được thị trường sách mến mộ với hàng chục vạn bản sách vẫn có thể được xem là thơ trẻ. Trẻ tuổi phải bao hàm trong nó một “giá trị” có tính khai phóng, cách mạng hệ hình thơ, chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của tác giả. Nên xem tuổi trẻ như một động lực, điều kiện để đổi mới thi ca. Sứ mệnh của thơ trẻ hiện nay, ngoài những cách tân về mặt ngữ nghĩa hay nội dung phản ánh của thời đại, điều cốt lõi là phải cách tân hệ hình (paradigm) tư duy thơ. Bởi vì, mỗi thế hệ nhà thơ cần khẳng định vị trí lịch sử của mình trong lịch sử văn học bằng việc chuyển đổi thời đại văn học, mà hạt nhân tư tưởng là chuyển đổi hệ hình văn học. Theo nghĩa ấy, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, bộ phận thơ trẻ có nhiều đóng góp nhất là viết theo hướng cách tân hậu hiện đại (postmodern), dù hướng cách tân này không phải là duy nhất.

Đọc lại thơ trẻ đương đại ngày nay, có thể thấy những tác giả xem sự viết không còn mang đặc tính thiêng liêng, chức năng xã hội nghiêm túc kiểu “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” nữa, mà nhấn mạnh đó một trò chơi của ngôn ngữ. Cái hài, sự bông đùa, nghịch ngợm được lên ngôi. Đây có thể xem là đặc tính dễ nhận ra nhất của thơ trẻ được viết theo hệ hình hậu hiện đại. Nếu những thế hệ thơ trẻ thời Thơ mới cất giọng buồn, cô đơn: “hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh - một vì sao trơ trọi cuối trời xa” (Chế Lan Viên); “hôm nay trời nhẹ lên cao - tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu)… bởi quan điểm mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn, thì thế hệ thơ trẻ thời kháng chiến cất giọng hào sảng, sử thi “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu); “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc - Quân xanh màu lá dữ oai hùm - Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” (Quang Dũng)… bởi quan điểm mỹ học của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Thơ trẻ hiện nay cất giọng vui, bông đùa “lần đầu tiên đi xe ga - thấy rằng nó cũng khá là vu vi - lần cuối cùng đi xe gì - thế mà cũng hỏi hì hì - xe tang” (Nguyễn Thế Hoàng Linh); “Tự nhiên vợ gọi: Này anh! - Giọng quen quen. Vẫn giật mình! Mới đau! - Quay sang vợ. Mặt mày chau: - Em làm rớt mất một câu bát rồi” (Nguyễn Lãm Thắng). Sự chuyển giọng thơ một cách triệt để này có những cội nguồn sâu xa từ việc đổi mới quan điểm mỹ học theo hướng hậu hiện đại. Chúng ta thấy thơ viết theo hệ hình hiện đại của Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng có những nét rất gần với thơ hậu hiện đại, ở chỗ nhấn mạnh đến “đường chữ”, “bóng chữ”, tức lấy văn bản và ngôn ngữ làm trung tâm của thực hành sáng tạo thơ. Tuy nhiên, thơ hiện đại hầu hết không vui, không bông đùa, không dễ hiểu, không mang bản tính trò chơi, thậm chí nhiều khi còn tỏ ra hàn lâm, khó hiểu và thách thức những giới hạn của sự đọc.

Thơ trẻ ngày nay viết về những thứ tưởng chừng như rất bình thường, thậm chí tầm thường, vụn vặt của đời sống thường nhật, nhưng ẩn đằng sau nó là thân phận con người trong một quỹ đạo sống mới (thời bình), môi trường mới (môi trường mạng internet) và những quan hệ xã hội mới (quan hệ ảo trên mạng xã hội). Đằng sau đó là cả nền văn minh kĩ trị và thân phận con người cô đơn trong thế giới ảo mà thế hệ trẻ ngày nay từ khi sinh ra, lớn lên và viết đều phải gánh chịu cũng như thụ hưởng.

Nhụy Nguyên là một điển hình cách tân và có nhiều thành tựu. Thơ Nhụy Nguyên dưới ảnh hưởng của thơ thiền, bởi anh gần như là một cư sĩ, đã tích cực gạt bỏ cái tôi trong thơ đến vô ngã, ngôn ngữ cũng được đẽo gọt đến mức gần như không thể giản lược được thêm. Đọc tập thơ Khi người ta cúi mặt (Nxb Hội Nhà văn, 2011) của anh, thấy rất nhiều bài thơ được viết dưới mỹ học cực hạn. Tiêu biểu là bài thơ chỉ có hai câu ngắn, bao gồm 14 âm tiết, tựa đề cũng chỉ là một dấu chấm than (!): “đội mồ che những hồn oan - Mái hiên đời dột lệ tràn âm ty”. Những bài khác cũng không có dung lượng lớn hơn, chỉ hai hoặc ba câu thơ rất ngắn: “một ngày xác chữ lên ngôi - Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân” (Huyệt thơ); “Bao son phấn Tử Cấm Thành – hòa màu trinh nữ sơn mành cung phi” (Cung oán ngâm)…

Các khuynh hướng cách tân thơ (hậu hiện đại) hiện nay có thể chưa đủ màu sắc để có thể vẽ lên một cách trọn vẹn bức tranh thơ trẻ của Việt Nam đương đại. Nhưng rất có thể trong ngày mai, trước sự thử thách khắc nghiệt của thời gian sẽ làm phôi pha những chi tiết thừa, những màu sắc nhạt, bức tranh thi giới tương lai của đất nước sẽ được khắc họa, tô đậm bởi những những gì dự cảm, phôi thai, thể nghiệm hôm nay của những thi nhân trẻ nằm trong các khuynh hướng nói trên. Sự thất bại hay thành công của họ vẫn còn nằm ở phía trước, những thành tựu có thể là chưa có, nhưng chí ít họ đã bước đầu tạo ra một bước ngoặt tư duy thơ. Có thể nói, họ là những người mở đầu cho một hệ hình hậu hiện đại. Thành công sẽ phụ thuộc vào sự kiên nhẫn, tài năng cá nhân và cả những điều kiện khách quan bên ngoài của xã hội, chính sách văn nghệ.