Thị trường bất động sản

Tránh chạy theo tâm lý đám đông

Thông tin huyện Hoài Ðức được đầu tư, xây dựng thành một quận của Thủ đô vào năm 2020 đang làm cho thị trường bất động sản tại khu vực ven đô này "nóng" trở lại.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hoài Ðức là một thị trường bất động sản tiềm năng, bởi lợi thế gần nội đô, quy hoạch giao thông tương đối hoàn chỉnh. Theo Quyết định số 519/2016/QÐ-TTg về Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trên địa bàn Hoài Ðức sẽ có nhiều tuyến giao thông được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốc độ gia tăng dân số rất nhanh của huyện, đồng thời kết nối giữa khu đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh ở phía tây thành phố, đi qua huyện Hoài Ðức.

Các dự án giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trước năm 2020 có thể kể đến như dự án mở rộng quốc lộ (QL) 32 dài 40 km, rộng 35 m, kết nối đô thị vệ tinh Sơn Tây; dự án mở rộng tỉnh lộ 432, dài 18 km, rộng 21 m, kết nối với đô thị Quốc Oai; đường nối từ QL 32 ra Ðại lộ Thăng Long, dài 6 km, rộng 60 m; tuyến đường kết nối Phú Thượng - Thượng Cát - Liên Hồng - Ðức Thượng - An Khánh, dài 27 km, rộng 40 m; tuyến đường An Khánh - Tây Mỗ, dài 3 km, rộng 40 m. Ðáng chú ý là tuyến đường vành đai 3,5 được triển khai cuối năm 2017 kết nối khu vực phía bắc sông Hồng và nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Ðông, huyện Thanh Trì và Hoài Ðức..., tạo thành vành đai phía tây Thủ đô. Trong đó, đoạn tuyến từ Ðại lộ Thăng Long đến QL 32 dài 5,6 km, mặt cắt ngang 60 m, gồm sáu làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án này cùng với tuyến đường mới mở Trần Hữu Dực nối từ Khu đô thị Mỹ Ðình II vào khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) hoàn thành đầu năm 2017, đã đem đến những tín hiệu tích cực cho bất động sản nằm dọc QL 32, mặt đường lớn hoặc gần các khu đô thị mới như Vân Canh, Kim Chung Di Trạch, Westpoint nam đường 32, Tân Tây Ðô…

Ðất vùng ven đô Hà Nội được đánh giá là có tiềm năng khi các khu vực lõi của Thủ đô đã cạn kiệt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm, các nhà đầu tư phải rất tỉnh táo để lắng nghe những thông tin đa chiều, không nên nghe một nhóm người hay đầu tư theo phong trào, để rồi nhận lại những hệ lụy khôn lường.

Cơn sốt đất ảo ở Ba Vì hay Từ Liêm trước đây khi lên quận đã khiến không ít nhà đầu cơ điêu đứng. Vì vậy, trước khi rót vốn vào các khu đất, nhà đầu tư nên tham khảo, kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương, tránh chạy theo tâm lý đám đông. Thời điểm "sốt" đất năm 2009, nhiều người đặt tiền tranh suất tại các sàn bất động sản tại Hoài Ðức. Mỗi suất biệt thự, nhà liền kề tại An Khánh, dù có giá từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng vẫn bán chạy. Nhà liền kề của một dự án có giá gốc là 28 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường có thời điểm lên đến 45 triệu đồng/m2. Hay như giá đất nền gốc biệt thự của một dự án tại An Khánh là 47 triệu đồng/m2, nhưng giá bán trên thị trường năm 2010 lên đến 80 triệu đồng/m2. Ðến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều biệt thự từ Nam An Khánh cho tới Kim Chung - Di Trạch bị bỏ hoang là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư trước làn sóng mới.