Cẩn trọng với cơn sốt đất

Vị trí thuận lợi, lại sắp trở thành quận, cho nên huyện Thanh Trì đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, việc đầu tư ngắn hạn hay trung hạn cũng cần tính toán cẩn trọng để đạt hiệu quả cao.

Huyện Thanh Trì nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, nơi có các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua giúp cư dân rất nhiều trong việc di chuyển từ Thanh Trì đến trung tâm thành phố, cũng như đến các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, các khu đô thị: Tứ Hiệp, Tân Triều, Tây Nam Kim Giang, Ngọc Hồi, Cầu Bươu đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cũng tạo các điểm nhấn quan trọng cho diện mạo đô thị trên địa bàn.

Với nhiều lợi thế như vậy, cùng với thông tin huyện Thanh Trì trở thành quận vào giai đoạn 2020 - 2025 khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng. Nhưng thực tế cho thấy, giá đất ở tại Thanh Trì thời gian qua tương đối ổn định, tăng bình quân từ 3% đến 10% ở các trục đường lớn. Cụ thể, giá đất ở bình quân tại khu vực Thanh Trì dao động từ 15 đến 70 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Trong đó, khu vực có giá cao nhất là mặt đường khu vực Ngọc Hồi - Văn Điển, mức giá dao động từ 50 đến 80,5 triệu đồng/m2. Một số khu vực khác như xã Tả Thanh Oai từ 15 đến 45 triệu đồng/m2; Cầu Bươu từ 20 đến 50 triệu đồng/m2; Cổ Điển A dao động từ 45 đến 60 triệu đồng/m2. Dù vậy, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, càng gần thời điểm lên quận, giá đất tại huyện sẽ có biến động. Tuy nhiên, đầu tư thế nào cho hiệu quả cũng cần tính toán kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, chủ trương nâng cấp từ huyện lên quận chắc chắn sẽ tác động tới thị trường bất động sản ở Thanh Trì và các huyện khác, song giá đất tăng ở mức nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phải tương xứng. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh rơi vào cảnh ôm đất bỏ hoang như các đợt sốt đất trước đây. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, việc “nâng cấp” năm huyện, trong đó có Thanh Trì lên quận là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Theo bà Hằng, cả năm huyện được lên quận trong thời gian tới đều đã có quy hoạch phát triển khá cụ thể. Thí dụ, huyện Đông Anh và huyện Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Đối với các huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình được nâng thành quận, giá đất tại các huyện này sẽ có biến động rất lớn, nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Nếu người dân mua đất để ở thì không có nhiều rủi ro; tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, còn muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản. “Khi đầu tư trung đến dài hạn ở khu vực này, mức lợi nhuận trung bình có thể không quá lớn, nhưng nếu lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, thì đây là một khoản đầu tư hợp lý”, bà Hằng nói.