Diễn đàn Chủ nhật

Khẳng định vị thế nước chủ nhà có trách nhiệm

Cho đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam đang được khẩn trương chuẩn bị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố đề án tổng thể về Đại hội Thể thao Đông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông - Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11).

Theo đó, SEA Games 31 sẽ thi đấu 36 môn thể thao với tất cả các nội dung ở mỗi môn, tổng cộng khoảng 450 nội dung, trong đó số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Ô-lim-pích và ASIAD sẽ chiếm hai phần ba cùng bốn môn do các quốc gia trong khu vực đề xuất thêm theo thông lệ. Đây là một sự đổi mới đáng kể, thậm chí là khác biệt so với các kỳ SEA Games trước. Số lượng môn thi đấu đã được tính toán kỹ, phù hợp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của thể thao Việt Nam, đồng thời mang tính bao quát trình độ của thể thao các nước Đông - Nam Á. Theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao, đề án đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của nước chủ nhà đăng cai với mong muốn thúc đẩy thể thao khu vực phát triển theo đúng tinh thần Ô-lim-pích.

Sau khi đề án tổ chức SEA Games 31 được công bố, đã có nhiều lo ngại từ giới quản lý thể thao các nước về thành tích đạt được sẽ không còn cao với số lượng lớn Huy chương vàng giảm sút khi họ là nước chủ nhà đại hội. Có lẽ cũng là điều bình thường vì ở các kỳ SEA Games trước từng phổ biến tình trạng các nước chủ nhà đại hội tìm mọi cách để về nhất toàn đoàn với số lượng huy chương kỷ lục, kể cả việc lựa chọn các môn, các nội dung thế mạnh riêng, không theo quy chuẩn của Ô-lim-pích hay ASIAD và cắt bỏ những môn, những nội dung sở trường của các nước khác. Tuy nhiên, nhìn chung dư luận các nước và của Liên đoàn Thể thao Đông - Nam Á (SEAGF) đều ủng hộ và hưởng ứng quyết định của Việt Nam. Báo chí khu vực đã nhận định tích cực khi cho rằng đại hội thể thao khu vực nên hướng tới những thành tích đỉnh cao ở các môn cơ bản Ô-lim-pích nếu muốn thoát khỏi “vùng trũng” của thể thao châu lục và thế giới. Tờ Malaymail của Ma-lai-xi-a còn khuyên các quốc gia trong khu vực nên học hỏi cách lựa chọn môn thi đấu tại SEA Games 31 của Việt Nam, một nền thể thao đã có những bước tiến bộ ổn định, nhất là ở các môn Ô-lim-pích và từng bước tạo được dấu ấn ở cấp độ Thế vận hội.

Không phải nói quá khi Việt Nam có cơ sở để tự tin. Tại các kỳ SEA Games gần đây, đoàn thể thao nước ta luôn lọt vào tốp ba đoàn dẫn đầu và giành chiến thắng thuyết phục, thậm chí xuất sắc về nhất ở các bộ môn thể thao cơ bản Ô-lim-pích, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhất là với phong trào tập luyện thể thao trong nước. Để có được điều này, ngành thể thao và các đội tuyển Việt Nam đã phải rất nỗ lực cho dù nhiều khi rơi vào thế khá bất lợi do các khó khăn từ phía ban tổ chức nước chủ nhà. Điều đó cũng cho thấy, thể thao nước ta đã và đang đầu tư đúng định hướng, tập trung trọng tâm, trọng điểm bên cạnh sự chuẩn bị nền tảng lâu dài, mang tính phát triển bền vững ở nhiều môn thể thao Ô-lim-pích và ASIAD.

Với việc Việt Nam quyết tâm tổ chức thành công một kỳ SEA Games 31 công bằng, sòng phẳng, đúng với tinh thần thể thao trong sáng, không đơn thuần chỉ là chuyện thành tích thắng thua mà còn góp phần đưa SEA Games đi vào thực chất vươn tầm châu lục và thế giới. Ngoài ra, tổ chức SEA Games 31 hướng tới các môn Ô-lim-pích còn là dịp giúp đánh giá đúng thực lực thể thao Việt Nam, từ đó có những định hướng phát triển phù hợp đồng thời khẳng định vị thế nước chủ nhà có trách nhiệm, quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.